Cảnh báo bùng phát dịch sởi tại Đồng Nai, hầu hết ca bệnh chưa tiêm hoặc tiêm vaccine chưa đủ số mũi

Cảnh báo bùng phát dịch sởi tại Đồng Nai, hầu hết ca bệnh chưa tiêm hoặc tiêm vaccine chưa đủ số mũi
3 giờ trướcBài gốc
Các bác sĩ dự báo, trong khoảng 1 tháng nữa, số ca bệnh sởi sẽ vẫn còn tăng cao do còn nhiều trẻ em và người lớn chưa được tiêm vaccine.
Cả nhà lo lắng chăm con bị bệnh
Điều dưỡng đo nồng độ oxy trong máu cho một bệnh nhi mắc sởi. Ảnh: HD
Suốt 2 tuần nay, vợ chồng chị T.K.T., quê tỉnh Bạc Liêu, tạm trú tại phường Long Bình, thành phố Biên Hòa phải nghỉ làm phụ hồ để cùng chăm sóc con gái nhỏ T.T.Q., 16 tháng tuổi bị bệnh sởi.
Chị T. cho biết, cách đây 1 tuần, bé bị sốt cao, ho, sổ mũi, chị T. đưa con đi khám ở bác sĩ tư, lấy thuốc về uống nhưng không đỡ, sốt cao không hạ. Khi thấy sức khỏe con ngày càng yếu, vợ chồng chị T. lật đật đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để cấp cứu, được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh sởi, ban nổi khắp người. Trong 6 ngày qua, bé Q. được cho thở oxy nhưng đến nay sức khỏe vẫn còn yếu, bé ăn uống ít.
Chị T. nói, từ ngày con bị bệnh, vợ chồng chị sợ quá nên phải nghỉ làm để cùng nhau trông con, người cận kề bên giường bệnh, người chạy đi lo giấy tờ, mang đồ dùng từ nhà vào bệnh viện để sử dụng. Do không còn thu nhập nên vợ chồng chị chi tiêu dè sẻn, để dành tiền mua sữa cho con, chỉ dám ăn cơm do mạnh thường quân hỗ trợ.
Nằm chung giường với bé Q. là bé N.V.Q., 4 tuổi, ngụ phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa. Sức khỏe bé Q. đã ổn và chuẩn bị được xuất viện sau một thời gian dài điều trị.
Chị N.T.L., mẹ bé Q. chia sẻ, bé Q. sinh thiếu tháng, khi sinh chỉ nặng 1,2kg. Do sức khỏe yếu nên bé hay bị bệnh vặt. Cách đây gần 1 tháng, bé có triệu chứng sốt cao 40 độ C, ho, nóng từ cổ lên đầu. Đi khám bác sĩ tư không khỏi, chị L. tức tốc đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cấp cứu, điều trị tại Khoa Hô hấp 1 tuần rồi xuất viện.
Thế nhưng 3 ngày sau xuất viện, con trai chị L. lại tiếp tục sốt cao, tiếp tục được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc bệnh sởi và có biến chứng hô hấp nên cho thở oxy. Sau 1 tuần thở oxy, sức khỏe bệnh nhi cải thiện, các nốt ban đỏ nổi khắp người đã lặn hết, bé ăn uống bình thường và sẽ sớm được xuất viện.
Rất lo lắng cho sức khỏe của con, chị N.T.V., ngụ xã Phương Lâm, huyện Tân Phú tâm sự, bé H.K., sinh non khi mới 8 tháng tuổi thai và chỉ nặng 900g. Đến nay, bé 8 tháng tuổi và nặng 5kg.
Trước khi vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bé K. bị sốt cao liên tục 4 ngày, uống thuốc viêm họng, viêm phế quản nhưng không khỏi. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, nổi ban đỏ khắp người, mệt mỏi, không ăn uống được gì. Tình trạng khó thở của em bé ngày càng rõ, bé thở lõm ngực, được cho thở oxy nhưng không đáp ứng nên được cho thở Cypap.
“Suốt 3 ngày qua, cả nhà tôi túc trực cùng chăm bé. Đến giờ bé vẫn còn rất mệt, nằm li bì, sốt cao, phải lau và chườm khăn liên tục. Mỗi lần bé ăn chỉ được 50ml sữa nhưng cứ ăn lại lè ra, hay giật mình chới với. Nhìn con mà cả nhà não lòng. Bé chỉ ở nhà với mẹ và bà ngoại, xung quanh nhà chưa có ai bị bệnh sởi nên chúng tôi cũng không biết bé bị lây bệnh từ đâu” - chị V. chia sẻ.
Hầu hết bệnh nhi chưa tiêm vaccine
Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhi mắc sởi mới nhập viện điều trị nội trú chiều 18-11. Ảnh: H.D
Theo thống kê của Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, thời điểm cao điểm nhất trong sáng 18-11, toàn khoa có 203 bệnh nhi mắc bệnh sởi, gấp đôi số giường bệnh hiện có. Do quá tải nên bệnh nhân phải nằm đôi, nằm ba, thậm chí kê giường nằm ngoài hành lang, nằm võng, nằm đất. Đến 17h chiều cùng ngày, có 49 bệnh nhi được xuất viện còn 154 ca.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới nhấn mạnh, hầu hết bệnh nhi mắc sởi đều chưa được tiêm vaccine sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 liều vaccine sởi. Sức đề kháng của trẻ nhỏ còn yếu nên khi có 1 ca bệnh, trẻ rất dễ bị nhiễm. Bệnh sởi lây lan rất nhanh trong không khí nên nguy cơ bùng phát dịch và lan rộng trong cộng đồng là rất cao.
Chị T.K.T., ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa cho biết, từ khi sinh ra đến nay, con gái chị chưa tiêm bất kỳ mũi vaccine nào. 4 đứa con còn lại của chị từ 8-18 tuổi cũng chưa được tiêm vaccine sởi.
Chị T., nói, do nhà nghèo lại lo đi làm suốt ngày nên không có thời gian để đưa các con đi tiêm vaccine. Những đứa nhỏ này ở với bà ngoại nhưng bà ngoại cũng không biết để đưa cháu đến trạm y tế tiêm ngừa.
Còn chị N.T.V. thì tâm sự, ngày chị chuẩn bị mang thai, do còn thiếu hiểu biết nên chị cũng không chích bất kỳ mũi vaccine nào trước mang thai, kể cả vaccine sởi. Có lẽ vì thế mà con chị không có kháng thể. Chị V. cầu mong con vượt qua được giai đoạn khó khăn này, đến khi cháu đủ 9 tháng tuổi sẽ đưa đi tiêm đầy đủ các loại vaccine.
Sáng nay khi đọc báo biết thông tin có 1 em bé đã tử vong do bệnh sởi, chị N.T.L. rất lo sợ. Chị L. nói sau khi con xuất viện sẽ đưa con đi chích mũi sởi thứ 2. Mấy ngày qua, nhân viên Trạm Y tế phường Tân Hòa đã gọi cho chị L. nhắc chị đầu tháng 12 nhớ đưa con ra trạm y tế để được tiêm vaccine sởi miễn phí.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trần Ngọc Quang, tỉnh đã kết thúc Chiến dịch tiêm vaccine sởi cách đây nửa tháng nhưng vẫn còn dư 20 ngàn liều vaccine sởi để tiêm miễn phí cho trẻ từ 1-10 tuổi. Vì vậy, những gia đình nào có con trong độ tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine cần đưa trẻ đến trạm y tế nơi cư trú để được tiêm chủng ngay. Các trạm y tế sẽ tổ chức tiêm miễn phí vaccine sởi cho trẻ vào các ngày triển khai tiêm chủng mở rộng.
Toàn Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hiện còn hơn 20 ca sởi phải thở oxy và 4 ca phải thở Cypap. Những bé này có triệu chứng suy hô hấp, viêm kết mạc, viêm ruột, tiêu lỏng. Ngoài ra, có 4 ca bệnh nặng khác đã được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, chống độc. Trong đó có 3 ca đang phải thở máy, 1 ca phải thở Cypap. Đáng lưu ý có những ca có bệnh nền nên điều trị rất khó khăn, bệnh diễn tiến nhanh.
Sẽ đề xuất tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có tốc độ lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch. Trẻ em là đối tượng hay mắc vì sức đề kháng yếu, nếu không được điều trị kịp thời, những biến chứng của bệnh sởi có thể ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của bé.
Các nốt ban đỏ nổi khắp người bệnh nhi mắc sởi. Ảnh: H.D
Thực tế ghi nhận tại Đồng Nai cho thấy, có rất nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi đã mắc bệnh sởi, thậm chí bị bệnh nặng. Những trẻ này đều chưa được tiêm mũi vaccine sởi nào do chưa đến tuổi hoặc mẹ không có đề kháng trong quá trình mang thai.
Bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cho hay, mặc dù đã kết thúc Chiến dịch tiêm vaccine sởi nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều trẻ chưa tiêm vaccine sởi, trong đó có nhiều trẻ vãng lai.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh sởi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh công bố dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Sau đó, ngành y tế Đồng Nai sẽ đề xuất với Bộ Y tế triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu nhằm tăng cường miễn dịch cộng đồng, hạn chế số ca mắc bệnh sởi.
Bệnh sởi chỉ mắc 1 lần trong đời. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người bệnh. Để phòng ngừa bệnh sởi, người dân cần tiêm đủ 2 liều vaccine sởi hoặc vaccine có thành phần sởi.
Hạnh Dung
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202411/canh-bao-bung-phat-dich-soi-tai-dong-nai-hau-het-ca-benh-chua-tiem-hoac-tiem-vaccine-chua-du-so-mui-c8e6fa7/