Cảnh báo của Hải quan và lời cảnh tỉnh cho doanh nghiệp nhập khẩu điều thô

Cảnh báo của Hải quan và lời cảnh tỉnh cho doanh nghiệp nhập khẩu điều thô
12 giờ trướcBài gốc
Không có nhãn gốc hàng hóa sẽ bị xử phạt
Theo Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), nhiều ngày đầu tháng 7/2025, Vinacas nhận được phản ánh về việc, một số doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu điều thô từ các nước Châu Phi sử dụng bao cũ. Trên nhiều bao in tên những nước khác với nước xuất khẩu hoặc in các loại hàng không phải điều thô như cá, macca.
Khi tiến hành kiểm dịch thực vật, Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 2 phát hiện thông tin in trên bao không đúng với hàng nhập khẩu theo Hợp đồng nên đã gửi văn bản đến các cơ quan Hải quan tại các cảng đề nghị cho biết về: “kết quả kiểm tra, xác minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng trên cũng như biện pháp xử lý hành vi vi phạm (nếu có) để Chi cục có cơ sở giải quyết thủ tục đối với lô hàng…". Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 2 cũng đã gửi văn bản đến cơ quan Hải quan thuộc nhiều chi cục khác nhau.
Trước vấn đề này, Vinacas đã gửi văn bản và làm việc với cơ quan Hải quan kiến nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp ngành điều vì ngoài số điều thô đã về cảng, còn khối lượng lớn đang trên đường vận chuyển hoặc đã được đóng bao, chuẩn bị xuất khẩu sang Việt Nam.
Liên quan vấn đề, mới đây, ngày 22/7/2025, Cục Hải quan Việt Nam đã có văn bản số 15630/CHQ-GSQL trả lời, giải quyết vướng mắc mà Vinacas kiến nghị trước đó.
Theo đó, Cục Hải quan Việt Nam nêu rõ rằng, việc kiểm tra xác minh xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa và việc kiểm dịch thực vật là hai hoạt động quản lý chuyên ngành riêng biệt. Việc kiểm dịch được thực hiện độc lập, căn cứ vào quy định pháp luật chuyên ngành về kiểm dịch thực vật, không phụ thuộc vào kết quả xác minh xuất xứ hay xử lý vi phạm của cơ quan hải quan.
Vì vậy theo Cục hải quan Việt Nam thì "việc cơ quan kiểm dịch chờ kết quả kiểm tra xác minh, nguồn gốc xuất xứ của lô hàng cũng như biện pháp xử lý hành vi vi phạm (nếu có) của cơ quan hải quan làm cơ sở để giải quyết thủ tục kiểm dịch đối với lô hàng nhập khẩu là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan và không có cơ sở pháp lý".
Nhiều doanh nghiệp chủ quan chấp nhận nhà cung cấp đóng hạt điều trong bao bì cũ, nhãn mác không đúng quy định.
Cục Hải quan Việt Nam cũng lưu ý, các doanh nghiệp nào sử dụng bao bì cũ, có dán nhãn hàng hóa trên bao bì cũ thì nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc theo Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Cơ quan Hải quan căn cứ quy định trên, kiểm tra, đối chiếu với thực tế lô hàng nhập khẩu với hồ sơ hải quan.
Trường hợp nhãn gốc hàng hóa nhập khẩu không thể hiện đầy đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc khi làm thủ tục thông quan, không phù hợp với quy định trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Tóm lại, doanh nghiệp sử dụng bao bì cũ, có nhãn hàng hóa cũ thì phải có nhãn gốc của hàng hóa mới theo đúng quy định. Nếu không có hoặc có mà ghi không đúng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Lời cảnh tỉnh cho sự chủ quan của doanh nghiệp
Theo Vinacas, hiện nay, còn khá nhiều điều thô đang trên đường vận chuyển về Việt Nam hoặc đã đóng container chuẩn bị xuất hàng. Trong đó có thể có nhiều lô hàng không có nhãn hàng hóa mới trên bao chứa.
Trong khi đó, cơ quan kiểm dịch sẽ vẫn tiếp tục gửi thông báo cho cơ quan Hải quan khi gặp các lô hàng dùng bao cũ có ghi tên nước không phải là nước xuất khẩu với lý do, là đơn vị mở container trước, khi cơ quan Kiểm dịch phát hiện hàng hóa nhập về có dấu hiệu vi phạm phải báo cho cơ quan Hải quan biết.
Trước tình hình này, với lô hàng đang trên đường về Việt Nam hoặc đã làm thủ tục xuất khẩu, Vinacas kiến nghị, nếu có trường hợp không có nhãn gốc mới vẫn cho phép được thông quan nếu đúng là điều thô và có đầy đủ hồ sơ xuất nhập khẩu theo quy định, như: Hợp đồng, vận đơn, phiếu đóng gói hàng hóa, hóa đơn thương mại, C/O, kiểm dịch của nước xuất khẩu….
Hướng dẫn quy định về tem nhãn bao bì của Vinacas cho doanh nghiệp nhập khẩu điều thô.
Với các lô hàng chuẩn bị giao theo hợp đồng đã ký, doanh nghiệp cần thỏa thuận với đối tác để ký phụ lục hợp đồng, bổ sung quy định về bao bì và nhãn mác.
Với các hợp đồng ký mới, doanh nghiệp cần đàm phán với đối tác để ghi rõ trong hợp đồng điều khoản về bao bì, nhãn mác. Theo đó phải sử dụng bao mới, gắn hoặc in nhãn mác theo quy định của pháp luật.
Vinacas cũng lưu ý, từ trước tới nay, nhiều doanh nghiệp ngành điều Việt Nam ít quan tâm đến bao bì, nhãn mác khi nhập khẩu điều thô; chấp nhận việc nhà cung cấp sử dụng bao cũ có in thông tin không đúng với nguồn gốc điều thô và không thực hiện gắn hoặc in nhãn mác hàng hóa theo quy định, mặc dù, pháp luật Việt Nam đã quy định rất rõ ràng.
Vì vậy khi các cơ quan chức năng triển khai mạnh mẽ các hoạt động chống hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là hàng vi phạm nhãn mác, xuất xứ để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước mà còn đáp ứng những yêu cầu về hội nhập kinh tế, thực hiện kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh giữa các quốc gia..., doanh nghiệp theo thói quen cũ sẽ gặp khó.
Ngô Nguyên
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/canh-bao-cua-hai-quan-va-loi-canh-tinh-cho-doanh-nghiep-nhap-khau-dieu-tho-d339290.html