Trong một dòng trạng thái đăng tải trên mạng xã hội X, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cho biết, EU muốn có cơ hội đàm phán với Mỹ về thuế quan. Mặc dù Liên minh châu Âu đã thông qua các biện pháp đối phó và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước thành viên, song khối sẽ tạm hoãn thực thi trong 90 ngày. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cũng cảnh báo Liên minh châu Âu sẵn sàng triển khai các biện pháp thương mại mạnh mẽ nhất và có thể áp thuế đối với các công ty công nghệ số của Mỹ nếu các cuộc đàm phán với Tổng thống Donald Trump không thành công.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Getty
Phát biểu trước báo giới cùng ngày, người phát ngôn của Liên minh châu Âu Olof Gill cũng đã xác nhận thông tin, đồng thời nhấn mạnh, Liên minh châu Âu vẫn sẵn sàng đàm phán với chính quyền của Tổng thống Trump: "Cách tiếp cận của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi đang chuẩn bị cho mọi kết quả, mọi công cụ của chúng tôi đều có trên bàn nhưng chúng tôi muốn nói chuyện với người Mỹ, chúng tôi muốn đạt được các thỏa thuận có lợi cho cả hai bên. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể đạt được mọi loại kết quả có lợi từ cả hai bên, giúp tránh các loại thuế quan mà chúng tôi tin là có hại và phản tác dụng".
Liên minh châu Âu dự kiến sẽ áp dụng thuế quan đối phó đối với khoảng 21 tỉ Euro, tương đương hơn 23 tỉ USD hàng nhập khẩu của Mỹ vào đầu tuần sau để phản ứng mức thuế 25% của Mỹ đối với thép và nhôm của khối. Tuy nhiên ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tạm dừng hầu hết các mức thuế đối với châu Âu và hàng chục đối tác thương mại. Quyết định này của Mỹ đã mang lại sự nhẹ nhõm cho nhiều nhà lãnh đạo các nước, bản thân nước Mỹ cũng như các thị trường toàn cầu, vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi căng thẳng thương mại.
Phát biểu trước báo giới hôm qua, Thủ tướng Canada Mark Carney đã gọi động thái của ông Trump là "đáng hoan nghênh" và cho biết Canađa sẽ bắt đầu đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận kinh tế mới sau cuộc bầu cử vào ngày 28/4.
Tuy nhiên, Thủ tướng Canada cũng cảnh báo chính phủ ông cam kết sẽ chống lại thuế quan của Mỹ nhằm bảo vệ tối đa doanh nghiệp và người lao động nước này: "Chúng tôi đang đấu tranh chống lại các mức thuế vô lý của Mỹ, bao gồm cả thuế đối với thép và ô tô bằng các mức thuế trả đũa của riêng chúng tôi. Và những mức thuế đó được thiết kế để gây ra nỗi đau tối đa cho phía Mỹ, các tiểu bang, nhưng chỉ có tác động tối thiểu tại Canađa. Chúng tôi đang bảo vệ người lao động và doanh nghiệp của mình vì chúng tôi đang sử dụng mọi USD, mọi USD mà chúng tôi thu được từ các mức thuế trả đũa đó và chúng tôi sử dụng chúng để bảo vệ người lao động của mình. Nhưng trên hết, những gì chúng tôi đang làm là chúng tôi đang xây dựng một đất nước Canada hùng mạnh".
Về phía Mỹ, phát biểu trước báo giới hôm qua, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết, phía Mỹ đang cân nhắc các đề xuất từ hơn một chục quốc gia về các thỏa thuận thuế quan và sắp đạt được thỏa thuận với một số quốc gia trong số này. Theo kế hoạch, các quan chức chính sách thương mại Mỹ sẽ họp tại Nhà Trắng trong ngày 10/4 (theo giờ địa phương) để sắp xếp ưu tiên cho các cuộc đàm phán.
Trong khi đó trên thị trường tài chính, áp lực cạnh tranh thương mại đã phần nào giảm bớt nhờ các động thái tích cực của các bên. Ngay lập tức các chỉ số chứng khoán tại thị trường châu Á và châu Âu cũng khởi sắc sau đó. Trước đó, sự biến động về thuế quan đã thổi bay hàng ngàn tỉ USD khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu.
Hồng Nhung/VOV1 (tổng hợp)