Cảnh báo các chiêu trò dùng 'AI' để lừa đảo

Cảnh báo các chiêu trò dùng 'AI' để lừa đảo
6 giờ trướcBài gốc
Thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp bị lừa đảo thông qua công nghệ deepfake. Đối tượng lừa đảo thường nhắm vào cá nhân có địa vị xã hội, có điều kiện kinh tế… để dễ dàng dọa nạt, buộc “con mồi” phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng.
Thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng là tìm kiếm thông tin, hình ảnh, số điện thoại của nạn nhân, sau đó sử dụng công nghệ AI để cắt ghép thành “ảnh nóng” hoặc video có nội dung nhạy cảm, chuyển cho các nạn nhân nhằm gây hoang mang, lo sợ.
Với thủ đoạn này, nhiều người vì tâm lý lo lắng bị ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, gia đình, công việc mà dễ dàng “sập bẫy”, từ đó liên hệ với đối tượng để “chuộc” lại hình ảnh, video được cắt ghép đó. Khi đã nắm được điểm yếu của nạn nhân, đối tượng sẽ hướng dẫn họ mua tiền điện tử và chuyển đến các tài khoản, ví điện tử theo chỉ định nhằm chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Thực tế, đã có trường hợp mất hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng để không bị ảnh hưởng đến bản thân, gia đình. Điều này đang gây tâm lý lo lắng, bức xúc của nhiều người, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
Trước các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp trên, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội lừa đảo chiếm đoạt và cưỡng đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng, lực lượng công an khuyến cáo: Các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương trong tỉnh cần yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không để bị các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài sản.
Cần nâng cao ý thức và kiến thức bảo vệ dữ liệu cá nhân (gồm thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy đăng ký xe… và các loại giấy tờ khác có chứa thông tin cá nhân) trên không gian mạng. Hạn chế tối đa chia sẻ thông tin, hình ảnh về đời tư của bản thân và gia đình một cách tùy tiện. Cần thiết phải thiết lập quyền riêng tư, bảo mật tài khoản mạng xã hội để phòng tránh bị các đối tượng lừa đảo xem là mục tiêu nhắm tới.
Lực lượng chức năng cũng lưu ý, nếu trường hợp nào không may trở thành mục tiêu của các đối tượng lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản thì cần bình tĩnh suy xét kỹ lưỡng, tuyệt đối không cung cấp mã OTP tài khoản ngân hàng và chuyển tiền theo yêu cầu.
Chủ động thu thập hình ảnh, tài liệu phản ánh hành vi phạm tội của các đối tượng, đồng thời cắt liên lạc để không bị đối tượng thao túng. Cần trình báo ngay sự việc với cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh để được hỗ trợ giải quyết nhanh nhất.
Để ngăn chặn các hành vi xấu từ việc lợi dụng công nghệ AI nhằm lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng, các chuyên gia đã phát triển một số phần mềm tiện ích và khá hiệu quả. Người dùng có thể tham khảo sử dụng các phần mềm như: Sensity AI, Microsoft Video Authenticator, Deepware Scanner để kiểm tra sự chính xác của một video hoặc hình ảnh, từ đó biết được đối tượng có sử dụng công nghệ Deepfake để cắt ghép hình ảnh hay không.
Những ứng dụng này sẽ giúp mỗi người có thể phòng tránh các hành vi lừa đảo tinh vi trên không gian mạng, đồng thời xua tan nỗi lo, bức xúc không đáng có khi không may trở thành “con mồi” của các đối tượng lừa đảo.
Nguyễn San
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/phap-luat/202411/canh-bao-cac-chieu-tro-dung-ai-de-lua-dao-f551282/