Đồng tiền giấy mệnh giá 100 Euro (phía sau) và 100 USD tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Các doanh nghiệp đang ngày càng yêu cầu nhiều hơn các công cụ phòng hộ sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT), đô la Hong Kong (HKD), dirham của Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và euro, thay vì USD. Nhu cầu vay vốn bằng NDT cũng tăng lên. Một ngân hàng nước ngoài tại Indonesia chuẩn bị mở quầy giao dịch bằng đồng tiền này.
Hiện tại, phần lớn giao dịch ngoại hối toàn cầu vẫn sử dụng USD làm trung gian. Tuy nhiên, nhiều công ty đang tìm cách bỏ qua vai trò trung gian của đồng bạc xanh.
Chuyên gia Stephen Jen cảnh báo có thể xảy ra một đợt bán tháo mạnh mẽ đồng USD trị giá tới 2.500 tỷ USD, đe dọa vị thế dài hạn của đồng tiền này. Sự sụt giảm gần đây của USD chủ yếu phản ánh lo ngại ngắn hạn về thương mại, nhưng những thay đổi cơ bản trong cách sử dụng đồng tiền này cho thấy xu hướng phi USD hóa sẽ kéo dài.
Theo ông Gene Ma thuộc Viện Tài chính Quốc tế, việc các đồng tiền không phải USD được sử dụng nhiều hơn là nhờ tiến bộ công nghệ và thanh khoản cải thiện, khiến mức giá không còn chênh lệch nhiều so với khi dùng USD.
Các giao dịch euro - NDT tăng mạnh do nhu cầu từ các hãng xe châu Âu. Một ngân hàng nước ngoài đang chuẩn bị lập đội chuyên trách tại Jakarta (Indonesia) để hỗ trợ giao dịch rupiah - NDT. Ngoài ra, các ngân hàng ở châu Âu và nơi khác cũng tích cực giới thiệu các công cụ phái sinh NDT và bỏ qua đồng USD.
Động lực để xu hướng phi USD hóa diễn ra không hề mới. Trung Quốc đã ký thỏa thuận thanh toán tiền tệ với Brazil, Indonesia và một số nước khác; nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu BRICS cũng bàn thảo việc giảm sử dụng USD. Cuộc xung đột Nga - Ukraine cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây càng khiến nhiều nước nghi ngờ về việc “vũ khí hóa” đồng USD.
Tuy vậy, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng quá trình phi USD hóa sẽ diễn ra chậm rãi, vì hiện chưa có đồng tiền nào đủ sức thay thế. NDT mới chiếm 4,1% thanh toán toàn cầu trong tháng 3/2025, so với tỷ lệ tương ứng 49% của đồng USD. Hệ thống thanh toán CIPS của Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh, với khối lượng giao dịch năm 2024 đạt khoảng 175.000 tỷ NDT (24.000 tỷ USD), tăng hơn 40% so với năm trước đó.
Lo ngại về thương mại và chính sách của Tổng thống Donald Trump - người từng chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ám chỉ khả năng thay đổi trật tự tài chính toàn cầu - cũng góp phần làm dấy lên nghi ngại về vị thế của đồng USD.
Ngân hàng Deutsche Bank của Đức nhận định: “Vị thế của USD rất bền vững, nhưng các rủi ro toàn cầu đang tăng lên và có thể dẫn tới những thay đổi mang tính thời đại”.
Minh Trang/TTXVN (Theo Bloomberg)