Vào tháng 4/2025, Tổng thống Trump đã áp đặt mức thuế đối ứng lên tới 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (so với mức thuế dự kiến trước đó là 60%) và thuế 10% đối với hàng nhập khẩu của Mỹ từ hơn 90 quốc gia khác (trong một động thái tạm dừng thuế sau khi áp mức thuế rất cao đối với các đối tác thương mại).
Để đáp trả lại mức thuế cao từ Mỹ, Trung Quốc nhanh chóng tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ lên 125%, làm gia tăng căng thẳng của cuộc chiến thương mại. Diễn biến này đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Vào ngày 22/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2025 xuống 2,8%, từ mức 3,3% trong dự báo tháng 1. Tổ chức này cũng hạ dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2026 xuống 3,0% từ mức 3,3% trước đó.
Bên cạnh đó, IMF đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu 1,5% xuống 1,7%, bằng một nửa mức tăng trưởng của năm 2024, phản ánh sự phân mảnh ngày càng tăng của nền kinh tế toàn cầu. Những yếu tố này có tác động tiêu cực đối với nhu cầu dầu toàn cầu.
Từ lý do trên, nhóm phân tích của công ty chứng khoán VietCap điều chỉnh giảm 7% dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2025 xuống 65 USD/thùng (-18% YoY), theo sau Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) và OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 trung bình 0,7 triệu thùng/ngày trong báo cáo tháng 4/2025 so với báo cáo tháng 11/2024 (trang 9).
Mặc dù OPEC+ đã gia hạn cắt giảm sản lượng từ cuối năm 2025 đến cuối năm 2026 cũng như đưa ra các đợt cắt giảm bù mới, tổng cộng khoảng 1 triệu thùng/ngày cho năm 2025, nhưng việc sản lượng tăng từ Mỹ (+0,3 triệu thùng/ngày) và khả năng sản lượng tăng cao hơn từ các nước ngoài OPEC khác có khả năng đẩy nguồn cung vượt cầu. EIA dự báo thặng dư ổn định 0,5–0,7 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 2025–2026, so với thị trường cân bằng cung cầu trong năm 2024 (trang 7).
Trong dài hạn, VietCap cũng hạ dự báo giá dầu Brent giai đoạn 2026-2029 xuống 65 USD/thùng. Điều này phản ánh tác động tiềm ẩn của thuế quan cao hơn sau các cuộc đàm phán, có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giảm nhu cầu dầu. Ngoài ra, khi thế giới đang chuyển đổi sang năng lượng sạch, có thể có thêm rủi ro giảm tiềm ẩn đối với dự báo nhu cầu dầu.
Nhóm phân tích tin rằng dự án Lô B vẫn sẽ tiếp tục do Việt Nam đang thiếu hụt khí đốt trầm trọng. Ước tính Lô B sẽ cung cấp khoảng 15% tổng nhu cầu khí đầu vào cho ngành năng lượng Việt Nam vào năm 2030, điều này khiến việc phát triển dự án này trở nên thiết yếu đối với an ninh quốc gia bất chấp giá có thể cao hơn so với LNG.
Quy hoạch Điện VIII sửa đổi vừa được phê duyệt cũng như một loạt các nghị định tạo ra khung pháp lý vững chắc để phát triển thêm các dự án mỏ khí và củng cố kỳ vọng của chúng tôi về chu kỳ phục hồi của hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) tại Việt Nam. Bên cạnh đó, giá dầu Brent dự kiến là 65 USD/thùng vẫn cao hơn 12% so với mức trước Covid-19, do đó, điều này hỗ trợ mạnh mẽ cho các hoạt động E&P.
VietCap dự báo duy trì giả định giá dầu nhiên liệu (FO) năm 2025 ở mức 405 USD/tấn (-12,9% YoY) do giá dầu FO quý 1/2025 là 468 USD/thùng. Dự báo dầu FO sẽ tiếp tục diễn biến tốt hơn dầu Brent trong năm 2025 (năm thứ 3 liên tiếp). Điều chỉnh giảm trung bình 5% dự báo giá dầu FO giai đoạn 2026-2029, do giá dầu Brent giảm.
Nhóm này cũng dự báo giá nhập khẩu LNG của Việt Nam sẽ tăng 15% YoY trong năm 2025 lên 14,9 USD/triệu BTU nhưng sẽ giảm trong các năm tiếp theo. Đây là mức điều chỉnh tăng khoảng 10% so với dự báo trước đó, chủ yếu là do GAS hiện chủ yếu nhập khẩu LNG theo hợp đồng giao ngay với giá cao hơn nhiều so với hợp đồng dài hạn (liên kết với giá dầu Brent).
"Chúng tôi điều chỉnh cắt giảm dự báo giá nhập khẩu LNG (chưa bao gồm phí) giai đoạn 2026-2029 trung bình 4%, dựa theo các giả định giá dầu Brent thấp hơn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn đáng kể cho việc nhập khẩu LNG, đặc biệt là từ Mỹ (ước tính khoảng 10 tỷ USD vào năm 2030) để giảm thâm hụt thương mại", nhóm này phân tích.
Các lựa chọn cổ phiếu hàng đầu trong ngành: PVS, DCM, QTP. VietCap không thay đổi dự báo lợi nhuận/giá mục tiêu cho các cổ phiếu trong danh mục theo dõi nhưng sẽ tính đến các dự báo giá dầu đã điều chỉnh trong các báo cáo cập nhật công ty sắp tới.
Giá dầu thấp hơn có thể có tác động tích cực nhẹ đến các công ty phân bón (DPM và DCM) và các nhà máy điện khí (POW và NT2); và giá than thấp hơn có tác động tích cực nhẹ đến các cổ phiếu nhiệt điện (QTP, PPC) do giá đầu vào của họ gắn liền với giá dầu/than. Các nhà máy điện có thể có chi phí cạnh tranh tốt hơn trên thị trường phát điện cạnh tranh cho khoảng 20% sản lượng của các nhà máy này và chi phí khí/than thấp hơn có thể hỗ trợ sản lượng huy động.
Tác động của giá dầu đối với PVS là hạn chế. PVS đã đa dạng hóa sang lĩnh vực điện gió ngoài khơi và khối lượng công việc đáng kể từ Lô B có thể giúp giảm thiểu tác động.
Giá dầu thấp hơn có tác động tiêu cực nhẹ đối với GAS. Giá khí đầu ra của GAS được tham chiếu theo giá dầu FO; tuy nhiên, GAS đang chuyển đổi từ kinh doanh khí sang thuần vận chuyển khí, điều này hạn chế tác động tiêu cực.
BSR là cổ phiếu chịu ảnh hưởng nặng nhất từ giá dầu trong danh mục theo dõi, mặc dù PLX, PVT, PVD cũng bị ảnh hưởng. VietCap nhận thấy rủi ro giảm đối với dự báo lợi nhuận cho BSR, PLX, PVT và PVD.
Tác động của giả định giá dầu giảm đối với các cổ phiếu thuộc danh mục theo dõi của VietCap.
Dương Tấn Phước