Cảnh báo: lừa cung cấp dịch vụ giám sát tài khoản để chiếm đoạt tài sản

Cảnh báo: lừa cung cấp dịch vụ giám sát tài khoản để chiếm đoạt tài sản
6 giờ trướcBài gốc
Cục An toàn thông tin cho biết, các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng với mục đích chiếm đoạt tài sản. Trong tuần từ 18/11 - 24/11, 3 chiêu thức được các đối tượng sử dụng nhiều trên không gian mạng Việt Nam gồm:
Mạo danh các đơn vị tổ chức sự kiện, cuộc thi:
Các đối tượng sao chép hình ảnh, nội dung, video... trên website chính thống của sự kiện, cuộc thi và đăng tải trên fanpage giả mạo để tạo lòng tin. Sau đó, chúng dẫn dụ người có nhu cầu tham gia sự kiện, chương trình sang Telegram để đăng ký, xét duyệt hồ sơ.
Để hoàn thành thủ tục xét duyệt, người đăng ký được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đánh giá và mua trang phục bằng hình thức chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau khi chốt nhiều đơn hàng với số tiền lớn, đối tượng đưa ra các lý do để từ chối trả tiền gốc.
Ngoài ra, các đối tượng còn yêu cầu nạn nhân chuyển khoản thêm để xác minh và bảo lưu tài khoản. Đến một thời điểm, các đối tượng sẽ chặn hết phương thức liên lạc và chiếm đoạt số tiền của nạn nhân.
Do đó, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác khi tiếp nhận thông tin, cần xác minh thông tin qua các kênh chính thống, không làm theo hướng dẫn của đối tượng. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, truy cập đường link lạ hay chuyển tiền cho đối tượng chưa được xác minh danh tính.
Cảnh giác với dịch vụ đọc trộm tin nhắn, giám sát tài khoản mạng xã hội: Đây không phải là hình thức lừa đảo mới nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy.
Theo đó, các đối tượng liên hệ, cung cấp cho người có nhu cầu thông tin về các gói dịch vụ đọc trộm tin nhắn, theo dõi tài khoản mạng xã hội của người khác cũng như số tài khoản để chuyển phí dịch vụ. Sau khi nạn nhân chuyển trước phí dịch vụ, đối tượng sẽ chặn liên lạc.
Cảnh báo: lừa cung cấp dịch vụ giám sát tài khoản để chiếm đoạt tài sản.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không nền dùng dịch vụ, ứng dụng có mục đích xâm phạm quyền riêng tư, Cục cũng chỉ rõ: đọc trộm tin nhắn là hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội.
Ngoài ra, người dùng cũng không nên tải ứng dụng không rõ nguồn gốc, cần sử dụng phần mềm bảo mật để quét và phát hiện các phần mềm độc hại có thể theo dõi thiết bị; thường xuyên kiểm tra việc bảo mật của tài khoản mạng xã hội cũng như xác thực hai yêu tố để tăng cường bảo mật.
Mạo danh Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lừa lao động có nhu cầu làm việc ở nước ngoài:
Các đối tượng lập fanpage mạo danh trang thông tin của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các trang này đều đăng tải các hình ảnh lãnh đạo Bộ làm việc với các đối tác nước ngoài nhằm tạo dựng lòng tin, dụ dỗ người lao động.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người lao động cần cẩn trọng trước các tổ chức chào mời trên mạng xã hội, chủ động tìm hiểu, đối chiếu thông tin về đơn vị quảng cáo trên mạng xã hội với danh sách doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, được đăng tải trên trang dolab.gov.vn của Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Đồng thời, rà soát kỹ nội dung trên hợp đồng dịch vụ giữa các bên trước khi ký kết.
Hà Thanh
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/canh-bao-lua-cung-cap-dich-vu-giam-sat-tai-khoan-de-chiem-doat-tai-san.html