Hội nghị thượng đỉnh EU- Trung Quốc được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ giữa hai bên. Phái đoàn EU sẽ do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen dẫn đầu. Đánh giá về triển vọng hội nghị, Ủy viên Thương mại châu Âu Maros Sefcovic cho rằng đây là cơ hội quan trọng để hai bên thảo luận các vấn đề liên quan đến thương mại và đầu tư. Ông đồng thời nhấn mạnh, EU cần hướng tới một mối quan hệ đối tác dựa trên sân chơi bình đẳng, có thể dự đoán và đáng tin cậy hơn.
Căng thẳng thương mại "phủ bóng" Hội nghị thượng đỉnh EU- Trung Quốc
Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc- EU lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa hai bên. Đầu tháng 7, Trung Quốc tuyên bố áp thuế chống bán phá giá lên tới 34,9% đối với rượu mạnh nhập khẩu từ EU nhằm đáp trả động thái tương tự của EU tăng thuế với xe điện của Trung Quốc. Dù vậy, cả EU và Trung Quốc đều khẳng định sẵn sàng đối thoại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Khôn nhấn mạnh: “Quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu hiện đang bước vào một giai đoạn mang tính bước ngoặt, vừa tiếp nối những thành tựu đã đạt được, vừa mở ra một chương mới với nhiều kỳ vọng. Mối quan hệ này đang đứng trước cả những cơ hội phát triển mới lẫn những thách thức phức tạp. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác cùng EU để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh thành công, qua đó truyền tải thông điệp rõ ràng rằng cả hai bên cam kết củng cố quan hệ đối tác, duy trì chủ nghĩa đa phương và thúc đẩy hợp tác cởi mở”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng thể hiện quan điểm tương tự: “Đối thoại với Trung Quốc là điều rất cần thiết, và chúng tôi đang làm việc cùng Trung Quốc để từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Bởi lẽ, chúng tôi không tin vào một chiến lược tách rời. Điều đó không phục vụ lợi ích của chúng ta. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện cách tiếp cận giảm thiểu rủi ro, bởi chúng ta đã rút ra bài học sâu sắc về sự phụ thuộc quá mức và về mối liên hệ chặt chẽ giữa công nghệ, thương mại và an ninh. Vấn đề cốt lõi vẫn chính là năng lực tự chủ chiến lược của châu Âu.”
Giới phân tích nhận định Trung Quốc sẽ tận dụng hội nghị để yêu cầu EU điều chỉnh lập trường về thuế quan với xe điện, khôi phục thỏa thuận đầu tư bị đình trệ, và yêu cầu EU hỗ trợ giảm thiểu tác động từ các biện pháp kiểm soát công nghệ của Mỹ. Tuy nhiên, phía EU khẳng định chưa có tiến triển thực chất nào về xe điện, cũng như không có dấu hiệu sẽ nhượng bộ về công nghệ.
Một điểm nóng khác là tranh chấp xoay quanh đất hiếm đóng vai trò thiết yếu cho chuỗi cung ứng công nghiệp và quốc phòng. Trung Quốc, hiện kiểm soát phần lớn nguồn cung toàn cầu đã siết chặt quy định xuất khẩu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp then chốt của EU. Trong khi đó, khối 27 nước thành viên thời gian gần đây cũng cho thấy lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc khi chỉ trích tình trạng dư thừa sản xuất tại Trung Quốc và mối quan hệ giữa nước này và Nga.
Một quan chức EU nhận định Hội nghị thượng đỉnh EU- Trung Quốc lần này khó có khả năng đạt đột phá và nhiều khả năng sẽ kết thúc bằng một tuyên bố về biến đổi khí hậu giống như những hội nghị gần đây. Dẫu vậy, việc hai bên vẫn duy trì đối thoại cởi mở và xây dựng cho thấy “không gian để hợp tác” vẫn còn, đặc biệt là về biến đổi khí hậu, AI và các cuộc xung đột đang diễn ra trên thế giới.
Thu Hoài/VOV1 (Tổng hợp)