Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ngày 28/2/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Theo Wall Street Journal ngày 24/4, các cuộc đàm phán chấm dứt giao tranh ở Ukraine đang bị đình trệ, đẩy mối quan hệ giữa Washington và Kiev vào tình trạng căng thẳng mới. Tổng thống Donald Trump ngày càng thất vọng và công khai đổ lỗi cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vì không chấp nhận kế hoạch hòa bình do Mỹ đề xuất.
Đổ vỡ tại cuộc họp ở London
Một cuộc họp quan trọng tại London (Anh) vào ngày 23/4, vốn được coi là thời điểm quyết định cho tiến trình đàm phán, đã tan thành mây khói khi Ngoại trưởng Marco Rubio và đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff đột ngột hủy bỏ kế hoạch tham dự. Sự việc diễn ra sau khi Tổng thống Zelensky phản đối đề xuất của Mỹ về một thỏa thuận hòa bình - đặc biệt là điều khoản Washington "công nhận quyền kiểm soát của Nga với bán đảo Crimea", nơi Moskva đã tuyên bố sáp nhập vào năm 2014.
"Không có gì để bàn thảo cả - đây là lãnh thổ của chúng tôi, lãnh thổ của người dân Ukraine", ông Zelensky đã tuyên bố cứng rắn trước thềm cuộc đàm phán.
Tổng thống Trump đã đáp trả bằng cách chỉ trích người đồng cấp Zelensky trên mạng xã hội Truth Social: "Những tuyên bố như vậy khiến cho việc giải quyết cuộc chiến này trở nên khó khăn", đồng thời cảnh báo nhà lãnh đạo Ukraine phải lựa chọn "hòa bình ngay bây giờ hoặc có nguy cơ mất toàn bộ đất nước trong ba năm nữa".
Tờ Wall Street Journal lưu ý, khung hòa bình được Mỹ trình bày bao gồm: Đóng băng xung đột theo các đường ranh giới hiện tại, đồng ý cho Nga "nắm giữ hầu hết lãnh thổ họ đang kiểm soát", Mỹ công nhận việc "Nga sáp nhập Crimea năm 2014" và Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.
Tài liệu dài hai trang cũng không đưa ra cam kết rõ ràng nào về sự hỗ trợ quân sự trong tương lai của Mỹ cho Ukraine trong tương lai. Tuy nhiên, nó không đặt ra giới hạn về quy mô lực lượng vũ trang của Ukraine, điều mà Moskva đã yêu cầu.
Phản ứng của Ukraine
Trang tin châu Âu Euronews.com cùng ngày cho biết, các quan chức Ukraine đã bày tỏ nhiều mối quan ngại nghiêm trọng về đề xuất trên. Họ khẳng định rằng muốn có lệnh ngừng bắn trước khi thảo luận về thỏa thuận cuối cùng và lo ngại thỏa thuận sẽ cho phép Nga tái tấn công vào thời điểm sau đó.
Trong một thông điệp sau cuộc họp London, Tổng thống Zelensky tuyên bố: "Chúng tôi nhấn mạnh lệnh ngừng bắn ngay lập tức, toàn diện và vô điều kiện". Ông cũng khéo léo nhắc nhở về lập trường truyền thống của Mỹ bằng cách trích dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo dưới thời chính quyền Trump đầu tiên đã từng khẳng định "không quốc gia nào có thể thay đổi biên giới của quốc gia khác bằng vũ lực".
Các quan chức Ukraine cũng bày tỏ lo ngại rằng Tổng thống Trump có thể đổ lỗi cho Kiev về sự đổ vỡ trong đàm phán và từ chối cung cấp thêm viện trợ quân sự. Tình trạng căng thẳng càng tăng cao sau khi Phó Tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu với các phóng viên tại Ấn Độ: "Chúng tôi đã đưa ra một đề xuất rất rõ ràng cho cả Nga và Ukraine, và đã đến lúc họ phải nói 'đồng ý' hoặc Washington rút khỏi tiến trình này".
Diễn biến nêu trên trái ngược hoàn toàn với tuyên bố ban đầu của Tổng thống Trump rằng ông có thể làm trung gian cho một hiệp ước trong vòng 24 giờ. Các nguồn tin cho biết tổng thống Mỹ đã trút giận với các trợ lý khi nhận ra rằng những cuộc đàm phán khó kết thúc hơn ông hy vọng.
Trong khi đó, các quan chức Anh và Pháp đang nỗ lực xây dựng một kế hoạch để tạo ra một lực lượng liên minh có thể được triển khai bên trong Ukraine sau khi lệnh ngừng bắn được thực hiện. Tuy nhiên, kế hoạch này phụ thuộc vào cam kết của Mỹ về hỗ trợ hậu cần và không quân - điều mà Washington vẫn chưa sẵn sàng đưa ra.
Với cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Trump và ông Zelensky tại Rome trong tang lễ của Giáo hoàng Francis, nhiều người hy vọng hai nhà lãnh đạo có thể thu hẹp khoảng bất đồng. Tuy nhiên, triển vọng đạt được đột phá vẫn còn xa vời khi cả hai bên tiếp tục giữ vững lập trường của mình.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc