Khách sạn Seabird Hotel Thiên Cầm đăng thông tin cảnh báo tình trạng fanpage giả mạo lừa khách hàng đặt phòng.
Có nhu cầu tới biển Thiên Cầm (thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nghỉ dưỡng, tắm biển vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, chị Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985, trú ở TP Hà Nội) đã lên mạng tìm kiếm và nhắn tin vào trang fanpage của khách sạn Seabird Hotel Thiên Cầm để đặt phòng. Song, việc mà chị Nguyệt không ngờ tới là fanpage mà chị nhắn tin là của các đối tượng lừa đảo lập nên, chứ không phải fanpage của khách sạn này.
Khi biết chị Nguyệt có nhu cầu đặt phòng có 2 giường ngủ trong thời gian 1 ngày đêm, các đối tượng “ra giá” từ 1,6 – 1,8 triệu đồng và yêu cầu chuyển 100% tiền phòng do đang là cao điểm dịp nghỉ lễ. Các đối tượng lừa đảo liên tục hối thúc chị chuyển tiền với lý do “chỉ còn lại 1 – 2 phòng, nếu chị không “chốt” là sẽ hết phòng”. Trường hợp chuyển toàn bộ tiền phòng còn được khuyến mãi giảm thêm 10% giá trị phòng.
Các fanpage giả mạo fanpage của khách sạn Seabird Hotel Thiên Cầm có rất nhiều lượt thích, lượt theo dõi khiến khách hàng dễ nhầm lẫn.
Tuy nhiên, khi thấy giá tiền phòng nghỉ thấp hơn những năm trước, chị Nguyệt đắn đo, tìm số điện thoại của khách sạn để xác nhận mới biết đó là fanpage giả mạo, thông tin về giá phòng là không chính xác.
“Fanpage lừa đảo đó có gần 10.000 lượt thích, lượt theo dõi. Các thông tin đăng tải trên đó không khác gì fanpage thật, thậm chí còn được “đầu tư” bài bản hơn, rất khó để phân biệt. Trường hợp không cẩn thận, tôi đã mất tiền cho những kẻ lừa đảo rồi”, chị Nguyễn Thị Nguyệt chia sẻ.
Khu du lịch Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) thu hút đông đảo người dân tới nghỉ dưỡng, tắm biển trong mùa du lịch.
Cũng đặt phòng khách sạn qua fanpage trên mạng xã hội nhưng chị Trần Hoài Thương (SN 1988, trú TP Đà Nẵng) không “may mắn” như trường hợp của chị Nguyệt, khi đã chuyển gần 3,5 triệu đồng cho những kẻ lừa đảo.
Theo lời chị Thương, qua tìm kiếm, chị thấy khách sạn Lamer Thiên Cầm có phản hồi của khách khá tốt khi giá cả, dịch vụ ổn nên đã nhắn tin vào fanpage của khách sạn. Tuy nhiên, đây lại là fanpage giả mạo khách sạn Lamer Thiên Cầm.
Quá trình nhắn tin, các đối tượng lừa đảo báo giá tiền phòng là 1,7 triệu đồng và liên tục hối thúc chuyển sớm để “chốt phòng”. Tin tưởng, chị Thương đã chuyển tiền.
Sau khi chuyển tiền lần thứ nhất, chị lại nhận được thông báo do chuyển sai mã cú pháp nên cần chuyển lại, số tiền “chuyển nhầm” lần 1 sẽ được trả lại sau. Tin lời các đối tượng, chị Thương tiếp tục chuyển lần thứ 2. Ngay sau đó, các đối tượng lập tức chặn liên lạc.
Hóa đơn thanh toán giả được các đối tượng lừa đảo tạo ra rất giống hóa đơn của các khách sạn.
Thời gian gần đây, khá nhiều người dân đã gặp phải tình trạng bị lừa đảo khi đặt phòng qua mạng tại các khách sạn, resort trên địa bàn tỉnh.
Các đối tượng lừa đảo đã dùng chiêu trò lập ra nhiều fanpage trên mạng xã hội facebook mang tên giống hệt hoặc tương tự tên các khách sạn, resort nổi tiếng tại Hà Tĩnh. Những fanpage này thường đăng tải hình ảnh, thông tin hấp dẫn cùng các chương trình khuyến mãi “giá sốc”. Thậm chí để tạo độ tin cậy, các đối tượng lừa đảo còn “chạy quảng cáo”, mua lượt thích, lượt theo dõi cho fanpage giả mạo để dễ tiếp cận “con mồi”. Sau đó, chúng dùng số điện thoại và tài khoản ngân hàng giả mạo tài khoản công ty để lừa khách chuyển tiền rồi chiếm đoạt.
Các đối tượng còn lập đường dây nóng, sẵn sàng “tư vấn” khi khách hàng gọi. Khi nhận được tiền, các đối tượng nhắn tin gửi hóa đơn chứng từ xác nhận đã đặt phòng, khách hàng rất khó có thể nhận ra mình đang bị lừa. Một số trường hợp, đối tượng lừa đảo còn cố tình gửi sai cú pháp để khách chuyển tiền lần hai, lần ba.
Do nhu cầu đặt phòng lớn trong cao điểm mùa du lịch nên chỉ cần người dân không kiểm tra thông tin thật kỹ càng, cẩn thận, rất dễ rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Người dân cần cẩn trọng, kiểm tra đầy đủ các thông tin trước khi chuyển tiền đặt phòng nghỉ qua mạng xã hội.
Trên thực tế, có không ít các trường khách du lịch bị lừa chuyển tiền đặt phòng, thậm chí, có những người không biết mình bị lừa, chỉ khi đến điểm du lịch và đưa ra hóa đơn giả được các đối tượng lừa đảo thiết kế một cách tinh vi, họ mới “ngã ngửa”.
Theo thông tin từ quản lý khách sạn, resort trên địa bàn tỉnh, gần đây, khá nhiều người đã phản ánh việc họ bị lừa chuyển tiền đặt cọc cho các fanpage mạo danh khiến khách hàng mất tiền, mất kỳ nghỉ, còn đơn vị bị ảnh hưởng uy tín.
Các doanh nghiệp, cơ sở du lịch cũng cần tăng cường bảo vệ thương hiệu trên mạng xã hội.
Thượng tá Nguyễn Trường Diệu – Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: Vào mùa du lịch, các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng nhu cầu nghỉ dưỡng, đi lại tăng cao của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ việc đặt tour, đặt phòng nghỉ, đặt vé máy bay… Việc giả mạo các trang fanpage, trang web có giao diện giống hệt với các resort, khách sạn, nổi tiếng đã xuất hiện những năm gần đây. Tuy nhiên, càng ngày thủ đoạn, phương thức lừa đảo của các đối tượng càng tinh vi khi fanpage giả được “đầu tư” từ việc “chạy quảng cáo”, “mua” lượt thích, lượt theo dõi để nhiều người nhầm tưởng đây là các trang có uy tín.
Để tránh bị lừa, khách hàng cần xác minh thông tin đặt phòng qua nhiều nguồn, kiểm tra thông tin từ website chính thức, tổng đài hỗ trợ hoặc tham khảo qua các nền tảng uy tín; so sánh, đối chiếu số điện thoại và email mà fanpage cung cấp với thông tin chính thức trên website của khu nghỉ dưỡng hoặc các trang uy tín về du lịch; cảnh giác với yêu cầu thanh toán ngay lập tức, cảnh giác với việc thanh toán qua tài khoản cá nhân. Trường hợp phát hiện đã bị lừa đảo, cần lưu giữ bằng chứng giao dịch để làm bằng chứng và trình báo cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
Các doanh nghiệp, cơ sở du lịch cũng cần tăng cường bảo vệ thương hiệu trên mạng xã hội; cảnh báo khách hàng về tình trạng lừa đảo, hướng dẫn cách phân biệt trang thật – trang giả (nếu có). Khi phát hiện các trang giả mạo cần báo cáo trên các nền tảng và trao đổi và thông tin cho các cơ quan chức năng theo dõi.
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện tình trạng một số đối tượng giả mạo fanpage của các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân và du khách. Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, đồng thời nâng cao cảnh giác cho doanh nghiệp và người dân, du khách trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tội phạm, Sở VH-TT&DL đã có văn bản đề nghị các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người dân về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, các biện pháp nhận diện, phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng, đặc biệt là thủ đoạn lừa đảo giả mạo fanpage của các cơ sở lưu trú nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân và du khách trong mùa du lịch.
UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống các loại tội phạm trên không gian mạng trên các hệ thống thông tin tuyên truyền của địa phương; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tiếp phát các chương trình phát thanh của Báo Hà Tĩnh và tài liệu tuyên truyền của Sở VH-TT&DL trên hệ thống truyền thanh cơ sở...
Các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh công bố các thông tin trên fanpage chính xác, đầy đủ: tên cơ sở, địa chỉ, số điện thoại, email, website…; công khai chính sách đặt cọc, phương thức thanh toán và các tài khoản ngân hàng chính thức trên mọi nền tảng của đơn vị. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các fanpage, website giả mạo để cảnh báo cho khách hàng về nguy cơ lừa 2 đảo và báo ngay cho cơ quan công an địa phương hoặc phối hợp với Sở VH-TT&DL để xử lý.
Thạch Quý