Cuộc họp diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với khu vực này trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu kế hoạch di dời người Palestine khỏi Gaza và giành quyền kiểm soát lãnh thổ này.
Tổng thống Trump đã nhiều lần kêu gọi Mỹ "tiếp quản" Gaza và tái định cư người dân để tái phát triển vùng đất này thành "Riviera của Trung Đông". Ý tưởng này đã bị thế giới Arab và nhiều quốc gia khác kịch liệt phản đối, họ cho rằng đây là hành động thanh trừng sắc tộc.
Theo đánh giá do LHQ, EU và WB công bố ngày 18/2, việc tái thiết Gaza sẽ cần hơn 50 tỷ USD. (Nguồn: AA)
Một nguồn tin thân cận với chính phủ Saudi Arabia xác nhận, Hội nghị thượng đỉnh này “diễn ra và kết thúc vào buổi chiều” ngày 21/2, nhưng nội dung các thảo luận “được giữ kín”, trong khi không có tuyên bố chính thức nào được đưa ra sau cuộc họp.
Nguồn tin nói thêm rằng, Oman đã không cử đại diện tham dự sự kiện này, trong khi 5 quốc gia khác thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đều góp mặt.
Hãng thông tấn chính thức SPA của Saudi Arabia đưa tin, cuộc họp đã thảo luận về những nỗ lực chung nhằm hỗ trợ cho sự nghiệp của người Palestine và những diễn biến ở Gaza, cùng với các vấn đề khu vực và quốc tế khác.
Các phương tiện truyền thông chính thức của Saudi Arabia đã đưa tin về “cuộc họp thân mật, không chính thức” mà không nêu rõ nội dung, trong khi kênh truyền hình Al Ekhbariya công bố bức ảnh chụp chung của các nhà lãnh đạo Arab tham dự sự kiện tại Riyadh.
Cuộc họp này do Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman triệu tập, có sự tham dự của Tổng thống UAE Sheikh Mohamed; Quốc vương Qatar Sheikh Tamim; Quốc vương Kuwait Sheikh Meshal; Quốc vương Jordan Abdullah II và Thái tử Hussein; Thái tử Bahrain Salman bin Hamad; và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El Sisi.
Phủ Tổng thống Ai Cập ra tuyên bố cho biết, Tổng thống El-Sisi đã rời Riyadh sau khi tham dự một “cuộc họp không chính thức về vấn đề Palestine”.
Ngay cả trước cuộc họp, Saudi Arabia đã cố gắng giảm bớt kỳ vọng bằng cách gọi cuộc họp là “không chính thức” và cho biết các quyết định quan trọng của các nhà lãnh đạo Arab sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) sắp diễn ra tại Ai Cập vào ngày 4/3.
Ngày 18/2, Bộ Ngoại giao Ai Cập thông báo rằng, Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của AL sẽ được ấn định lại vào ngày 4/3, thay vì 27/2, vì "lý do chuẩn bị và hậu cần".
Phát biểu tại sự kiện ở Riyadh, Quốc vương UAE Sheikh Mohamed khẳng định, cuộc họp là “một phần của các nỗ lực nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp và tham vấn giữa các nước Arab” để giải quyết các vấn đề khu vực, đồng thời nêu bật vai trò của Saudi Arabia trong việc tổ chức sự kiện này.
Một nguồn tin thân cận với chính phủ Saudi Arabia tiết lộ, cuộc họp nhằm thảo luận về “kế hoạch tái thiết Dải Gaza của Ai Cập”.
Ai Cập chưa chính thức công bố kế hoạch của mình, nhưng theo nhà ngoại giao Ai Cập đã nghỉ hưu Mohammed Hegazy, kế hoạch này bao gồm 3 giai đoạn kéo dài trong vòng từ 3 đến 5 năm. Theo ông, trong giai đoạn đầu kéo dài 6 tháng, thiết bị hạng nặng sẽ dọn dẹp đống đổ nát và thiết lập 3 khu vực an toàn để tái định cư cho những người Gaza phải di dời và họ sẽ được "cung cấp chỗ ở di động”.
Giai đoạn thứ hai sẽ đòi hỏi “một hội nghị quốc tế về tái thiết”.
Trong khi đó, giai đoạn thứ ba sẽ là “khởi động lại một tiến trình chính trị hướng tới giải pháp hai nhà nước”, nơi người Israel và Palestine cùng chung sống trong hòa bình, để giải quyết cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ qua.
Một nhà ngoại giao Arab nhận định rằng, “thách thức lớn nhất” của kế hoạch do Ai Cập đưa ra là “vấn đề tài chính” và vấn đề đặc biệt nhạy cảm là việc quản lý Gaza hậu xung đột.
Theo đánh giá do Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng thế giới (WB) công bố ngày 18/2, việc tái thiết Gaza sẽ cần hơn 50 tỷ USD.
Đánh giá nhanh về thiệt hại, nhu cầu tạm thời ở Gaza và Bờ Tây (IRDNA) đã ước tính hơn 292.000 ngôi nhà đã bị phá hủy hoặc bị hư hại, 95% bệnh viện không còn hoạt động và nền kinh tế địa phương đã suy thoái 83%.
Đánh giá thiệt hại của LHQ công bố vào tháng trước cho rằng, việc dọn dẹp hơn 50 triệu tấn đổ nát ở Gaza có thể mất 21 năm.
Chuyên gia Andreas Krieg từ đại học King's College London đánh giá, đây là “một cơ hội đặc biệt để Saudi Arabia huy động tất cả các quốc gia trong GCC, cũng như Ai Cập và Jordan, nhằm xác định một lập trường chung” trước đề xuất gây nhiều tranh cãi của Tổng thống Mỹ Trump về vấn đề Gaza.
(theo Saudi Press Agency, TTXVN)
Chu Văn