Nhóm đối tượng bị khởi tố về tội “Che giấu tội phạm” trong vụ án mua bán, vận chuyển ma túy quy mô lớn tại tỉnh Quảng Ninh (từ trên xuống dưới, từ trái qua phải): Ngô Thị Thơ, Nguyễn Thị Hạnh, Bùi Xuân Hiến, Lò Văn Minh, Nguyễn Thị Hoài Thương và Triệu Thị Hiền. Ảnh: BÁO CÔNG AN NHÂN DÂN.
Ngày 28/4, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, mở rộng điều tra vụ án mua bán, vận chuyển ma túy quy mô lớn liên quan đối tượng Bùi Đình Khánh, Hà Thương Hải, qua đó bắt thêm 8 đối tượng và thu giữ thêm nhiều tang vật, phương tiện liên quan, nâng tổng số đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam trong chuyên án là 13.
Trong số các đối tượng này, đối tượng Đinh Văn Thiết (em họ đối tượng Hà Thương Hải) bị khởi tố về hai tội danh: “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Che giấu tội phạm”. Sáu đối tượng khác cùng bị khởi tố về tội “Che giấu tội phạm”, gồm: Ngô Thị Thơ (mẹ ruột đối tượng Hà Thương Hải); Nguyễn Thị Hạnh (vợ đối tượng Hà Thương Hải); Triệu Thị Hiền (bạn gái đối tượng Hà Thương Hải); Lò Văn Minh (em họ đối tượng Hà Thương Hải); Bùi Xuân Hiến (anh họ đối tượng Bùi Đình Khánh); Nguyễn Thị Hoài Thương (bạn gái đối tượng Bùi Đình Khánh).
Như vậy chỉ trong vụ án này đã có đến bảy người bị khởi tố về tội “Che giấu tội phạm”.
Thông qua vụ việc này, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ quan tâm đến vấn đề pháp luật sẽ xử lý thế nào nếu che giấu người thân phạm tội?.
Để làm rõ hơn về hành vi che giấu tội phạm trong trường hợp trên, trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, luật sư Dương Mai Hoa, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Theo Điều 18 Bộ luật Hình sự 2015, người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Che giấu tội phạm”.
Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật hình sự.
Theo đó, Điều 389 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, tội che giấu tội phạm áp dụng đối với các hành vi che giấu người phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng như: Giết người, cướp tài sản, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; các tội danh liên quan đến ma túy như sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy...
Vì vậy, luật sư Mai Hoa cho rằng, trong trường hợp này, người phạm tội đều phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên những người thân thích không thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định.
Khi bị khởi tố về tội danh nêu trên, các đối tượng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được các đối tượng này phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Luật sư Hoa khuyến cáo: Dù xuất phát từ tình thân, hành vi che giấu tội phạm vẫn là vi phạm pháp luật, trừ một số trường hợp đặc biệt pháp luật quy định. Do đó, mọi công dân đều có nghĩa vụ tố giác tội phạm.
Khi người phạm tội phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định pháp luật, thì người thân thích nếu biết về hành vi hay tin báo về tội phạm không được che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội. Đồng thời, người thân cần trình báo với cơ quan có thẩm quyền để không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ án các đối tượng bị khởi tố về tội “Che giấu tội phạm” gần đây.
Trên thực tế, không ít người, đặc biệt là giới trẻ vì tình thân hay sự nể nang, đã không nhận thức được đầy đủ rằng hành vi che giấu tội phạm không chỉ gây cản trở quá trình điều tra mà còn trực tiếp “tiếp tay” cho tội phạm, tự biến mình từ người “vô can thành có tội” trước pháp luật.
Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, việc tố giác tội phạm không chỉ là nghĩa vụ pháp lý, mà còn là hành động thể hiện ý thức trách nhiệm của mỗi công dân, đây cũng là yếu tố thiết yếu để bảo đảm trật tự, an toàn và phát triển bền vững xã hội. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, mọi vi phạm phải được xử lý công bằng và nghiêm minh.
Các chuyên gia pháp lý cũng khuyến cáo, khi phát hiện hành vi phạm tội hay biết tin báo về tội phạm, người dân có thể đến trình báo công an xã, phường nơi cư trú hoặc gọi điện đến đường dây nóng của công an các tỉnh, thành phố để tố giác tội phạm.
Mặt khác, cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, để mỗi người dân nhận thức sâu sắc phải sống và tuân thủ theo pháp luật, từ đó tự bảo vệ quyền lợi của chính mình, đồng thời tránh những hành vi vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết.
Hãy nhớ rằng, một phút che giấu cho hành vi sai trái, vi phạm pháp luật có thể phải trả giá bằng bản án nhiều năm trong tù.
Điều 18 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội “Che giấu tội phạm” như sau:
1. Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.
2. Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
THU HẰNG