Lợi dụng tâm lý nóng vội, cùng với việc người dân còn hạn chế trong việc tiếp cận thông tin pháp lý và quy trình xét duyệt, nhiều đối tượng đã dựng lên các chiêu trò lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Tại Hà Nội, xuất hiện tình trạng rao bán công khai các “suất nội bộ”, “suất ngoại giao” tại các dự án nhà ở xã hội thông qua mạng xã hội và các hội nhóm bất động sản…
Để tạo lòng tin, các đối tượng sử dụng hình ảnh thông tin từ các dự án đang triển khai hoặc mới được phê duyệt chủ trương đầu tư, lôi kéo người dân, đi kèm cam kết “không cần xét duyệt”, “nhận nhà nhanh”, “hỗ trợ làm trọn gói hồ sơ”. Người mua được yêu cầu nộp trước 50–100 triệu đồng để giữ chỗ, sau đó tiếp tục bị dụ dỗ đóng thêm 300–400 triệu đồng tiền chênh lệch.
Sau khi nhận tiền, đối tượng lừa đảo tìm cách cắt đứt liên lạc hoặc viện lý do trì hoãn, không hoàn trả, khiến khách hàng rơi vào cảnh thiệt hại nghiêm trọng.
Cụ thể, mới đây hơn 20 khách hàng đã gửi đơn tố cáo Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Nhật Phát (trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức bán “suất ngoại giao” nhà ở xã hội. Theo phản ánh, các môi giới của công ty này đã dụ dỗ khách hàng nộp khoản tiền chênh từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng mỗi suất, với cam kết sẽ được mua căn hộ tại các dự án như Ecohome (Bắc Từ Liêm), NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm), hay NO1 Hạ Đình (Thanh Trì). Tuy nhiên, khi đến thời hạn bàn giao, không những không nhận được nhà, các khách hàng còn không thể liên hệ với môi giới. Tổng số tiền bị chiếm đoạt ước tính lên tới hơn 19 tỷ đồng.
Theo quy định tại Điều 38 Nghị định 100/2024/NĐ-CP và Luật Nhà ở 2023, việc mua bán nhà ở xã hội phải tuân thủ quy trình xét duyệt nghiêm ngặt, không được mua bán tự do trên thị trường. Việc phân phối căn hộ chỉ được thực hiện khi dự án đủ điều kiện mở bán và được Sở Xây dựng kiểm tra, công khai thông tin đồng thời phải tổ chức bốc thăm minh bạch nếu số lượng đăng ký vượt quá quỹ nhà.
Việc xét duyệt đối tượng mua, thuê mua căn hộ nhà ở xã hội phải đảm bảo thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Toàn bộ thông tin chi tiết về các dự án nhà ở xã hội bao gồm thông báo thời điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê mua đều được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng. Mọi giao dịch ngoài quy trình trên đều không có giá trị pháp lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không thực hiện bất kỳ giao dịch, đặt cọc hay chuyển tiền cho cá nhân, tổ chức rao bán nhà ở xã hội trái phép, tự xưng có “suất nội bộ”, “suất ngoại giao”. Để tránh bị lừa đảo, người dân cần trang bị kiến thức pháp lý và thận trọng trong mọi giao dịch. Trước hết, cần xác minh tính pháp lý của dự án thông qua sở xây dựng địa phương hoặc Bộ Xây dựng để bảo đảm dự án đã được cấp phép hợp pháp. Người dân chỉ nên đăng ký và nộp hồ sơ mua, thuê, thuê mua căn hộ nhà ở xã hội thông qua chủ đầu tư khi đã có thông báo chính thức được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng, đúng theo thời điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký. Đặc biệt, tuyệt đối không chuyển tiền khi chưa có hợp đồng hợp pháp, đặc biệt nếu môi giới yêu cầu đặt cọc mà không có giấy tờ bảo đảm.
Khi phát hiện các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, cần kịp thời trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận, điều tra và xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, mỗi cá nhân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, không tiếp tay cho các hành vi trục lợi bất chính, góp phần bảo vệ an ninh trật tự và bảo đảm tính minh bạch trong thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Trà Giang