Ngày 14/2, cảng Phước An đã thực hiện kiểm phiếu nội dung xin ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trong đó, Công ty nhận lại 28 phiếu, tương đương 231 triệu cổ phiếu, tương ứng 99,6% vốn điều lệ.
Điểm đáng lưu ý, với nội dung trình cổ đông kế hoạch phát hành 60 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 2.320 tỷ đồng lên 2.920 tỷ đồng. Trong đó, có 194,77 triệu cổ phiếu tán thành, tương đương 83,95% tổng số phiếu biểu quyết; hơn 1,31 triệu cổ phiếu không có ý kiến, tương đương 0,57% tổng số cổ phiếu biểu quyết; và đặc biệt 35 triệu cổ phiếu không tán thành, tương đương gần 15,09% tổng số cổ phiếu biểu quyết.
Như vậy, dù có đại diện 35 triệu cổ phiếu phản đối, nhưng do tỷ lệ đồng ý vượt tỷ lệ yêu cầu tối thiểu, kế hoạch tăng vốn vẫn được thông qua.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên nhóm đại diện 35 triệu cổ phiếu phản đối với nội dung xin ý kiến cổ đông, trước đó tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, đại diện 35 triệu cổ phiếu cũng phản đối nhiều nội dung trình cổ đông, nhưng do tỷ lệ không đủ nên dù phản đối song nội dung vẫn được thông qua.
Theo tìm hiểu, cảng Phước An được thành lập để thực hiện việc đầu tư khai thác cảng tổng hợp Phước An. Trong đó, cổ đông sáng lập ban đầu gồm Petrovietnam sở hữu 79,54%; Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp sở hữu 17,05%; các cổ đông khác sở hữu 3,41% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, từ năm 2016, cảng Phước An liên tục phát hành riêng lẻ khiến sở hữu nhà nước bị pha loãng: Năm 2016, phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn để tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng; năm 2017, tiếp tục phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng; năm 2021, phát hành 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 1.100 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng; năm 2022, Công ty chào bán riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng; và năm 2024 chào bán thêm 32 triệu cổ phiếu nâng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 2.320 tỷ đồng.
Trải qua 5 lần tăng vốn từ 440 tỷ đồng lên 2.320 tỷ đồng, số lượng cổ phiếu của Petrovietnam sở hữu tại cảng Phước An vẫn không đổi (35 triệu cổ phiếu), nhưng tỷ lệ sở hữu đã giảm từ 79,54%, về 15,09% vốn điều lệ, tức giảm 64,45% vốn điều lệ.
Trong đó, đỉnh điểm lần tăng vốn năm 2016, Công ty phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn, đơn vị này trở thành công ty mẹ của cảng Phước An thay cho Petrovietnam.
Quay trở lại kế hoạch phát hành riêng lẻ vừa được thông qua, nếu cảng Phước An chào bán thành công, vốn điều lệ tăng từ 2.320 tỷ đồng lên 2.920 tỷ đồng và đồng nghĩa tỷ lệ sở hữu của Petrovietnam tiếp tục giảm về 11,99% vốn điều lệ.
Được biết, theo kế hoạch ban đầu, cảng Phước An sẽ chào bán 60 triệu cổ phiếu riêng lẻ, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm và dự kiến triển khai trong năm 2025.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý IV/2024, lần đầu tiên cảng Phước An công bố ghi nhận doanh thu 2,18 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận nhưng vẫn báo cáo lỗ kỷ lục 23,8 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1,8 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý, dù có doanh thu nhưng cảng Phước An đang kinh doanh dưới giá vốn khi mà lợi nhuận gộp âm 17,8 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận. Ngoài ra, bên cạnh kinh doanh dưới giá vốn, trong quý cuối năm 2024, cảng Phước An còn chịu áp lực chi phí tài chính 3,23 tỷ đồng, chi phí bán hàng 0,45 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 2,36 tỷ đồng.
Lũy kế trong năm 2024, cảng Phước An ghi nhận doanh thu 2,18 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 17,31 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 7,8 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 10,51 tỷ đồng.
Được biết, cảng Phước An vừa trải qua 3 năm thua lỗ liên tiếp khi năm 2021 ghi nhận lỗ 2,02 tỷ đồng, năm 2022 ghi nhận lỗ 4,27 tỷ đồng và năm 2023 ghi nhận lỗ thêm 6,8 tỷ đồng.
Với việc tiếp tục lỗ thêm 17,31 tỷ đồng trong năm 2024, tính tới ngày 31/12/2024, cảng Phước An ghi nhận tổng lỗ lũy kế lên tới 31,22 tỷ đồng, bằng 1,3% vốn điều lệ.
Bên cạnh kinh doanh thua lỗ, trong năm 2024, cảng Phước An còn ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm tới 314,4 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 257,1 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng trong kỳ, dòng tiền đầu tư âm 143 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 630,7 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ và huy động thêm vốn từ đợt phát hành để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Về diễn biến cổ phiếu, gần đây cổ phiếu PAP tiếp tục xu hướng giao dịch với thanh khoản thấp nhưng riêng phiên giao dịch ngày 14/2, cổ phiếu PAP đã tăng kịch trần 4.000 đồng lên 31.100 đồng/cổ phiếu với thanh khoản lên tới 26.500 cổ phiếu được khớp lệnh (trung bình 20 phiên chỉ ghi nhận thanh khoản hơn 2.500 cổ phiếu/phiên giao dịch).
Duy Bắc