Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc: Không còn hành động 'ăn miếng trả miếng', Bắc Kinh giờ đã khác xưa

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc: Không còn hành động 'ăn miếng trả miếng', Bắc Kinh giờ đã khác xưa
5 giờ trướcBài gốc
Dù “phát súng” đầu tiên giữa Mỹ-Trung Quốc đã nổ, nhưng cả hai bên vẫn để lại khoảng trống cho một thỏa thuận tiềm năng. (Nguồn: Shutterstock)
Các biện pháp thuế quan có hiệu lực từ ngày 10/2 đã được Bắc Kinh nhằm đáp trả quyết định của Mỹ về việc áp thuế bổ sung 10% lên hàng hóa Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi động thái này là "đòn mở màn" trong chiến dịch tấn công thương mại mới nhằm vào Trung Quốc.
So với các biện pháp thuế quan trên diện rộng của Mỹ, các mức thuế của Trung Quốc nhắm vào xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), than đá, dầu thô, thiết bị nông nghiệp, cũng như một số mặt hàng ô tô của Mỹ với mức thuế từ 10% đến 15%.
Động thái nói trên của đất nước tỷ dân đã dập tắt hy vọng ngăn chặn được cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bây giờ, câu hỏi cho cả hai bên là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và nền kinh tế lớn nhất thế giới sẵn sàng gây căng thẳng đến mức nào đối với Bắc Kinh?
Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến
Theo giới chuyên gia, dù "phát súng" đầu tiên đã nổ, nhưng cả hai bên vẫn để lại khoảng trống cho một thỏa thuận tiềm năng.
Ông Andy Rothman, Giám đốc điều hành của nhóm cố vấn Sinology nhận định: “Bắc Kinh đã kiềm chế trong phản ứng của mình đối với mức thuế quan mới của ông Trump. Một là vì tác động đối với Trung Quốc là khiêm tốn, và vì Chủ tịch Tập Cận Bình muốn một cuộc đàm phán".
Theo tính toán của CNN dựa trên dữ liệu hải quan Trung Quốc năm 2024, thuế quan của đất nước tỷ dân - mức thuế 15% đối với một số loại than, LNG và mức thuế 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp ảnh hưởng đến khoảng 13,86 tỷ USD hàng hóa.
Nhìn chung, con số này chỉ chiếm chưa đến 9% tổng lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ. Năm ngoái, Bắc Kinh đã xuất khẩu hơn 524 tỷ USD sang Mỹ và nhập khẩu hơn 163 tỷ USD từ Washington.
Ông Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á tại Ngân hàng HSBC nhận định, nhiều doanh nghiệp tại đất nước tỷ dân có thể chịu được mức thuế 10%, vì giá xuất khẩu của nước này đã giảm nhiều hơn so với các đối thủ trong hai năm qua.
Vị chuyên gia này khẳng định: "Nếu mức thuế chỉ dừng ở 10% và không tăng thêm, tôi nghĩ, nhiều nhà đầu tư sẽ cảm thấy yên tâm. Tuy nhiên, mối lo ngại lớn nhất là đây có thể chỉ là bước khởi đầu cho các hạn chế thương mại nghiêm ngặt hơn trong tương lai”.
Trong khi đó, mức thuế mới nhất của ông Trump vẫn nhẹ hơn nhiều so với mức thuế lên tới 60% mà ông đã đe dọa áp dụng đối với Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử.
Ông Rothman cho biết, không chỉ Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Trump dường như cũng đang "bật chế độ" đàm phán, sử dụng thuế quan như một công cụ đàm phán… Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ông Trump muốn gì từ ông Tập và ông ấy sẵn sàng đưa ra điều gì để đổi lại.
Giới quan sát cũng bày tỏ trạng thái nhẹ nhõm trước lập trường của chính quyền ông Trump.
Đơn cử như ông Suisheng Zhao, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trung Quốc-Mỹ tại Đại học Denver. Ông tiết lộ, ông đã đã chuẩn bị cho mức thuế quan 60% và sự tách rời hoàn toàn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thế nhưng, đến nay, chưa có điều gì xảy ra gần với kịch bản tồi tệ nhất.
Bắc Kinh ngày nay đã ít phụ thuộc vào Washington hơn và tự chủ hơn nhiều về mặt kinh tế. (Nguồn: DW)
Sự chuẩn bị cẩn thận của Trung Quốc
Với nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã cẩn thận chuẩn bị các phương án dự phòng và cân nhắc các hình phạt tiềm tàng để đối phó.
Ông Nick Marro, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á tại Economist Intelligence Unit phân tích, các hành động thương mại của ông chủ Nhà Trắng sẽ buộc Bắc Kinh phải đáp trả, nhưng lần này sẽ có mục tiêu cụ thể hơn, thay vì các hành động "ăn miếng trả miếng" như năm 2018, 2019.
Vào cuối năm ngoái, quốc gia này đã cải tổ các quy định kiểm soát xuất khẩu với nguyên liệu thô và khoáng sản quan trọng. Đây là những mặt hàng được Washington coi là thiết yếu đối với an ninh kinh tế hoặc quốc gia.
Trung Quốc kiểm soát 60% sản lượng nguyên liệu thô và khoáng sản quan trọng trên toàn thế giới và 85% công suất chế biến khoáng sản quan trọng.
Các nhà phân tích ước tính rằng, Bắc Kinh có thể công bố thêm các biện pháp kiểm soát đối với những mặt hàng như vậy, cũng như áp dụng thêm thuế quan và các biện pháp bảo vệ nền kinh tế.
Chưa dừng ở đó, đất nước của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng chuẩn bị tốt hơn cho cuộc xung đột thương mại lần này. Cụ thể, các doanh nghiệp đã nỗ lực đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu, trong khi Bắc Kinh đã phát động một chiến dịch củng cố mối quan hệ với các đối tác thương mại khác, ngoài Mỹ.
Bắc Kinh ngày nay đã ít phụ thuộc vào Washington hơn và tự chủ hơn nhiều về mặt kinh tế. Điều này thể hiện qua việc nước này đang có vị trí thống trị nhiều ngành công nghiệp quan trọng như xe điện, pin xe điện, tấm pin Mặt trời và rất nhiều thiết bị khác.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bắc Kinh cũng được ông Dennis Wilder, cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đánh giá cao.
Ông dẫn chứng, Trung Quốc đã không áp thuế mới đối với lượng hàng nông sản trị giá 35 tỷ USD do nông dân Mỹ ở các bang ủng hộ ông Trump xuất khẩu sang - điều mà nước này từng làm ở chiến tranh thương mại lần thứ nhất.
"Các bước trả đũa của Trung Quốc dường như được cân nhắc cẩn thận hơn, để gửi đi một thông điệp cứng rắn mà không gây ra mâu thuẫn lớn", ông Dennis Wilder nói.
Ngoài ra, việc công ty trí tuệ nhân tạo (AI) Trung Quốc DeepSeek đã sánh ngang, thậm chí vượt qua các mô hình AI của Mỹ đã nhấn mạnh thực tế rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không còn có thể bị đánh giá thấp như trước.
Nhưng có lẽ câu hỏi hóc búa hơn là Trung Quốc sẽ hoặc có thể nhượng bộ điều gì nếu có một cuộc đàm phán với Mỹ?
Các nhà phân tích cho hay, Bắc Kinh chưa bao giờ thực hiện đầy đủ thỏa thuận thương mại giai đoạn một đạt được vào nhiệm kỳ đầu của chính quyền ông Trump.
Chính vì vậy, phía Mỹ không còn quá cần thiết một thỏa thuận toàn diện nữa. Điều đó có thể khiến hai bên khó có sự nhượng bộ, thoái lui trong xung đột thương mại lần này.
(theo CNN, Washington Post)
Linh Chi
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/cang-thang-thuong-mai-my-trung-quoc-khong-con-hanh-dong-an-mieng-tra-mieng-bac-kinh-gio-da-khac-xua-303830.html