Khủng hoảng tự sát bản địa
Được phát hành mới đây, báo cáo của Thống kê Canada có tựa đề Tự tử trong số những người thuộc Quốc gia thứ nhất, Métis và Inuit đã nhận thấy rằng, về tổng thể, người bản địa ở Canada (người da đỏ, các thổ dân gốc vùng đất này) chết vì tự tử với tỷ lệ cao gấp ba lần so với những người da trắng (từ châu Âu) không phải bản địa.
Bộ tộc Attawapiskat ở Canada. Ảnh DK.
Mặc dù toàn diện, báo cáo thừa nhận có những hạn chế đối với những phát hiện có khả năng dẫn đến việc đánh giá thấp tỷ lệ thực tế. Phân tích báo cáo bao gồm một số yếu tố kinh tế xã hội, cũng như sự khác biệt so sánh dựa trên tuổi tác, giới tính và địa điểm.
Nhà nghiên cứu chính của báo cáo, Mohan Kumar, cho biết ông muốn độc giả nhớ rằng, với mỗi con số trong báo cáo, có một người đứng sau họ, và cái chết của họ có nghĩa là một sự mất mát đáng kinh ngạc đối với gia đình, bạn bè, cộng đồng và xã hội. Ông cũng bối cảnh hóa những phát hiện trong nghiên cứu hiện tại cho thấy, các khía cạnh của thực dân đóng góp vào cuộc khủng hoảng tự sát bản địa. Vì vậy, tỷ lệ cao, theo ông, nên được coi là biểu hiện của những thất bại cá nhân, cộng đồng hoặc văn hóa.
Gây sốc cho thế giới
Thủ tướng Canada Justin Trudeau xem đây là "sự việc đau lòng" và tuyên bố, chính phủ sẽ làm mọi cách để cân bằng mức sống cho thổ dân. Ông Trudeau hứa sẽ dành hàng tỷ USD cho vấn đề này. Quốc hội quốc gia Bắc Mỹ đã họp khẩn khi chứng kiến có bé mới 9 tuổi hay ít hơn đã tìm tới cái chết vì những bức xúc mang tính xã hội.
Nghị sĩ Charlie Angus, người đại diện cho bộ tộc Attawapiskat ở bang Ontario cho biết, những vụ tự tử thời gian gần đây đã gây sốc cho thế giới. Bộ tộc Attawapiskat với dân số 2.000 người đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp mới đây do đã có hơn 100 vụ tìm cách tự sát thời gian ngắn, trong đó một người đã tử vong.
Mới đây, cảnh sát Ontario đã đưa 13 thanh niên, trong đó có một cậu bé 9 tuổi vào bệnh viện sau khi những người này cố gắng tự tử, hãng AP đưa tin. Toàn bộ những người tự tử nêu trên là thổ dân bản xứ Canada. Đại diện cộng đồng này thường xuyên phàn nàn về tình trạng chênh lệch giàu nghèo, thiếu tiền cho giáo dục giữa thổ dân và những cộng đồng dân cư khác ở Canada.
Grassy Narrows đã chứng kiến thủy ngân bị thải ra môi trường trong suốt một thập niên. Ảnh The Guardian.
Tộc trưởng tộc Attawapiskat cho biết, nguyên nhân nhiều thổ dân tự tử là vì chán nản, bi quan về điều kiện sống. Thổ dân thường thất nghiệp, nhà ở chật chội, thiếu nước sạch. Khi kết nối vào internet, họ phát hiện ra rằng, cuộc sống của những người dân sống tại các vùng khác của Canada rất thoải mái. “Chỉ trong một năm, tổng cộng đã có hơn 100 người ở đủ mọi lứa tuổi muốn tự tử. Người nhỏ tuổi nhất mới 11 tuổi, người già nhất là 71 tuổi” - tộc trưởng Shisheesh người Attawapiskat lo ngại. Cảnh sát đã bắt đầu tuần tra 24/24 nhằm ngăn chặn tình trạng khủng hoảng này.
Cộng đồng người Attawapiskat sống biệt lập ở phía bắc bang Ontario. Người ngoài chỉ có thể đến nơi này bằng máy bay hoặc đi trên băng vào mùa đông. Bộ trưởng Y tế Canada Jane Philpott cho biết, tỷ lệ tự tử ở người trẻ trong nhóm dân bản địa nước này thuộc hàng cao nhất thế giới. Nam thổ dân có tỷ lệ tự tử cao hơn 10 lần so với những cộng đồng người Canada khác, trong khi tỷ lệ này ở nữ là hơn 21 lần.
"Không thể chấp nhận được việc một đất nước giàu tài nguyên như Canada lại để cho người trẻ tuổi cảm thấy cuộc sống của họ vô nghĩa và muốn tự kết liễu đời mình. Chúng ta phải có biện pháp xử lý thực tế đáng kinh ngạc này", bà Philpott nói. Trước đó, trong thư đề nghị gửi Hạ viện, nghị sỹ đảng Dân chủ mới Angus cho rằng Canada không nên tiếp tục thờ ơ với tình trạng thiếu chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em thổ dân.
Nghị sỹ Angus nhấn mạnh “cần phải xem những cơn ác mộng và bi kịch này là lời cảnh tỉnh không còn thời gian để chần chừ thêm nữa”.
Ông cũng nhắc lại rằng từ lâu các cộng đồng thổ dân Attawapiskat ở Ontario, La Loche ở Saskachewan hay Cross Lake (Hồ Chữ thập) ở Manitoba... đều đã lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ. Hiện tại, Canada dành 235 triệu USD để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho thổ dân. Canada khẳng định họ sẽ chi ra thêm 8,37 tỉ USD Canada trong vòng 5 năm để giúp đỡ cộng đồng các bộ lạc đối phó với điều kiện sống khắc nghiệt và tâm lý bị cô lập, tách rời khỏi thế giới.
Thủ tướng Justin Trudeau đang tìm cách nối lại mối quan hệ hữu nghị với 1,4 triệu người thổ dân. Ảnh NI.
Hàng nghìn phụ nữ thổ dân chết trong nghi vấn
Chính phủ Canada xác nhận, số phụ nữ thổ dân mất tích hoặc bị giết hại ở nước này có thể cao hơn con số 1.200 từng thống kê trước đó. Cảnh sát liên
bang Canada cho biết trong ba thập kỷ qua, 1.049 phụ nữ thổ dân đã bị giết và 172 người mất tích. Nhưng BBC dẫn lời Patty Hajdu, Bộ trưởng về vị thế phụ nữ, chỉ ra rằng, một nghiên cứu của Hiệp hội Phụ nữ Thổ dân Canada xác định con số này lên tới 4.000. "Thảm kịch có quy mô rộng lớn hơn nhiều" - AFP dẫn lời Carolyn Bennet, Bộ trưởng các vấn đề Thổ dân tiết lộ mới đây.
Dựa trên những cuộc trò chuyện với gia đình các nạn nhân trước khi chính quyền điều tra về cái chết và các vụ mất tích, Bennett cho biết nhiều vụ đã bị coi là tự sát, hay dùng thuốc quá liều hoặc nguyên nhân tự nhiên. Bà dẫn ví dụ về một phụ nữ bị bắn vào đầu từ đằng sau và một người khác chết khi đang bị trói tay. Cả hai trường hợp này bị phân loại là tự sát, bà nói. Tháng 12/2018, chính quyền Canada buộc tội một người đàn ông 53 tuổi giết thiếu nữ thổ dân 15 tuổi, trong vụ việc gây phẫn nộ cả nước. Raymond Cormier bị buộc tội giết người cấp độ hai Tina Fontaine. Thi thể cô gái được phát hiện ở một con sông tại Canada.
Còn theo một cuộc điều tra riêng do kênh BBC tiến hành, hàng năm có hàng chục phụ nữ thổ dân Canada mất tích và thi thể của nhiều phụ nữ sau đó được phát hiện ở sông Red tại Canada. Chính phủ Canada dưới sự lãnh đạo của đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau đang tìm cách nối lại mối quan hệ hữu nghị với 1,4 triệu người thổ dân từ khi lên nắm quyền. Chính phủ bảo thủ trước đó từ lâu đã cưỡng lại những lời kêu gọi điều tra.
Một lá cờ Canada rách nát tung bay trên một túp lều của thổ dân ở Attawapiskat, Ontario. Ảnh: Reuters.
Xả thải thủy ngân gây tỷ lệ tự tử cao trong cộng đồng thổ dân
Việc tiếp xúc với thủy ngân trong nhiều thập niên có liên quan đến tỷ lệ tự tử cao ở thanh thiếu niên trong một cộng đồng người bản địa ở Canada, phát hiện mới nhất cho thấy hậu quả thảm khốc của ô nhiễm môi trường. Theo báo The Guardian, các nhà nghiên cứu đã điều tra ba thế hệ mẹ và con thuộc cộng đồng Grassy Narrows ở tỉnh bang Ontario của Canada. Họ kết luận rằng việc tiếp xúc lâu dài với thủy ngân, một kim loại độc hại, dẫn đến việc tỷ lệ tự tử trong cộng đồng này cao gấp ba lần so với mọi cộng đồng "Dân tộc đầu tiên" khác. "Dân tộc đầu tiên" (First Nations) là cách gọi chung các nhóm sắc dân bản địa ở Canada mà không phải người Inuit hay người Metis.
Trong suốt một thập niên kể từ năm 1963, một công ty giấy đã xả ra hơn 9.000 tấn thủy ngân vào các hệ thống sông Wabigoon và English ở Grassy Narrows. Quá trình xả thải này được cho là đã làm ô nhiễm khoảng 250 km sông ngòi. Một gram thủy ngân cũng đủ để làm cho toàn bộ cá trong phạm vi 20 ha trở nên không an toàn để tiêu thụ - nhưng lượng thủy ngân bị phát tán ra môi trường ở Grassy Narrows nhiều gấp 9 triệu lần mức đó.
Trước khi xảy ra vụ xả thải thủy ngân, cộng đồng Grassy Narrows không ghi nhận bất cứ vụ tự tử nào của thanh thiếu niên, nhưng trong các thế hệ sau đó, tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử của Grassy Narrows vượt xa tỷ lệ của các nhóm sắc dân First Nations khác tại Canada. Các bà mẹ ở Grassy Narrows nói rằng hơn 40% thanh thiếu niên trong cộng đồng từng có ý định tự tử.
Thổ dân là những người đầu tiên sinh sống ở Canada. Họ có rất nhiều tín ngưỡng và tập tục khác nhau đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ có mặt ở khắp mọi miền của đất nước Canada. Hiến pháp năm 1982 ghi nhận ba nhóm dân bản địa chính ở Canada: Những Bộ tộc Đầu tiên (First Nations, còn gọi là người Anh-điêng); Người Inuit (thường được biết đến là người Eskimos) - là những người tạo thành những nhóm thổ dân đầu tiên ở Canada; và người Métis - nhóm người tập hợp lại sau sự hình thành của Canada. Ngày thổ dân Canada là ngày 21/6 hằng năm, bắt đầu cho dịp lễ hội 11 ngày Vinh danh Canada, kết thúc vào ngày quốc khánh Canada 1/7.
Long Nguyễn