Căng thẳng giải ngân vốn đầu tư công

Căng thẳng giải ngân vốn đầu tư công
3 giờ trướcBài gốc
Chủ đầu tư cùng các đơn vị thi công quyết tâm giải ngân đúng kế hoạch công trình kè chống sạt lở bờ sông Ba khu vực thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa. Ảnh: NHƯ THANH
Tỉ lệ giải ngân quá thấp
Theo Sở KH&ĐT, ngay từ những tháng đầu năm 2024, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao các cấp, ngành, chính quyền địa phương, chủ đầu tư triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Ngoài các hội nghị chuyên đề, chỉ đạo thường xuyên, UBND tỉnh cũng đã thành lập 2 tổ công tác để đi thực địa kiểm tra, kịp thời có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư; tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, đặc biệt các dự án tạo nguồn thu; thường xuyên rà soát, điều chỉnh các dự án có tỉ lệ giải ngân thấp sang cho các dự án giải ngân tốt có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn…
Tuy nhiên, tính đến ngày 31/10, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh mới đạt gần 1.524,45 tỉ đồng, bằng 33,51% kế hoạch vốn tỉnh giao và bằng 31,32% kế hoạch vốn trung ương giao. Ước giải ngân đến 31/1/2025 được gần 3.772 tỉ đồng, đạt 82,9% kế hoạch vốn tỉnh giao và bằng 77,5% kế hoạch vốn trung ương giao. So với các tỉnh, thành khác, Phú Yên đang ở nhóm các địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp nhất cả nước.
Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Ngoài các nguyên nhân chính như vướng giải phóng mặt bằng, một số quy định về đất đai chưa rõ ràng…, trong quá trình điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2024, nguồn thu tiền sử dụng đất của tỉnh gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của các dự án.
UBND tỉnh đã báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 (điều chỉnh giảm nguồn thu tiền sử dụng đất và bổ sung nguồn tăng thu tiết kiệm chi để bổ sung nguồn vốn đầu tư cho các dự án). Ngoài ra, những tháng đầu năm là giai đoạn các chủ đầu tư thực hiện các bước lập thủ tục chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh dự toán công trình, lập và phê duyệt phương án đền bù, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu…
Do đó, công trình chưa có khối lượng nghiệm thu để thanh toán giải ngân vốn, đa số chủ đầu tư chỉ giải ngân vốn đã được bố trí cho các công trình hoàn thành, chuyển tiếp.
Chạy nước rút
Song song với việc đẩy nhanh tiến độ các công trình, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang phối hợp với các đơn vị liên quan, đẩy nhanh công tác hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng để bàn giao, thanh quyết toán các hạng mục công trình.
Ông Đặng Khoa Đãm, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Trên từng dự án, chủ đầu tư phối hợp cùng nhà thầu và các đơn vị liên quan khẩn trương thi công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân từng hạng mục.
Điển hình như Dự án Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, lũy kế vốn đã bố trí cho dự án đến nay hơn 23,5 tỉ đồng, dự kiến công tác giải ngân năm 2024 sẽ đạt 100% kế hoạch. Công trình giải ngân đúng kế hoạch cũng là mục tiêu đề ra đối với các dự án: Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh; kè chống sạt lở bờ sông Ba khu vực thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa; đầu tư cơ sở vật chất Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu; cải tạo, nâng cấp Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm.
Để việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt kết quả cao nhất, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ kế hoạch được giao; đẩy nhanh tiến độ thi công; nêu cao vai trò trách nhiệm, quản lý chặt chẽ, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh mới đây, đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Các ngành, địa phương cần sớm hoàn tất hồ sơ, thủ tục, đảm bảo đủ điều kiện đưa ra đấu giá các khu đất, dự án để thu tiền sử dụng đất theo kế hoạch đề ra; hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù.
Các địa phương huy động cả hệ thống chính trị đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng bàn giao cho các chủ đầu tư thực hiện và giải ngân các dự án, nhất là các dự án lớn, quan trọng, có tác động liên vùng như: Dự án tuyến đường giao thông từ cảng Bãi Gốc (KKT Nam Phú Yên) kết nối quốc lộ 1 đi KKT Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa); Tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn nối các huyện, thành phố: Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy Hòa và Tuy An (giai đoạn 2); Kè chống sạt lở bờ tả sông Ba kết hợp phát triển hạ tầng đô thị đoạn qua thôn Vĩnh Phú... Các cấp, ngành đề cao và xác định trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công để tạo chuyển biến rõ rệt, thiết thực.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2024 của cả nước chỉ đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (56,74%), chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Một số địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp như: TP Hồ Chí Minh, Phú Yên, Kon Tum, Quảng Ngãi...
NHƯ THANH
Nguồn Phú Yên : https://baophuyen.vn/82/322916/cang-thang-giai-ngan-von-dau-tu-cong.html