Cảnh báo 5 thói quen ăn uống phổ biến gây ra bệnh tật

Cảnh báo 5 thói quen ăn uống phổ biến gây ra bệnh tật
7 giờ trướcBài gốc
Trong Y học cổ truyền, ăn uống không đơn thuần là để no bụng hay thỏa mãn vị giác, mà còn là một phương pháp dưỡng sinh – tức giữ gìn và nuôi dưỡng sức khỏe. Con người là một phần của tự nhiên, cơ thể vận hành hài hòa theo quy luật âm dương, ngũ hành.
Khi ăn uống đúng cách, thuận theo quy luật tự nhiên, cơ thể sẽ đạt được trạng thái cân bằng, giúp khí huyết lưu thông, tinh thần minh mẫn. Ngược lại, nếu ăn uống thiếu điều độ – còn gọi là "ẩm thực thất điều" – sẽ khiến nội tạng rối loạn, khí huyết mất điều hòa, lâu ngày sinh ra bệnh tật.
1. Những thói quen ăn uống không tốt thường gặp
Ăn uống không đúng giờ
Bỏ bữa sáng, ăn tối quá muộn hay ăn đêm đều làm rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể. Ví dụ, việc ăn khuya khiến hệ tiêu hóa phải làm việc khi lẽ ra nó cần nghỉ ngơi, dễ dẫn đến đầy bụng, khó ngủ, thậm chí là rối loạn chuyển hóa.
Ăn uống không đúng giờ là thói quen rất phổ biến nhưng lại tiềm ẩn gây rối loạn chuyển hóa.
Ăn quá no hoặc để bụng quá đói
Nhiều người có thói quen nhịn ăn cả ngày rồi "ăn bù" vào buổi tối. Cách ăn này khiến dạ dày bị quá tải đột ngột, gây khó tiêu, tăng nguy cơ béo phì, rối loạn chuyển hóa. Ngược lại, để bụng quá đói làm giảm năng lượng, ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung và trao đổi chất.
Vừa ăn vừa làm việc khác
Xem điện thoại, đọc sách, hoặc suy nghĩ căng thẳng khi ăn sẽ làm giảm hiệu quả tiêu hóa. Theo Y học cổ truyền, khi tâm trí không "đặt vào bữa ăn", khí huyết khó điều hòa, Tỳ Vị dễ bị tổn thương.
Ăn quá nhanh, nhai không kỹ
Thức ăn chưa được nghiền nát kỹ sẽ khiến dạ dày phải làm việc nặng hơn. Về lâu dài, có thể dẫn đến đau dạ dày, viêm loét dạ dày hoặc khó hấp thu dưỡng chất.
Bữa ăn thiếu sự điều hòa khí vị
Y học cổ truyền cho rằng mỗi loại hương vị đều tương ứng với một yếu tố trong ngũ hành: Chua (mộc), đắng (hỏa), ngọt (thổ), cay (kim), mặn (thủy).
Khi ngũ vị được kết hợp hài hòa trong một bữa ăn, cơ thể sẽ dễ hấp thu và duy trì sự cân bằng nội tạng. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người ăn uống chỉ theo sở thích: Người thích ăn mặn thì ăn mặn mỗi ngày, người nghiện đồ ngọt lại không kiểm soát lượng đường...
Việc thiếu cân bằng về khẩu vị sẽ khiến cơ thể mất điều hòa và dễ sinh bệnh. Ngoài ra, việc kết hợp thực phẩm không hợp lý cũng rất phổ biến. Ví dụ: Ăn quá nhiều hải sản (tính lạnh) mà không kèm các gia vị ấm như gừng, sả, tiêu... sẽ làm cơ thể dễ bị lạnh bụng, đau bụng, tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa.
2. Thay đổi thói quen ăn uống bắt đầu từ đâu?
Việc thay đổi thói quen ăn uống cần bắt đầu từ những việc đơn giản như:
Ăn đúng giờ, không bỏ bữa.
Ăn trong không gian yên tĩnh, tập trung vào bữa ăn.
Ăn chậm, nhai kỹ.
Đảm bảo khẩu phần ăn đa dạng, cân bằng dinh dưỡng.
Kết hợp thực phẩm và gia vị một cách hợp lý để cân bằng tính hàn – nhiệt trong món ăn.
Ăn uống không chỉ là nhu cầu, mà còn là một nghệ thuật sống khỏe. Một bữa ăn đúng cách có thể trở thành "liều thuốc" quý giá để phòng bệnh.
Mời bạn xem tiếp video:
Ăn mặn hay ăn chay có nguy cơ mắc ung thư cao hơn? I SKĐS #shorts
ThS. BS. Nguyễn Trọng Tín
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/canh-bao-5-thoi-quen-an-uong-pho-bien-gay-ra-benh-tat-169250521133505412.htm