Các khuyến cáo tập trung vào việc cảnh giác trước thủ đoạn gửi đường link lạ hoặc yêu cầu chuyển tiền khẩn cấp. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân chủ động tìm hiểu thông tin, xác thực các giao dịch và không chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng nếu chưa rõ nguồn gốc để tránh bị lừa đảo trực tuyến.
Cần xác minh kỹ lưỡng nếu liên quan đến chuyển tiền
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cho biết tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2025. Bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, người dùng vẫn cần nâng cao cảnh giác, kỹ năng an toàn khi tham gia không gian mạng. Không chia sẻ thông tin cá nhân với những người không quen biết hoặc dịch vụ không tin tưởng. Cần xác minh kỹ lưỡng bất kỳ cuộc gọi hay trao đổi nào liên quan đến chuyển tiền. Sử dụng ứng dụng phòng, chống lừa đảo nTrust để lọc và ngăn chặn các số điện thoại lừa đảo, website độc hại.
Đối với cuộc gọi rác, ông Sơn chia sẻ mặc dù cơ quan quản lý đã liên tục rà soát, yêu cầu cập nhật thông tin thuê bao để xử lý mạnh tay các số điện thoại rác, ngăn chặn tình trạng spam. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng các đối tượng thuê người dân đăng ký số điện thoại bằng thông tin chính chủ, sau đó mua lại chúng để sử dụng. Các đối tượng sau đó cắm SIM vào thiết bị chuyên dụng, sử dụng phần mềm trên máy tính để thực hiện hàng chục cuộc gọi cùng lúc.
“Người dùng cần cẩn trọng, không bắt chuyện với các cuộc gọi không có số định danh (brand name) hoặc không có trong danh bạ (số lạ)” - ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia.
Ông Sơn lưu ý rằng các cơ quan quản lý nhà nước không làm việc với người dân qua điện thoại. Kết thúc ngay cuộc gọi nếu thấy nội dung không liên quan tới nhu cầu của mình để tránh bị lừa đảo. Có thể sử dụng các tính năng chặn cuộc gọi có trên điện thoại hoặc sử dụng các ứng dụng chặn cuộc gọi spam như nTrust để bảo vệ tự động.
“Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật như mật khẩu, mã OTP, mã PIN thẻ, màn hình giao dịch... cũng như không bao giờ yêu cầu khách hàng nộp tiền vào tài khoản.”
Đồng thời người dân cần báo cáo với cơ quan chức năng khi bị mắc bẫy lừa đảo trực tuyến. Điều này là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của bản thân nạn nhân và ngăn chặn các hành vi phạm pháp.
Không cung cấp thông tin bảo mật như mật khẩu, mã OTP, mã PIN thẻ
Một đại diện ngân hàng tại TP.HCM cho biết ngân hàng chỉ liên hệ với khách hàng qua đầu số hiển thị tên thương hiệu của ngân hàng. Các cuộc gọi từ số lạ, tự xưng nhân viên ngân hàng mà không nêu rõ chi nhánh hoặc trung tâm dịch vụ, thường không đáng tin.
“Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật như mật khẩu, mã OTP, mã PIN thẻ, màn hình giao dịch... cũng như không bao giờ yêu cầu khách hàng nộp tiền vào tài khoản” - vị này nhấn mạnh.
Hiện nay, trên mạng xuất hiện nhiều trang web bán vé tàu hỏa không thuộc sự quản lý của đường sắt Việt Nam. Vì vậy, người dân nên ưu tiên lựa chọn các kênh chính thống để mua vé. Ảnh: PV
Nếu lỡ cung cấp mã OTP hoặc thông tin tài khoản cho đối tượng lừa đảo, người dân nên gọi ngay tổng đài báo tạm khóa mọi giao dịch liên quan tài khoản. Khi thực hiện giao dịch online, cần kiểm tra kỹ thông tin liên quan đến bên mua, bán, không cung cấp mã số CCV, thường xuyên tắt chức năng thanh toán online trên điện thoại, không truy cập vào các đường link không rõ nguồn.
Đồng thời, ngân hàng khuyến cáo người dân nâng cao ý thức bảo mật thông tin khi sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Người dùng nên đặt mật khẩu mạnh, không chia sẻ cho ai và sử dụng OTP soft để tăng cường bảo mật. Cần thường xuyên cập nhật hệ điều hành và ứng dụng ngân hàng phiên bản mới nhất, đồng thời hạn chế thực hiện giao dịch ở nơi công cộng.
Ngoài ra, chú ý theo dõi lịch sử giao dịch và kiểm tra kỹ các đường link trước khi truy cập để đảm bảo an toàn. Khách hàng nên sử dụng các kênh giao dịch chính thức của ngân hàng như ứng dụng di động, website hoặc đến trực tiếp quầy giao dịch. Việc cập nhật thông tin về các thủ đoạn lừa đảo mới nhất cũng rất cần thiết để phòng tránh rủi ro hiệu quả.•
Ngành đường sắt không bán vé ghế phụ trên các đoàn tàu
Hiện trên mạng có nhiều trang website bán vé tàu hỏa không thuộc đường sắt Việt Nam quản lý. Để mua vé tàu đúng với giá quy định của đường sắt Việt Nam, người dân đặt mua vé tại:
- Các nhà ga hoặc đại lý bán vé tàu hỏa trên toàn quốc.
- Mua online tại website bán vé tàu của đường sắt: dsvn.vn; vetau.com.vn; vetauonline.vn.
- Các app VnPay, Momo, Zalopay, Napas, Payoo, ViettelPay, Shopeepay... và trên ứng dụng các ngân hàng.
- Gọi tổng đài bán vé và CSKH: 1900.1520 (ga Sài Gòn), 0258.3822113 (Nha Trang), 0236.3823810 (Đà Nẵng), 024.38220202 (Hà Nội),1900.0109 (ga Hà Nội).
Để phục vụ nhu cầu vận tải Tết Ất Tỵ 2025, ngành đường sắt đã đưa ra một số điều chỉnh mới nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của hành khách. Cụ thể, ngành đường sắt không bán vé ghế phụ trên các đoàn tàu, không chuyển đổi khoang giường nằm thành ghế ngồi mềm.
Ngoài ra, từ ngày 1-10, tính năng “Đặt vé giữ chỗ, trả tiền sau” đã tạm ngừng hoạt động. Thay vào đó, hành khách khi đặt vé trực tuyến thành công cần thanh toán ngay, thay vì được giữ vé trong 12 giờ như trước đây. Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ giúp việc đi lại dịp Tết trở nên thuận tiện và an toàn hơn.
Ông Nguyễn Văn Thiệu, chuyên viên phòng Kinh doanh
(Công ty CP Vận tải đường sắt)
Cần sử dụng MXH đúng cách
Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và tốc độ phổ cập công nghệ diễn ra nhanh chóng, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Các nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất thường là người lớn tuổi, học sinh - sinh viên và những người mới tham gia không gian trực tuyến, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng ngừa rủi ro.
Để bảo vệ an toàn khi tham gia không gian trực tuyến, người dùng nên tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản. Trước tiên, hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội, thời gian lý tưởng khoảng 1-2 giờ mỗi ngày, chỉ nên thực hiện mua sắm trực tuyến qua các tài khoản uy tín, đã được xác thực, hoặc trên website chính thức của nhãn hàng. Tuyệt đối không tiết lộ thông tin cá nhân quan trọng như số CCCD, địa chỉ nhà, hoặc số tài khoản ngân hàng trên các nền tảng trực tuyến.
Ngoài ra, cần thận trọng với các trò chơi trực tuyến, chương trình trả thưởng hoặc thông báo trúng thưởng, vì đây thường là những chiêu trò lừa đảo tinh vi. Nếu nhận được các cuộc gọi bất thường với nội dung đe dọa, mời gọi nhận thưởng, hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, hãy giữ bình tĩnh, không làm theo yêu cầu. Thay vào đó, nên chia sẻ với người thân và báo cáo sự việc lên cơ quan công an. Đồng thời, người dân cũng nên tránh tiếp nhận những cuộc gọi tương tự sau đó.
Một điểm đáng chú ý khác là xu hướng mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, trung tâm thương mại, hay chợ đang dần quay trở lại. Việc trải nghiệm sản phẩm trực tiếp không chỉ mang lại sự tin cậy mà còn tạo cảm giác an tâm hơn cho khách hàng. Đây là thói quen tích cực có thể sẽ ngày càng phổ biến.
Để hạn chế tình trạng lừa đảo trực tuyến, cần có sự phối hợp giữa người dân và cơ quan chức năng. Người dân cần tìm hiểu và tuân thủ các khuyến cáo, báo cáo những trường hợp khả nghi lừa đảo trực tuyến. Cơ quan chức năng cần tiếp tục phát triển các công cụ kỹ thuật phát hiện các nền tảng lừa đảo trực tuyến, đồng thời xử lý nghiêm những đường dây, trường hợp có hành vi lừa đảo.
Người dân cũng cần lưu ý nguyên tắc rằng: Không có hành động sai trái thì không bị quy kết vi phạm pháp luật, không tin vào các lời mời trả thưởng hậu hĩnh, ngắt kết nối sau khi nhận được những cuộc gọi khả nghi và bất thường là cách tốt nhất để không bị lừa đảo, thao túng tâm lý…
Ông Trần Nam, giảng viên Xã hội học truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.
THẢO HIỀN - TRẦN MINH