Tuyên bố được đưa ra đúng vào ngày cuối cùng của kỳ hạn 3 tháng mà người đứng đầu nước Mỹ ấn định để các quốc gia tiến hành đàm phán thương mại trước khi Washington áp dụng mức thuế quan đối ứng gây sốc.
Giá đồng thế giới tăng cao kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 9-7. Ảnh: Freeport - McMoRan
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, giá đồng trên thị trường thế giới lên mức cao kỷ lục, tăng hơn 13%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 1989. Giá cổ phiếu công ty khai mỏ đồng Freeport - McMoRan tăng 2% vì giới đầu tư kỳ vọng rằng, các nhà sản xuất đồng trong nước của Mỹ sẽ hưởng lợi từ việc áp thuế quan này. Đồng thời, dòng vốn tìm nơi trú ẩn an toàn đã chảy vào vàng. Kim loại này đã tăng hơn 25% từ đầu năm, vượt mức 3.500 USD/ounce.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), đồng là kim loại được tiêu thụ nhiều thứ ba, chỉ sau sắt và nhôm. Mỹ nhập khẩu gần một nửa lượng đồng mà nước này tiêu thụ hằng năm, chủ yếu từ Chile. Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết, mức thuế quan đối với đồng nhập khẩu được đưa ra sau khi kết thúc một cuộc điều tra liên quan tới an ninh quốc gia đối với đồng nhập khẩu. Việc tăng thuế quan đối với đồng nhập khẩu sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đưa sản xuất đồng về trong nước.
Về thuế quan dược phẩm và hóa chất, kết quả nghiên cứu sẽ được hoàn tất vào cuối tháng 7-2025 để Tổng thống Mỹ có thể chính thức thiết lập mức thuế.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã công bố mức thuế quan đối ứng dự kiến từ 25% đến 40% đối với 14 quốc gia, bao gồm cả các đồng minh chủ chốt của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời gia hạn thời gian hoàn tất đàm phán tới ngày 1-8. Đây được cho là nỗ lực tăng cường chiến dịch gây sức ép của Washington nhằm giành được những nhượng bộ về thương mại.
Phản ứng trước động thái từ Mỹ, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) Pamela Coke-Hamilton cảnh báo, quyết định gia hạn thời gian đàm phán về thuế quan tới ngày 1-8 có nguy cơ kéo dài tình trạng bất ổn toàn cầu và làm suy yếu các khoản đầu tư dài hạn cũng như các hợp đồng thương mại. Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Bà Pamela Coke-Hamilton cảnh báo rằng, động thái này sẽ làm gia tăng "cú sốc kép" do các hạn chế thương mại gia tăng cộng thêm việc cắt giảm viện trợ phát triển, vốn ảnh hưởng nặng nề đến các nước đang phát triển.
Theo bà Pamela Coke-Hamilton, một “cơn bão” đang hình thành khi từ đầu năm tới nay, có hơn 150 biện pháp hạn chế thương mại mới được áp đặt trên toàn cầu, cộng thêm tình trạng gián đoạn thương mại kể từ khi bắt đầu xung đột Nga - Ukraine. Để ứng phó với những tác động khó lường, các nước đang phát triển chỉ còn cách tập trung vào 3 phản ứng chiến lược: Tăng cường chuỗi giá trị khu vực, đầu tư vào giá trị gia tăng để giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa và ưu tiên khả năng phục hồi của doanh nghiệp nhỏ.
Trong khi đó, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho rằng, các biện pháp thuế quan đơn phương có thể kích hoạt "hiệu ứng domino", đẩy giá cả toàn cầu tăng cao, khiến Tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (GDP) mất 1,2% năm 2026, giảm 15% thương mại hàng hóa xuyên Thái Bình Dương, đặc biệt ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng đang phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, với chính sách thuế quan đối ứng mới của Mỹ, thế giới có thể chứng kiến tình trạng gia tăng bảo hộ thương mại trên diện rộng, đảo ngược xu hướng tự do hóa thương mại. Bên cạnh đó, sự xói mòn niềm tin vào hệ thống thương mại đa phương sẽ đẩy các quốc gia vào thế đối đầu thay vì hợp tác.
Nhìn chung, những cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mở ra một giai đoạn căng thẳng mới trong thương mại toàn cầu. Mặc dù các thị trường tài chính chưa phản ứng quá mạnh trong ngắn hạn nhưng những chỉ số kinh tế dài hạn như Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề. Các nền kinh tế lớn và doanh nghiệp toàn cầu buộc phải đối mặt với lựa chọn giữa ứng phó tức thời và tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng nếu muốn duy trì ổn định trong môi trường đầy biến động trong thời gian tới.
(Theo UN, CNBC)
Quỳnh Dương