Nhà Trắng coi chuyến đi này là cơ hội để ông Trump chứng tỏ mình là một bậc thầy đàm phán, nhưng nhà lãnh đạo này cũng đang tạo ra những xáo trộn trong bức tranh ghép hình địa - chính trị của khu vực.
Đến bất kỳ nơi nào ông Trump cũng có thể tạo ra xáo trộn, và ông chấp nhận rủi ro, nhất là quyết định dỡ bỏ trừng phạt Syria để trao cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này một cơ hội nữa, dù hành động này khơi lại câu hỏi được đặt ra từ lâu về toàn bộ chính sách đối ngoại và thương mại của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại Ả-rập Xê-út, ngày 14/5. (Ảnh: Reuters)
Sự ám ảnh về việc tôn vinh ông Trump đôi khi khiến những sáng kiến quan trọng nhất bị nhấn chìm.
Thỏa thuận để Qatar mua hơn 200 máy bay Boeing trị giá hàng chục tỷ đô la đã thu hút chú ý nhiều hơn cuộc gặp gỡ tại Riyadh, nơi ông Trump gặp nhà lãnh đạo Syria Ahmed al-Sharaa. Cuộc gặp lịch sử đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ và Syria trong 25 năm qua có thể là sáng kiến quan trọng nhất trong chuyến công du của ông Trump lần này.
Trước khi lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, ông al-Sharaa từng là một thủ lĩnh phiến quân, tuyên thệ trung thành với al Qaeda và Mỹ đã treo thưởng 10 triệu USD cho cái đầu của ông.
Tuy nhiên, lần này ông Trump thông báo sẽ dỡ trừng phạt với Syria, với hy vọng sẽ mang đến cho Syria cơ hội thống nhất và giải cứu những thường dân đang phải mặt với nạn đói.
Ông Trump không chỉ tạo ra thay đổi về địa - chính trị ở Syria, mà trong chuyến đi lần này, ông gây áp lực mới lên Iran để ép nước này đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân, cảnh báo sẽ có hành động quân sự nếu Tehran từ chối, nhưng rõ ràng đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn viễn cảnh khủng khiếp về một cuộc chiến tranh Trung Đông mới.
Chuyến đi của ông Trump cũng cho thấy bất đồng ngày càng tăng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người từng được coi là bạn tâm giao về tư tưởng của vị tổng thống thứ 47 của Mỹ nhưng ngày càng khiến ông Trump thất vọng.
Ở sau hậu trường, nhóm trợ lý của ông Trump đã trao đổi với các quan chức Qatar và Ả-rập Xê-út về cách làm dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza do lệnh phong tỏa và chiến dịch tấn công quân sự kéo dài của Israel.
Phản ứng của Thủ tướng Netanyahu là tuyên bố ông "không còn lựa chọn nào khác" ngoài việc tiếp tục chiến đấu, và ông chỉ đạo triển khai tấn công nhằm vào thủ lĩnh Hamas. Liên minh Mỹ - Israel có vẻ không gặp nguy hiểm, nhưng khoảng cách giữa ông Trump và ông Netanyahu ngày càng rộng.
Nhiều lời khen
Quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt Syria được đánh giá là một trong những canh bạc lớn nhất về đối ngoại từ khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ 2.
Chi tiết về những chuẩn bị hậu trường dẫn đến quyết định này chưa được tiết lộ, nhưng cho thấy Syria đang ở thời điểm mang tính bước ngoặt và chiếm một vị trí quan trọng trên bản đồ khu vực.
Các quan chức Mỹ sau đó cho biết ông Trump muốn Syria sau này sẽ công nhận Israel, điều có thể tạo nên thay đổi cực kỳ quan trọng ở khu vực vốn chìm trong thù địch và mâu thuẫn suốt mấy thập kỷ.
Firas Maksad, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Trung Đông, nói với CNN rằng quyết định về Syria là một chiến thắng quan trọng đối với ông Trump trong chuyến công du chủ yếu tập trung vào kinh tế.
"Tôi nghĩ ông Trump đã rất thận trọng và muốn mở khóa những thành công về địa - chính trị. Bất cứ điều gì xảy ra ở Syria đều không chỉ dừng lại ở Syria", ông Maksad nói.
Bước đi của ông Trump cho thấy Washington sẵn sàng bỏ qua quá khứ với hy vọng ông có thể ngăn chặn nội chiến quay lại. Hành động của ông Trump lần này được cả những người hay chỉ trích ông khen ngợi.
“Tôi nghĩ đó là một quyết định tốt. Tôi nghĩ ông Trump đúng vì người đó (Tổng thống lâm thời Syria) có thể lãnh đạo, có thể lật đổ ông Assad và đang nỗ lực ổn định tình hình Syria”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói với CNN.
Quyết định của ông Trump được đưa ra với sự thúc đẩy của Ả-rập Xê-út và Qatar, khi cả hai nước đều muốn tránh tình trạng bất ổn ở Syria tái diễn.
Riyadh, Washington và Doha cũng mong muốn ngăn chặn các bên khác khôi phục ảnh hưởng ở Syria, nơi chịu ảnh hưởng của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Nga trong nhiều thập kỷ qua.
Thu Loan
Theo CNN