Căng thẳng biên giới Campuchia-Thái Lan leo thang: Bangkok triệu hồi đại sứ, trục xuất nhà ngoại giao của Phnom Penh

Căng thẳng biên giới Campuchia-Thái Lan leo thang: Bangkok triệu hồi đại sứ, trục xuất nhà ngoại giao của Phnom Penh
2 ngày trướcBài gốc
Các binh sĩ Thái Lan tại hiện trường vụ nổ mìn ngày 23/7. (Nguồn: Bangkok Post)
Báo Nation Thailand đưa tin, theo Quân đội Thái Lan, vụ nổ mìn xảy ra khi các binh sĩ nước này đang tuần tra gần Huai Bon, huyện Nam Yuen, tỉnh Ubon Ratchathani.
Sự cố xảy ra ở gần cửa khẩu biên giới Chong An Ma đã khiến chính phủ Thái Lan ra lệnh đóng cửa tất cả các cửa khẩu ở Đông Bắc nước này. Cùng lúc, quân đội đã kích hoạt kế hoạch khẩn cấp “Chakrapong Phuwanart”, từng được sử dụng lần gần nhất vào năm 2011 trong cuộc xung đột về khu vực đền Preah Vihear.
Ngay sau đó, quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai cho biết, chính phủ đã triệu hồi Đại sứ nước này ở Phnom Penh và yêu cầu Đại sứ Campuchia rời khỏi Thái Lan, đồng thời sẽ xem xét kỹ hơn mức độ quan hệ song phương.
Theo ông Wechayachai, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã trao công hàm phản đối, nhấn mạnh rằng mìn không xuất hiện ở khu vực này trước khi xảy ra vụ việc.
Trong một thông cáo tối 23/7, Bộ Quốc phòng Campuchia bác bỏ tuyên bố từ Thái lan, gọi đây là "những cáo buộc vô căn cứ".
Vụ việc xảy ra một tuần sau khi 3 binh sĩ Thái Lan cũng đã bị thương do dẫm phải mìn khi đi tuần tra tại khu vực biên giới tranh chấp giữa tỉnh Ubon Ratchathani của nước này và tỉnh Preah Vihear của Campuchia hôm 16/7, trong đó có một người bị đứt lìa bàn chân.
Ngày 20/7, quân đội Thái Lan cho biết, trong khoảng thời gian từ ngày 18-20/7, họ đã phát hiện 10 quả mìn loại PMN-2. Bộ Ngoại giao Thái Lan cáo buộc Campuchia sử dụng mìn chống bộ binh – hành động vi phạm Công ước Ottawa, vốn cấm sử dụng loại vũ khí này. Cả Campuchia và Thái Lan đều đã ký Công ước này vào năm 1997, và phê chuẩn vào năm 1998.
Bác bỏ cáo buộc của Thái Lan, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia, Trung tướng Maly Socheata cho rằng, các binh sĩ Thái Lan bị thương hôm 16/7 là do họ đã "đi chệch khỏi các tuyến tuần tra đã thỏa thuận, vi phạm Biên bản Ghi nhớ năm 2000 (MoU 2000)".
Theo quan chức quốc phòng Campuchia, các binh sĩ đã đi vào những nơi vẫn còn tồn tại mìn chưa nổ, là "tàn dư từ thời chiến tranh" mà Phnom Penh nhiều lần cảnh báo. Hiện tại, Campuchia vẫn còn sót lại rất nhiều mìn chưa nổ từ các cuộc chiến trong quá khứ. Theo dữ liệu từ Trung tâm Hành động Bom mìn Campuchia, hiện vẫn còn khoảng 4-6 triệu quả mìn rải rác khắp đất nước này.
Bảo Minh
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/cang-thang-bien-gioi-campuchia-thai-lan-leo-thang-bangkok-trieu-hoi-dai-su-truc-xuat-nha-ngoai-giao-cua-phnom-penh-322042.html