Dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu sâu rộng về các thị trường yếu và sự vận động của chuỗi cung ứng toàn cầu, ông chỉ ra rằng sự phụ thuộc quá mức vào bất kỳ siêu cường nào đều tiềm ẩn những rủi ro khó lường.
Việt Nam dù được hưởng lợi ngắn hạn từ sự dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, nhưng nếu không chủ động đa dạng hóa thị trường và củng cố thể chế nội tại, khả năng chịu đựng trước các cú sốc thương mại sẽ rất hạn chế. Trong một thế giới mà các nguyên tắc toàn cầu đang bị xói mòn, ông Taussig nhấn mạnh: cơ hội chỉ thuộc về những quốc gia đủ tỉnh táo để không dựa dẫm vào “quyền lực tạm thời” của bất kỳ đối tác nào.
Tiến sĩ Markus Taussig - Chuyên gia về kinh doanh quốc tế và chiến lược tại các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Đông Nam Á
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Doanh nhân Sài Gòn, Tiến sĩ Markus Taussig không né tránh những câu hỏi khó. Ông đưa ra cái nhìn tỉnh táo về cơ hội, rủi ro và những giới hạn thực sự mà Việt Nam phải đối mặt trong thời kỳ biến động hiện nay. Những nhận định dưới đây sẽ cho thấy vì sao việc “đứng giữa” các cường quốc không đơn giản là một lợi thế.
*Theo ông, mục đích thực sự của chính quyền Trump khi áp dụng thuế đối ứng là gì? Họ kỳ vọng điều gì từ Việt Nam?
Cốt lõi của vấn đề đó là chính quyền của Tổng thống Mỹ - Donald Trump rất chú trọng đến thâm hụt thương mại, cụ thể là giữa Mỹ với nhiều quốc gia trên thế giới. Mục tiêu của Tổng thống Trump dường như là mong muốn Việt Nam nhập khẩu hàng hóa của Mỹ với giá trị tương đương với hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, điều này là không thực tế.
*Việt Nam nên thực hiện những hành động cụ thể nào về mặt ngoại giao và chính sách thương mại để thể hiện vai trò là một đối tác chiến lược và có trách nhiệm đối với Mỹ?
Tôi cho rằng cách tiếp cận của Việt Nam đến thời điểm hiện tại vẫn đang là đúng đắn: sẵn lòng đề xuất thực hiện các điều chỉnh chính sách cần thiết để duy trì mối quan hệ song phương với Mỹ. Việc này nói lên một điều rằng Việt Nam sẵn sàng áp dụng thuế nhập khẩu bằng 0 cho hàng hóa Mỹ giúp loại bỏ lập luận cho rằng hàng hóa Mỹ đang bị đối xử bất công.
Trên thực tế, điều này thậm chí còn có thể giúp hàng hóa của Mỹ có lợi thế hơn so với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác. Dù vậy, hành động này cũng không thật sự tác động nhiều đến thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, có lẽ đó là lý do chính quyền Trump vẫn chưa chấp nhận đề xuất này.
*Thưa ông, Việt Nam có thể tận dụng giai đoạn đàm phán này như thế nào để củng cố quan hệ thương mại với Mỹ mà không làm tổn hại đến quan hệ với Trung Quốc hay các đối tác lớn khác?
Tôi có phần quan ngại khi nghĩ về điều này, giai đoạn hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để củng cố thương mại song phương Việt - Mỹ. Tuy nhiên mối quan hệ hiện tại giữa hai nước vốn đã vô cùng tốt đẹp rồi, cho nên hy vọng rằng thiệt hại sắp tới có thể được hạn chế đến sau cuộc bầu cử tiếp theo ở Mỹ.
Thay vào đó tôi lại cảm thấy quan hệ giữa Việt Nam với các nước khác đang có phần khởi sắc hơn, chẳng hạn như Liên minh Châu Âu, khi mà khu vực này ngày càng đánh giá cao vai trò của toàn cầu hóa trong bối cảnh Mỹ đang làm xáo trộn hệ thống kinh tế toàn cầu.
Có lẽ đây là cơ hội tốt để làm sâu sắc hơn mối quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới. Tương tự, Việt Nam có thể đóng vai trò dẫn dắt trong việc thúc đẩy tiến trình tự do hóa thương mại đa phương thông qua ASEAN và CPTPP.
Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA)
* Những kịch bản nào có thể xảy ra tại bàn đàm phán? Việt Nam nên chuẩn bị ra sao, đặc biệt với những kịch bản bất lợi?
Kịch bản xấu nhất mà tất cả chúng ta đều có thể hình dung ra đó chính là Tổng thống Trump gỡ bỏ hoãn thuế và thực hiện mức thuế như ban đầu đã công bố. Lúc này điều tốt nhất mà Việt Nam có thể làm là tiếp tục củng cố quan hệ thương mại với phần còn lại của thế giới.
* Việt Nam đã điều chỉnh các chính sách như thế nào để duy trì niềm tin nhà đầu tư trong bối cảnh bất ổn từ Mỹ?
Tôi cho rằng, cũng giống như với Mỹ, các chính sách thương mại và đầu tư của Việt Nam chủ yếu được định hình bởi các yếu tố trong nước hơn là bên ngoài. May mắn thay, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chủ trương đúng đắn để củng cố niềm tin đầu tư trong thời gian qua và đang thu về được nhiều lợi ích.
Về những thay đổi gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài đặt rất nhiều kỳ vọng vào thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam trong việc nỗ lực nâng cao hiệu quả bộ máy nhà nước và mở rộng quan hệ quốc tế.
* Thưa ông, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội lần này để trở thành trung tâm sản xuất thay thế Trung Quốc cho nhà đầu tư phương Tây không?
Tôi không nghĩ đây là một cơ hội mới nữa bởi vì suốt thời gian dài vừa qua Việt Nam đã làm rất tốt trong việc tự khẳng định bản thân là một điểm đến tiềm năng rồi, nhiều nhà đầu tư đã nhận ra rằng họ đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Để tiếp tục thành công, Việt Nam cần tiếp tục xóa bỏ những quan ngại rằng đầu tư vào Việt Nam sẽ dẫn đến những rủi ro tương tự với Trung Quốc. Đồng thời, cần phải luôn duy trì hình ảnh về một môi trường đầu tư minh bạch và dễ tiếp cận dựa trên luật lệ.
* Xin ông đưa ra nhận định về những thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong việc biến căng thẳng địa chính trị thành cơ hội kinh tế bền vững là gì?
Tôi chưa dám nghĩ đến khả năng Việt Nam có thể “chuyển hóa” những vấn đề căng thẳng từ địa chính trị, vì vấn đề này chủ yếu bắt nguồn từ các cường quốc toàn cầu gây ra. Dù vậy, phương án tốt nhất vẫn là động thái mà Việt Nam vốn đã luôn thực hiện, duy trì quan hệ hòa hoãn với cả hai bên cán cân quyền lực, điều này vẫn đúng kể cả trong những thời điểm khó khăn.
Lúc này đây chính nước Mỹ đang hành xử theo hướng ít có lợi nhất trên phương diện thắt chặt mối quan hệ, nhưng tình hình chính trị Mỹ lại mang tính chu kỳ theo từng giai đoạn bầu cử, do đó quốc gia này cần phải có tầm nhìn dài hạn và cân bằng.
Nhờ có mức độ tập trung cao vào kinh doanh, văn hóa và giáo dục, tầng lớp lãnh đạo Việt Nam thực sự có lợi thế hơn nhiều quốc gia khác trong việc hiểu rõ các động lực nội tại của mối quan hệ Mỹ - Trung. Nhìn chung, việc tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ giữa người dân Việt Nam với người dân Mỹ và Trung Quốc, hay bất kỳ quốc gia nào khác cũng đều là hướng đi tốt.
* Một vấn đề đặt ra là Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu và linh kiện từ Trung Quốc. Ông đánh giá như thế nào về tính bền vững của mối quan hệ này ở thời điểm hiện tại?
Không lấy làm lạ khi mà Việt Nam đang phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu từ Trung Quốc, bao gồm nguyên liệu thô và linh kiện, do vị trí địa lý giáp ranh với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mối liên kết này tương tự như giữa Mỹ và Mexico, là mối quan hệ giữa một trong những siêu cường toàn cầu và nước láng giềng phía Nam, tuy có căng thẳng nhưng vẫn mang lại lợi ích đôi bên.
Trong nền kinh tế hiện đại, cả hai quốc gia phía Nam này đều đang tạo dựng thêm quan hệ sâu sắc với một cường quốc xa xôi khác (Mỹ hoặc Trung Quốc), và điều đó mang lại lợi ích lớn, đơn cử như là sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thu hút vốn đầu tư từ Trung Quốc ở Mexico.
* Thưa Tiến sĩ, ông nhận thấy những lĩnh vực nào ở Việt Nam có tiềm năng nội địa hóa chuỗi cung ứng tốt nhất?
Quy luận vận hành của thị trường thương mại toàn cầu đang không còn hoạt động theo cách thông thường nữa. Tất nhiên địa chính trị vẫn là một vấn đề hiện hữu, đó là lý do vì sao việc quá dựa dẫm vào bất kỳ quốc gia nào như một thị trường phân phối hàng hóa hoặc như một nguồn nhập khẩu đầu vào là điều không nên.
Những diễn biến trong thời gian qua đã chỉ ra rằng: sự phụ thuộc quá mức vào các cường quốc đang ngày càng dẫn đến nhiều rắc rối, trước đó là Trung Quốc, giờ thì điều tương tự lại xuất phát từ Mỹ. Tuy nhiên, nếu nghĩ theo hướng ngược lại, giảm thiểu thiệt hại từ bên ngoài bằng cách quay về tập trung phát triển thị trường trong nước không phải là một nước đi được đánh giá cao.
Tương tự như các quốc gia khác, bản thân Việt Nam cũng không có khả năng miễn nhiễm với các rủi ro kinh tế và chính trị. Do đó, cách tiếp cận tốt nhất vẫn là đa dạng hóa thị trường quốc tế. Hơn nữa, ở cấp độ quốc gia, câu chuyện thành công của Việt Nam không phải là câu chuyện về kế hoạch công nghiệp.
Thay vào đó, đây là câu chuyện về tự do hóa kinh tế và sự thay đổi ngày càng lớn hơn trong quá trình ra quyết định về nơi dòng vốn đầu tư chuyển từ chính phủ sang khu vực tư nhân. Theo quan điểm này, những tuyên bố gần đây của các nhà kinh tế hàng đầu Việt Nam về tầm quan trọng của khu vực tư nhân là những diễn biến đầy hứa hẹn.
* Việt Nam có thể xây dựng được hệ sinh thái chuỗi cung ứng khu vực đủ mạnh để chống lại cú sốc thương mại toàn cầu không?
Không thể tránh hoàn toàn các cú sốc, nhưng quan điểm của tôi vẫn là khả thi khi nói về tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng của Việt Nam trở thành một hệ sinh thái đa dạng. Việc hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu chắc chắn sẽ giúp giảm thiểu tình trạng bị gián đoạn bởi bất cứ nguồn nào bởi sự phụ thuộc quá mức.
* Tiến sĩ đánh giá như thế nào về sự thay đổi trong quan hệ thương mại toàn cầu? Quan hệ song phương hay đa phương sẽ đóng vai trò lớn hơn?
Chính quyền Mỹ ở thời điểm hiện tại dường như không còn niềm tin vào hệ thống toàn cầu đã từng mang đến một sự phát triển kinh tế thịnh vượng trong quá khứ, nơi quốc gia này là tâm điểm, kể từ sau khi Thế chiến II kết thúc. Do đó, động thái tiếp theo của họ có thể diễn biến theo cách khiến việc phụ thuộc vào thị trường Mỹ trở thành một thử thách.
Có một số lý do để lạc quan khi cho rằng Liên minh châu Âu sẽ tăng cường vai trò của mình trên trường quốc tế và thúc đẩy hội nhập kinh tế toàn cầu, nhưng điều này còn lâu mới rõ ràng bởi vì họ cũng đang phải đối mặt với nhiều phản ứng dữ dội về mặt văn hóa giống như những thách thức đã góp phần vào phong trào chống toàn cầu hóa ở Mỹ.
Liên minh châu Âu tăng cường mở rộng hợp tác. Ảnh: THX/TTXVN
Sẽ thật tuyệt vời nếu như Trung Quốc và Ấn Độ cũng sẵn sàng làm như vậy, nhưng các nhà lãnh đạo của cả hai quốc gia này cũng có xu hướng thúc đẩy các lập luận kinh tế mang tính dân tộc chủ nghĩa.
Đối với các thỏa thuận song phương và đa phương, theo quan điểm của tôi thì các hiệp định đa phương luôn hiệu quả hơn. Tôi nghĩ rằng việc chuyển từ TPP sang CPTPP là một ví dụ tuyệt vời để nói về cách tốt nhất trong việc ứng phó với bất kỳ quốc gia nào quyết định từ chối các thỏa thuận đôi bên cùng có lợi dựa trên luật lệ thương mại tự do giữa các quốc gia.
* WTO sẽ đóng vai trò gì trong tương lai? Có khả năng xuất hiện các tổ chức mới thay thế không thưa Tiến sĩ?
Ngay lúc này thật khó để cảm thấy lạc quan cho WTO, nhưng tôi nghĩ sẽ còn khó hơn nữa khi tưởng tượng ra viễn cảnh tổ chức này bị thay thế. Khả năng cao sẽ giống như Liên hợp quốc, là một tổ chức tuy chưa thực sự toàn diện, nhưng cần thiết để khuyến khích đối thoại và hòa bình giữa các quốc gia. WTO vẫn có thể và nên có vai trò trong việc tìm ra các quy tắc mà các quốc gia muốn tuân theo khi tham gia vào hoạt động kinh doanh toàn cầu.
Thách thức lớn hiện nay đó là Mỹ đang hành động giống như một số quốc gia đặt lợi ích của họ lên hàng đầu. Đó là bởi vì chính quyền Mỹ hiện tại quá thiển cận để hiểu được những lợi ích to lớn mà quốc gia được hưởng khi chấp nhận các trách nhiệm và ràng buộc của vai trò lãnh đạo toàn cầu. Thị trường đang cố gắng dạy cho Tổng thống Trump và các cố vấn của ông, thông qua giá trị đồng đô la Mỹ giảm, lợi suất trái phiếu kho bạc tăng và tình trạng trì trệ chung về đầu tư và tạo việc làm tại Mỹ… nhưng tôi không hoàn toàn tin rằng họ có thể rút kinh nghiệm sau những sự cố gần đây.
Trong thời gian chờ đợi mọi thứ ổn định, sẽ rất tuyệt cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu nếu phần còn lại của thế giới có thể tiến lên và đồng ý về các quy tắc kết nối toàn cầu mà thiếu đi Mỹ trong vai trò điều phối.
* Xin cảm ơn ông!
Tuấn Kiệt