Căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc tăng cường quan hệ với Trung Á

Căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc tăng cường quan hệ với Trung Á
một ngày trướcBài gốc
Thủ đô Astana của Kazakhstan - Ảnh: Nikkei Asia.
Cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ đang thúc đẩy Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước ở khu vực Trung Á. Đây là một cách để doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc tìm nguồn thay thế hàng nhập khẩu từ Mỹ và tìm thị trường mới để xuất khẩu hàng hóa - hãng tin CNBC cho biết.
Hôm 10/2, Trung Quốc tuyên bố áp thuế quan 10% lên năng lượng nhập khẩu từ Mỹ như một phần trong kế hoạch trả đũa việc Tổng thống Mỹ đánh thuế quan bổ sung 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Cùng ngày, truyền thông Trung Quốc đưa tin một phái đoàn do quan chức nhà nước dẫn đầu thăm Kyrgyzstan, có sự tham gia của hàng chục đại diện doanh nghiệp muốn tìm kiếm đối tác kinh doanh ở quốc gia láng giềng này.
“Cuộc chiến thương mại đang diễn ra sẽ dẫn tới việc Trung Quốc gia tăng hợp tác kinh tế với các nước vùng Trung Á” thông qua đa dạng hóa các tuyến xuất khẩu, tham gia nhiều hơn vào các dự án kết nối khu vực và mở rộng đầu tư vào hạ tầng - chuyên gia Yunis Sharifli của tổ chức The China Global South Project nhận xét.
ẢNH HƯỞNG Ở TRUNG Á: TRUNG QUỐC NGÀY SÂU RỘNG, MỸ MỜ NHẠT
Trung Quốc đã xây dựng được vị thế là một đối tác thương mại hàng đầu và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại 5 nước Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, và Uzbekistan. Nhóm này được coi là cửa ngõ quan trọng cho Sáng kiến Vành đai và Con đường, một chương trình đầu tư hạ tầng khổng lồ mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố trong một chuyến thăm chính thức tới Kazakhstan hồi năm 2013.
Trong một động thái quan trọng thể hiện sự cam kết với các nước Trung Á, Trung Quốc hồi năm 2023 đã đăng cai hội nghị thượng đỉnh đầu tiên có sự tham gia của tất cả các nhà lãnh đạo đến từ khu vực này. Tại hội nghị, ông Tập đã hứa nâng cấp các kết nối đầu tư song phương giữa Trung Quốc với mỗi nước Trung Á. Theo dự kiến, các nhà lãnh đạo Trung Á và Trung Quốc sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo vào tháng 6 năm nay tại Astana, Kazakhstan.
Trong khi đó, Mỹ từ lâu đã không có ảnh hưởng đáng kể ở Trung Á, dù Washington đã đặt mục tiêu đưa khu vực này vào trường ảnh hưởng của mình như đã nêu trong một tài liệu chiến lược của Bộ Ngoại giao Mỹ với tựa đề “Chiến lược của Mỹ về Trung Á 2019-2025: Thúc đẩy chủ quyền và thịnh vượng kinh tế”. Nỗ lực đó của Mỹ đến nay hầu như không mang lại hiệu quả đáng kể nào.
“Trung Á vẫn là một khu vực đa dạng nhận được quá ít sự quan tâm của Mỹ. Hơn một nửa cuộc chiến giành ảnh hưởng ở Trung Á đang diễn ra bằng người thật việc thật, và đó là những việc mà Trung Quốc và các công ty Trung Quốc, thường là doanh nghiệp có sự hậu thuẫn của nhà nước, biết cách để làm tốt. Người Mỹ có thể sẽ phải rất cố gắng để bắt kịp”, ông Curtis Chin, cựu đại sứ Mỹ tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và hiện là một chuyên gia cấp cao tại Viện Milken, nhận định.
Thương mại song phương giữa Trung Á và Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của khu vực không giáp biển này, đã tăng đều đặn trong những năm gần đây, đạt mức cao kỷ lục là 94,8 tỷ USD vào năm ngoái. Con số này vượt xa kim ngạch thương mại của Trung Á với Mỹ, mới chỉ đạt mức hơn 4 tỷ USD vào năm ngoái.
Hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang khu vực này chủ yếu là máy móc, đồ điện tử, hàng thành phẩm và xe cộ, còn Trung Á chủ yếu cung cấp tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản quan trọng và các sản phẩm nông nghiệp cho Trung Quốc. Chuyên gia Sharifli mô tả đây là “mối quan hệ thương mại bổ sung”.
Đáng chú ý, thương mại hai chiều giữa Trung Á và Trung Quốc, mặc dù đang tăng đều đặn, nhưng vẫn ở mức tương đối thấp khi so sánh với tổng thương mại hàng hóa giữa Trung Quốc và Mỹ là 582,4 tỷ USD.
Trong số các nước Trung Á, Kazakhstan - một quốc gia thảo nguyên rộng lớn với nguồn tài nguyên năng lượng và nông nghiệp phong phú - dẫn đầu về quan hệ thương mại với Trung Quốc, với kim ngạch hai chiều đạt 43,8 tỷ USD vào năm ngoái, vượt mục tiêu 40 tỷ USD thương mại hai chiều hàng năm với Trung Quốc vào năm 2030, một cam kết được đưa ra bởi Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev vào năm 2023.
Kyrgyzstan đứng thứ hai với 22,7 tỷ USD thương mại với Trung Quốc, sau đó là Uzbekistan với 13,8 tỷ USD, Turkmenistan với 10,6 tỷ USD và Tajikistan với 3,86 tỷ USD.
Lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Kyrgyzstan đã tăng hơn 30 lần trong năm 2024 và hơn 60 lần trong hai tháng đầu năm 2025. Tại một cuộc họp vào đầu tháng này, các quan chức từ Kyrgyzstan và Trung Quốc đã thảo luận về việc thúc đẩy thương mại song phương đạt mức 45 tỷ USD vào năm 2030, cũng như các kế hoạch đẩy nhanh việc xây dựng trạm cửa khẩu mới và mở các chuyến bay mới - truyền thông Kyrgyzstan đưa tin.
VAI TRÒ CỦA NGA SUY GIẢM?
Nhằm trả đũa việc ông Trump áp thuế quan bổ sung 20% đối với hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đã áp thêm thuế quan lên tới 15% đối với than, khí đốt tự nhiên, bông, các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Mỹ.
Để thay thế bông Mỹ, công ty Trung Quốc có thể “tăng gấp đôi lượng bông nhập khẩu từ Uzbekistan và các quốc gia Trung Á khác” - ông Daniel Balazs, nghiên cứu viên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, nhận định. Mặc dù lượng bông nhập khẩu từ khu vực này có thể không lớn bằng lượng bông nhập khẩu từ Mỹ, nhưng có thể “giảm bớt một số tác động” - ông Balazs nói.
Theo dữ liệu do một nhóm các nhà kinh tế của ngân hàng Nomura thực hiện, tính đến năm 2024, Mỹ chiếm 35% lượng bông mà Trung Quốc nhập khẩu. Tuy nhiên, báo cáo của Nomura nhận định Trung Quốc sẽ sớm tìm kiếm những nguồn cung khác để thay thế bông Mỹ.
Theo chỉ số theo dõi đầu tư của Trung Quốc trên toàn cầu China Global Investment Tracker do Viện Doanh nghiệp Mỹ thực hiện, phần lớn sự tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc vào khu vực Trung Á trong những năm qua tập trung vào Kazakhstan và Uzbekistan. Trong đó, vốn Trung Quốc chủ yếu đổ vào các lĩnh vực như giao thông và cơ sở hạ tầng, các dự án năng lượng tái tạo và ngày càng tăng trong lĩnh vực ô tô điện.
Nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc BYD đã gia nhập thị trường Kazakhstan vào tháng trước, đưa nước này trở thành thị trường Trung Á thứ ba mà hãng này đã hiện diện, sau Uzbekistan và Tajikistan. BYD đã bắt đầu xây dựng nhà máy lớn nhất bên ngoài Trung Quốc tại Uzbekistan vào năm ngoái, với công suất sản xuất hàng năm theo kế hoạch là 300.000 xe.
Việc BYD lập liên doanh với hãng sản xuất ô tô nhà nước Uzbekistan UzAuto Motors, công ty từng có liên doanh với hãng xe Mỹ General Motors (GM) cho đến năm 2019, là một “sự tương phản nói lên nhiều điều” - theo ông Maximilian Hess, thành viên của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI), một tổ chức nghiên cứu của Mỹ. Ông nhấn mạnh rằng việc này cho thấy mối quan tâm duy trì của Bắc Kinh trong việc tăng cường “các mối liên kết chuỗi cung ứng” với Trung Á.
Trung Quốc nắm bắt cơ hội để mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á khi cơn khát năng lượng của nước này gia tăng trở lại sau đại dịch Covid-19, đúng vào lúc Nga - quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất tại các quốc gia thuộc Liên Xô cũ - đang ở trong cuộc xung đột kéo dài Ukraine và phải chịu các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Trong tương lai, “một phần trong mối quan hệ chiến lược Nga-Trung sẽ bao gồm việc Nga chấp nhận Bắc Kinh có vai trò lớn hơn ở Trung Á” - theo chiến lược gia trưởng Matt Gertken của công ty nghiên cứu BCA Research. “Nga sẽ phải tập trung để duy trì sự ổn định trong nước và do đó trong dài hạn, Nga sẽ thiếu nguồn lực để duy trì mức độ ảnh hưởng cao như trước đây ở Trung Á”, ông Gertken nhận định.
Đến hiện tại, 5 nước Trung Á vẫn giữ lập trường trung lập về xung đột Ukraine, không ủng hộ Kiev hay Moscow.
“Các quốc gia Trung Á cũng sẽ ngày càng hướng tới Trung Quốc - và có thể giảm bớt quan hệ với Trung Quốc - để đáp ứng nhu cầu thương mại và đầu tư của họ”, nhà phân tích cấp cao Jeremy Chan của công ty nghiên cứu Eurasia Group nhận định.
An Huy
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/cang-thang-voi-my-trung-quoc-tang-cuong-quan-he-voi-trung-a.htm