Quang cảnh thành phố Nuuk (Greenland). (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 29/3, Đan Mạch đã tỏ ý không hài lòng đối với bình luận của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance rằng Copenhagen đã không “đầu tư đủ” cho Greenland.
Tuyên bố trên được ông Vance đưa ra trong chuyến thăm vùng lãnh thổ Đan Mạch giàu tài nguyên có vị trí chiến lược mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần đề cập đến khả năng sáp nhập.
Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen khẳng định Copenhagen sẵn sàng lắng nghe những lời chỉ trích, song đây không phải là cách “nói chuyện với các đồng minh gần gũi.” Tuy nhiên, ông nhấn mạnh vẫn coi Đan Mạch và Mỹ là những đồng minh như vậy.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng lên tiếng phản đối phát biểu của Phó Tổng thống Vance, cho rằng phát biểu này “không chính xác.”
Theo bà, việc Phó Tổng thống Mỹ đến thăm hòn đảo Bắc Cực này mà không được mời là “"áp lực không thể chấp nhận được" đối với Greenland và Đan Mạch.
Trước đó, trong chuyến thăm Căn cứ Không gian Pituffik ở phía Tây Bắc Greenland, Phó Tổng thống Mỹ Vance cho rằng Đan Mạch đã “đầu tư không đủ cho người dân Greenland và đầu tư không đủ vào kiến trúc an ninh của vùng đất rộng lớn, xinh đẹp này."
Các nước Bắc Âu ủng hộ chủ quyền của Đan Mạch đối với Greenland
Trong khi đó, các ngoại trưởng của bốn quốc gia Bắc Âu gồm Phần Lan, Thụy Điển, Iceland và Na Uy ngày 29/3 đã khẳng định lập trường ủng hộ đối với Đan Mạch sau chuyến thăm gây tranh cãi của phái đoàn Mỹ - trong đó có Phó Tổng thống JD Vance - tới Greenland.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Thụy Điển Maria Stenergard nêu rõ: “Thụy Điển và Đan Mạch là những người bạn, láng giềng và đồng minh. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ để tăng cường an ninh ở Bắc Cực và NATO.”
Theo bà, Greenland “là một phần của Đan Mạch và một phần của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), đồng thời cũng là vùng lãnh thổ quan trọng để bảo vệ NATO.”
Người dân tại thành phố Nuuk, Greenland. (Ảnh: THX/TTXVN)
Quan điểm trên đã nhận được sự ủng hộ của Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen và Ngoại trưởng Iceland Thorgerdur Katrin Gunnarsdottir.
Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide đã nêu bật sự cần thiết phải tăng cường an ninh tại Bắc Cực.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, ông Eide nhấn mạnh: “Na Uy hoàn toàn ủng hộ Vương quốc Đan Mạch. Tôn trọng lẫn nhau về toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
An ninh Bắc Cực phải được tăng cường. Với tư cách là các đồng minh NATO, chúng ta cùng nhau gánh vác trách nhiệm đối với an ninh Bắc Cực”.
Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Phó Tổng thống Mỹ JD Vance hôm 28/3 đã tới thăm Căn cứ Không gian Pituffik tại Greenland.
Phát biểu tại đây, ông cho rằng Đan Mạch đã “đầu tư không đủ cho nhân dân Greenland và đầu tư không đủ vào cấu trúc an ninh của vùng đất rộng lớn, xinh đẹp này.”
Bình luận của Phó Tổng thống Mỹ lập tức vấp phải sự phản đối từ Copenhagen. Trong tuyên bố được đăng tải trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen ngày 29/3 khẳng định Copenhagen sẵn sàng lắng nghe những lời chỉ trích, song đây không phải là cách “nói chuyện với các đồng minh gần gũi.”
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng lên tiếng phản đối phát biểu của Phó Tổng thống Vance, phê phán những lời lẽ này là “không chính xác.”
Theo bà, việc Phó Tổng thống Mỹ đến thăm hòn đảo Bắc Cực mà không được mời là “áp lực không thể chấp nhận được” đối với Greenland và Đan Mạch.
Greenland là vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch - quốc gia thành viên NATO và là đồng minh lâu năm của Mỹ. Hòn đảo này là nơi đặt các căn cứ quân sự của cả hai nước, đồng thời sở hữu trữ lượng khoáng sản khổng lồ.
Greenland - với dân số khoảng 56.000 người, phần lớn có nguồn gốc thổ dân Inuit - đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần công khai kế hoạch sáp nhập hòn đảo này.
Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp hôm 11/3, đảng Qulleq - được xem là có quan điểm thân Mỹ nhất tại Greenland - thậm chí không giành đủ số phiếu bầu để có một ghế trong cơ quan lập pháp./.
(TTXVN/Vietnam+)