Căng thẳng tại Trung Đông: Houthi tuyên bố phong tỏa cảng Haifa của Israel

Căng thẳng tại Trung Đông: Houthi tuyên bố phong tỏa cảng Haifa của Israel
12 giờ trướcBài gốc
Lực lượng Houthi tại Yemen ngày 19/5 tuyên bố sẽ thực hiện biện pháp “phong tỏa hàng hải” nhằm vào cảng Haifa của Israel để đáp trả các hoạt động quân sự gia tăng tại Dải Gaza trong những ngày qua.
Quang cảnh cảng Haifa ở miền Bắc Israel. Ảnh: THX/TTXVN
Trong một thông báo, lực lượng Houthi nêu rõ sẽ “bắt đầu thực thi lệnh phong tỏa hàng hải đối với cảng Haifa”. Thông báo cũng lưu ý tất cả các công ty có tàu đang neo đậu hoặc đang hướng đến cảng này có thể trở thành mục tiêu tấn công, bắt đầu từ thời điểm tuyên bố được đưa ra.
Tuyên bố cũng nêu rõ hoạt động phong tỏa này nhằm đáp lại việc Israel gia tăng hoạt động quân sự tại Dải Gaza. Lực lượng Houthi khẳng định sẽ ngừng tấn công khi Israel dừng chiến dịch quân sự tại Gaza cũng như dỡ bỏ phong tỏa viện trợ vào dải đất ven Địa Trung Hải.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định các lực lượng của nước này sẽ “kiểm soát toàn bộ” Dải Gaza, trong bối cảnh quân đội Israel tiếp tục triển khai chiến dịch trên bộ tại dải đất ven Địa Trung Hải. Chiến dịch được thực hiện ở cả phía Bắc và phía Nam Gaza.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết các cuộc tấn công chủ yếu nhắm vào các mục tiêu của Hamas như kho vũ khí, hệ thống đường hầm và các đơn vị phóng tên lửa chống tăng.
Kể từ khi xung đột bùng phát ở Dải Gaza giữa Hamas và Israel vào tháng 10/2023, lực lượng Houthi đã thường xuyên phóng tên lửa và triển khai thiết bị bay không người lái tấn công các mục tiêu của Israel cũng như tàu chiến của Mỹ trong khu vực.
Hồi đầu tháng 5 này, Mỹ và lực lượng Houthi ở Yemen đồng ý ngừng bắn nhằm đảm bảo tự do hàng hải, song Houthi vẫn tuyên bố tiếp tục tấn công các mục tiêu của Israel để thể hiện tình đoàn kết với người dân Palestine tại Gaza.
Hôm 16/5, Israel tuyên bố nhắm vào các thủ lĩnh Houthi sau khi máy bay chiến đấu của Israel tấn công hai cảng ở Yemen do lực lượng này kiểm soát. Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz cảnh báo nếu Houthi tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa thì lực lượng này có thể phải chịu số phận tương tự như các thủ lĩnh Hamas ở Gaza.
Trong diễn biến khác, ngày 19/5, 22 quốc gia, bao gồm nhiều nước phương Tây, đã yêu cầu Israel ngay lập tức “cho phép nối lại hoàn toàn viện trợ vào Dải Gaza” sau khi Tel Aviv dỡ bỏ một phần lệnh phong tỏa đối với vùng lãnh thổ này của Palestine.
Tuyên bố chung của bộ trưởng ngoại giao 22 nước cho biết mặc dù ghi nhận “những dấu hiệu cho thấy viện trợ sẽ được nối lại một cách hạn chế, nhưng Israel đã chặn viện trợ nhân đạo vào Gaza trong hơn 2 tháng”, nói thêm rằng “thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm đã cạn kiệt” và “người dân đang phải đối mặt với nạn đói”.
Tuyên bố nêu rõ người dân Gaza phải nhận được viện trợ vô cùng cần thiết đối với họ. Tuyên bố chung này được đưa ra trong bối cảnh LHQ cho biết 9 xe tải viện trợ đã được phép vào Gaza, song đánh giá đây là “giọt nước giữa đại dương”, khi cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng ở vùng lãnh thổ ven địa Trung Hải đang bị phong tỏa của Palestine.
Bộ trưởng ngoại giao 22 nước cũng nêu yêu cầu việc cung cấp viện trợ cho Dải Gaza phải được tổ chức bởi LHQ và các tổ chức phi chính phủ. Các quốc gia ký kết tuyên bố chung lên án “mô hình phân phối mới” mà Israel vừa quyết định, vì “gây nguy hiểm cho những người thụ hưởng và nhân viên cứu trợ, làm suy yếu vai trò và tính độc lập của LHQ và các đối tác đáng tin cậy của chúng tôi, đồng thời liên kết viện trợ nhân đạo với các mục tiêu chính trị và quân sự".
Theo tuyên bố, viện trợ nhân đạo không bao giờ được chính trị hóa và lãnh thổ Palestine không được phép bị thu hẹp hoặc chịu bất kỳ thay đổi nhân khẩu học nào. 22 nước cũng nhắc lại thông điệp kiên quyết của mình rằng Hamas phải ngay lập tức thả tất cả các con tin còn lại và cho phép phân phối viện trợ nhân đạo mà không bị cản trở.
Tuyên bố được ký bởi các quốc gia bao gồm Úc, Canada, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Ireland, Ý, Nhật Bản, Latvia, Litva, Luxembourg, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Bồ Đào Nha, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Anh.
Ngoài ra, tuyên bố chung cũng nhận được sự ủng hộ từ Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas, Ủy viên EU về viện trợ nhân đạo và quản lý khủng hoảng Hadja Lahbib, cũng như Ủy viên châu Âu phụ trách Địa Trung Hải, bà Dubravka Suica.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)
Nguồn Phú Yên : https://baophuyen.vn/quoc-te/202505/cang-thang-tai-trung-dong-houthi-tuyen-bo-phong-toa-cang-haifa-cua-israel-8d5138b/