Căng thẳng thương mại thúc đẩy nhu cầu bất động sản công nghiệp của Việt Nam

Căng thẳng thương mại thúc đẩy nhu cầu bất động sản công nghiệp của Việt Nam
8 giờ trướcBài gốc
Khu công nghiệp Biên Hòa 2 ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Sonadezi
Báo cáo công bố hôm 20-5 của Knight Frank cho biết, Việt Nam, bên được hưởng lợi chính từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, có thể chứng kiến nhu cầu bất động sản tăng 20% trong ba tới.
Điều này phản ảnh mối quan tâm liên tục của nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các công ty thương mại điện tử lớn của Trung Quốc đang tìm kiếm các cơ sở logistics lớn có diện tích trên 100.000m².
Theo Knight Frank, nhu cầu bất động sản công nghiệp của Indonesia có thể tăng 15-20% trong cùng giai đoạn, dẫn đầu là các ngành điện tử, ô tô và logistics khi các công ty săn tìm các cơ sở công nghiệp chuyên dụng để thuê dài hạn.
Dự báo của Knight Frank được đưa ra sau khi Trung Quốc và Mỹ tuần trước nhất trí thỏa thuận đình chiến thuế quan trong 90 ngày. Theo đó, Trung Quốc sẽ giảm thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ từ 125% xuống 10%, trong khi Mỹ sẽ cắt giảm thuế quan từ 145% xuống 30% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
"Dù việc giảm thuế quan tạm thời giúp các công ty có thêm thời gian để điều chỉnh chiến lược kinh doanh nhưng chiến lược Trung Quốc + 1 đã trở thành một mô hình hoạt động tiêu chuẩn thay vì chỉ là một phản ứng nhất thời đối với thuế quan”, Tim Armstrong, giám đốc chiến lược và giải pháp cho khách hàng thuê bất động sản ở Knight Frank nói.
Hãng tư vấn này cho biết thêm, những bất ổn liên quan đến các quyết định chuyển địa điểm sản xuất của các công ty do kết quả đàm phán thương mại không chắc chắn giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới đang giúp củng cố nhu cầu về hợp đồng thuê ngắn hạn và các cơ sở logistics linh hoạt, sẵn sàng sử dụng.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tình trạng bất ổn thương mại liên tục gây ra những rủi ro đặc biệt đối với các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu. Dù vậy, khu vực này vẫn là động lực quan trọng cho tăng trưởng và đổi mới toàn cầu trong dài hạn, theo nhận định của các nhà phân tích ở ngân hàng JPMorgan trong báo cáo hôm 15-5.
Hồi tháng Tư, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế của khu vực dự kiến chậm lại còn khoảng 3,9% trong năm nay từ mức 4,6% vào năm 2024, với lý do “nhu cầu bên ngoài thấp hơn, chu kỳ công nghệ yếu và tiêu dùng tư nhân bị kìm hãm”.
Bất chấp những trở ngại bên ngoài, lĩnh vực bất động sản ở châu Á vẫn duy trì động lực tăng trưởng trong. Knight Frank ghi nhận, thị trường văn phòng của Ấn Độ vẫn mạnh mẽ chiếm 47% hoạt động cho thuê khu vực vào năm 2024, tăng từ mức 36% vào một thập niên trước, với kỷ lục 6,68 triệu m² được giao dịch. Các giao dịch này được thúc đẩy bởi các công ty công nghệ thông tin và công ty đa quốc gia bị thu hút bởi nguồn nhân tài và lợi thế về chi phí của Ấn Độ.
Christine Li, giám đốc nghiên cứu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Knight Frank cho biết, sự chuyển dịch sang mô hình ‘châu Á cho châu Á, trong đó hơn 65% quyết định đầu tư vào chuỗi cung ứng hiện được thúc đẩy bởi tiêu dùng nội khối châu Á, đang diễn ra nhanh chóng.
Bà ghi nhận, nhu cầu bất động sản công nghiệp đang tăng tốc ở các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia. Trong khi đó, các trung tâm dịch và cửa ngõ thương mại của khu vực như Singapore và Hồng Kông đối mặt với rủi ro gián tiếp từ thuế quan của Mỹ do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động lan tỏa từ các nền kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp.
Theo Knight Frank, Trung Quốc đại lục có thể tạm thời được hưởng lợi từ việc Mỹ giảm thuế quan, nhưng những thách thức về mặt cấu trúc vẫn tồn tại với tỷ lệ trống ở các khu công nghiệp tăng cao ở Thượng Hải và Bắc Kinh do tình trạng cung vượt cầu dai dẳng. Nỗ lực kích thích tiêu dùng trong nước của Bắc Kinh vẫn là động lực chính được kỳ vọng hấp thụ không gian công nghiệp.
Theo SCMP, Asia Business Outlook
Lê Linh
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/cang-thang-thuong-mai-thuc-day-nhu-cau-bat-dong-san-cong-nghiep-cua-viet-nam/