Theo WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Liên minh Vắc-xin Gavi, nỗ lực tiêm chủng toàn cầu hiện đang bị đe dọa bởi nhiều yếu tố như dân số tăng nhanh, khủng hoảng nhân đạo kéo dài và sự suy giảm nguồn lực tài chính. Tình trạng này đang ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành trên khắp thế giới.
WHO kêu gọi các quốc gia và các nhà tài trợ tiếp tục cam kết tài chính, tăng cường truyền thông đúng đắn để chống lại thông tin sai lệch về vắc-xin, đồng thời đẩy mạnh hoạt động giám sát và cung ứng vắc-xin, nhất là ở những khu vực có nguy cơ cao.
Bệnh sởi, vốn có thể phòng ngừa bằng vắc-xin, đang có xu hướng quay trở lại với quy mô ngày càng nghiêm trọng. WHO cho biết, số ca mắc sởi trên toàn cầu trong năm 2023 ước tính lên đến 10,3 triệu trường hợp, tăng 20% so với năm trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do gián đoạn chương trình tiêm chủng trong và sau đại dịch Covid-19.
Chỉ trong vòng 12 tháng qua, 138 quốc gia đã ghi nhận các ca bệnh sởi, trong đó có 61 quốc gia xảy ra bùng phát lớn. WHO dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2025 nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời.
Tình hình không chỉ dừng lại ở sởi. Tại châu Phi, các ca viêm màng não đã gia tăng đáng kể trong năm 2024 và tiếp tục tăng nhanh trong năm nay. Trong 3 tháng đầu năm 2025, hơn 5.500 trường hợp nghi mắc viêm màng não và gần 300 ca tử vong đã được báo cáo tại 22 quốc gia.
Sốt vàng da cũng đang tái bùng phát mạnh mẽ. Riêng tại châu Phi, năm 2024 ghi nhận 124 ca bệnh ở 12 quốc gia. Trong khi đó, khu vực châu Mỹ chứng kiến 131 ca tại 4 quốc gia chỉ từ đầu năm đến nay.
Ngoài ra, các bệnh từng được kiểm soát hiệu quả hoặc gần như biến mất như bạch hầu, cũng đang có nguy cơ quay trở lại nếu xu hướng suy giảm tiêm chủng tiếp diễn.
WHO cảnh báo rằng gần một nửa các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp đang phải đối mặt với tình trạng gián đoạn chiến dịch tiêm chủng và thiếu hụt nguồn cung vắc-xin.
Hơn một nửa số quốc gia trên toàn cầu cũng ghi nhận việc giám sát dịch bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có cả các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin.
Số trẻ em không được tiêm vắc-xin định kỳ cũng đang tăng nhanh. Năm 2023, ước tính có tới 14,5 triệu trẻ em trên thế giới không được tiêm vắc-xin đầy đủ, tăng so với mức 13,9 triệu vào năm 2022. Đáng chú ý, hơn một nửa trong số này sống tại các khu vực bất ổn, nơi hệ thống y tế thường xuyên bị gián đoạn và thiếu hụt nhân lực y tế.
Để đối phó với tình trạng đáng lo ngại trên, WHO, UNICEF và Gavi đang kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương tăng cường đầu tư cho các chương trình tiêm chủng. Đặc biệt, việc tiếp tục triển khai Sáng kiến "Big Catch-Up", được khởi xướng từ năm 2023 nhằm tiếp cận nhóm trẻ em bị bỏ lỡ tiêm chủng trong thời kỳ đại dịch là vô cùng cần thiết.
Các tổ chức quốc tế nhấn mạnh rằng nếu không bảo vệ những thành quả đã đạt được trong 50 năm qua, đặc biệt là trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em nhờ tiêm chủng, thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy nghiêm trọng, cả về y tế lẫn kinh tế - xã hội.
WHO kêu gọi các quốc gia và các nhà tài trợ tiếp tục cam kết tài chính, tăng cường truyền thông đúng đắn để chống lại thông tin sai lệch về vắc-xin, đồng thời đẩy mạnh hoạt động giám sát và cung ứng vắc-xin, nhất là ở những khu vực có nguy cơ cao.
“Tiêm chủng là một trong những biện pháp y tế công cộng hiệu quả nhất từng được phát minh. Đừng để sự chủ quan hay thiếu đầu tư khiến nhân loại phải trả giá đắt bằng mạng sống của hàng triệu người, đặc biệt là trẻ em.”, WHO nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, hiện nay có 11 bệnh truyền nhiễm gồm Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Sởi, Bại liệt, Viêm gan B, Viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, Viêm não Nhật Bản B, rubella, Rota được triển khai trong tiêm chủng mở rộng.
Hơn 40 năm qua, hàng trăm triệu liều vắc-xin đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ Việt Nam. Kết quả của tiêm chủng mở rộng đã góp phần quan trọng trong đạt thành quả thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, giảm rõ rệt tỷ lệ các bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Bộ Y tế mong muốn người dân Việt Nam ngày càng được tiêm chủng nhiều loại vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai kế hoạch sử dụng vắc-xin mới như vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy do vi rút Rota, vắc-xin phòng bệnh do Phế cầu, vắc-xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung do vi rút HPV và xem xét báo cáo Chính phủ bổ sung thêm các loại vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm khác... để có thêm cơ hội phòng bệnh cho người dân.
Bộ trưởng Y tế kêu gọi mỗi cán bộ y tế cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quy trình tiêm chủng, các bệnh viện cần tham gia tích cực hơn nữa trong công tác triển khai vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu, phối hợp xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, các cơ sở tiêm chủng tăng cường quản lý tốt đối tượng, đảm bảo người dân được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, an toàn nâng cao chất lượng và hiệu quả phòng bệnh.
Các cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, để người dân hiểu đúng lợi ích, hiệu quả của vắc-xin và tầm quan trọng của tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và tích cực đưa con em đi tiêm chủng.
Bộ Y tế đề nghị các tổ chức quốc tế như WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, Liên minh toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm chủng (GAVI)… tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho công tác tiêm chủng mở rộng Việt Nam, một quốc gia có dân số lớn và đặc điểm dịch tễ bệnh truyền nhiễm phức tạp.
D.Ngân