Căng thẳng thương mại Mỹ – EU: Tổng thống Trump đang nắm thế trận?

Căng thẳng thương mại Mỹ – EU: Tổng thống Trump đang nắm thế trận?
9 giờ trướcBài gốc
Mỹ tuyên bố áp thuế 30% nếu không đạt thỏa thuận trước 1/8, EU loay hoay phản ứng (trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, D.C.). Ảnh: THX/TTXVN
Theo mạng tin châu Âu euractiv.com, EU đang đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng thương mại nghiêm trọng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump leo thang căng thẳng, đe dọa áp thuế 30% lên hàng hóa xuất khẩu của khối nếu một thỏa thuận không đạt được trước ngày 1/8 tới. Động thái này đã phơi bày những điểm yếu trong chiến lược "tránh chọc gấu" của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và đặt ra câu hỏi lớn: liệu EU có đang đánh mất vị thế của mình?
Tình hình hiện tại là một thách thức cho nền kinh tế EU, khi chỉ còn khoảng 2 tuần nữa để ngăn chặn mức thuế trên. Quyết định của Tổng thống Trump, tăng mức thuế từ 10% lên 30% sau khi trước đó đã áp mức 25% đối với thép và nhôm, cho thấy chiến lược ngoại giao mềm dẻo của Brussels đã thất bại.
Thay vì trực tiếp đối đầu với Tổng thống Trump, bà Leyen đã ủy quyền cho Ủy viên Thương mại EU Maroš Šefčovič đảm nhiệm các cuộc đàm phán. Mặc dù được đánh giá là một người "tốt", ông Šefčovič đã không thể xoay chuyển tình thế, dẫn đến một "thất bại" nếu Washington không thay đổi quyết định vào phút chót.
Các bộ trưởng thương mại châu Âu cũng tổ chức cuộc họp tại Brussels để thảo luận về tình hình. Trước đó, các đại sứ EU đã họp và ủng hộ việc giữ lại gói trả đũa trị giá 21 tỷ euro cho đến ngày 1/8. Ủy ban châu Âu cũng sẽ đưa ra một danh sách các biện pháp đối phó riêng nhắm vào hàng xuất khẩu trị giá khoảng 72 tỷ euro của Mỹ. Một nhà ngoại giao EU cho biết: "Cả hai gói sẽ được đóng khung và sẵn sàng sử dụng vào đầu tháng 8 năm nay, nếu các cuộc đàm phán không mang lại kết quả có thể chấp nhận được".
Tuy nhiên, liệu lời đe dọa này có đáng tin cậy khi EU không sẵn sàng sử dụng gói trả đũa nhỏ hơn ngay lúc này, đặc biệt khi gói đó không thay đổi dù Tổng thống Trump đã tăng mức thuế lên cao hơn giữa các cuộc đàm phán. Điều này cho thấy chính quyền Trump dường như đang nắm quyền kiểm soát tình hình.
Sự thiếu thống nhất trong nội bộ EU cũng là một vấn đề lớn. Pháp mong muốn một cách tiếp cận quyết đoán hơn và đã kêu gọi đáp trả bằng thuế quan. Ngược lại, Đức lại muốn đạt được thỏa thuận nhanh chóng để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của mình. Sự khác biệt này đã khiến EU "loay hoay trong tình trạng lấp lửng tự áp đặt", theo euractiv.com
Những lời kêu gọi EU hành động thực tế và trả đũa đang ngày càng gia tăng. Nhà kinh tế học người Mỹ Paul Krugman, người chỉ trích Tổng thống Trump gay gắt, đã khuyến nghị EU nên đáp trả. Các thành viên Nghị viện châu Âu như Chủ tịch ủy ban thương mại Bernd Lange và nghị sĩ Pháp Marie-Pierre Vedrenne cũng đã lên tiếng kêu gọi sử dụng công cụ chống cưỡng ép của EU. Tuy nhiên, một số quốc gia như Italy lại không muốn leo thang căng thẳng.
Trong bối cảnh đó, Ủy ban châu Âu đang cố gắng chứng minh họ có những lựa chọn khác, như việc bà Leyen công bố một thỏa thuận thương mại với Indonesia. Tuy nhiên, thương mại EU-Indonesia chỉ bằng khoảng 2% so với thương mại EU-Mỹ, cho thấy đây không phải là một giải pháp thay thế đủ lớn.
Tin tốt là EU đang ở vị thế tốt hơn so với thời điểm Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 50% trước đây. Tin xấu là Brexit đột nhiên trở nên "sáng suốt hơn", khi Anh thoát khỏi mức thuế cao, với chỉ 10%. Thương mại là lĩnh vực mà Ủy ban châu Âu có thẩm quyền độc quyền hành động thay mặt các nước EU, và đó cũng là lĩnh vực duy nhất mà Ủy ban châu Âu được cho là có thế mạnh. Trước tình hình này, một câu hỏi đang vang vọng khắp các thủ đô châu Âu: "Chuyện đì đã xảy ra?".
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/cang-thang-thuong-mai-my-eu-tong-thong-trump-dang-nam-the-tran-20250714214047616.htm