Tài khoản Facebook lừa đảo có tick xanh
Ban đầu, dấu tích xanh (tick xanh) – biểu tượng xác nhận tính "chính chủ" được cấp cho những tài khoản của người nổi tiếng, các thương hiệu lớn hay các tổ chức uy tín, nhằm tạo niềm tin cho người dùng. Tuy nhiên, từ tháng 3/2023, khi Meta ra mắt dịch vụ Meta Verified cho phép bất kỳ ai có thể mua tick xanh với mức phí khoảng 12 USD/tháng, dấu tick xanh dần mất đi ý nghĩa "bảo chứng" duy nhất của các tài khoản nổi tiếng.
Tại Việt Nam, nhiều dịch vụ đăng ký tick xanh "miễn phí" hoặc không yêu cầu xác minh thông tin đầy đủ đã bùng phát. Những kẻ lừa đảo lợi dụng niềm tin sẵn có của người dùng vào dấu tick xanh để tạo ra các fanpage giả mạo, mạo danh các cơ quan, tổ chức lớn như Bộ Tài chính, Cục An ninh, hay các thương hiệu nổi tiếng. Các trang Facebook giả mạo này thường sử dụng các mánh khóe để thay đổi tên, đổi danh tính quản trị viên hoặc thậm chí chuyển vùng quản lý sang các quốc gia khác nhằm che đậy nguồn gốc thật sự.
Những trang facebook có tick xanh nhưng là giả mạo, lập ra để lừa đảo.
Trường hợp điển hình mời đây, trang Thông tin Chính phủ cảnh báo người dân về việc xuất hiện fanpage giả mạo Bộ Tài chính có tên "Tiếp nhận Xử lý Thu hồi và Hoàn Trả Vốn Treo" có tick xanh sử dụng hình ảnh và thông tin của Bộ Tài chính, tự nhận là đại diện Bộ Tài chính "thu hồi tiền" cho các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng. Trang này yêu cầu người dân nhắn tin cung cấp thông tin cá nhân và chuyển một khoản tiền "lệ phí" hoặc "chi phí xử lý" để nhận lại số tiền đã bị mất. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, trang này không thực hiện bất kỳ thao tác hỗ trợ hay liên hệ giải quyết nào.
Bộ Tài chính khẳng định, trang facebook "Tiếp nhận Xử lý Thu hồi và Hoàn Trả Vốn Treo" (hoặc tương tự) giả mạo Bộ Tài chính.
Trước đó, fanpage mạo danh Cục An ninh - Bộ Công an cũng đã gây sốt dư luận. Dù trang này có dấu tick xanh và lượt theo dõi cao, nhưng khi kiểm tra thông tin minh bạch của trang, người dùng nhận thấy có nhiều bất thường như lịch sử đổi tên không rõ ràng, danh sách quản trị viên không có địa chỉ cụ thể tại Việt Nam mà lại đến từ nước ngoài. Những dấu hiệu này đã được Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đăng bài cảnh báo.
Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Tuấn Anh, mục đích của các trang giả mạo không chỉ dừng lại ở việc bán hàng kém chất lượng, hàng không đúng như mô tả mà còn bao gồm các chiêu lừa đảo như đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, hay thậm chí lừa đảo qua các ứng dụng chứng khoán.
Với sự phát triển của các công cụ tăng lượt tương tác ảo, nhiều trang Facebook giả mạo còn sử dụng các tài khoản được tạo tự động để "sáng tạo" sự tương tác, tạo ấn tượng rằng trang có lượng người theo dõi và phản hồi tích cực cao. Điều này càng làm cho những người dùng mới dễ dàng tin tưởng và trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo.
Chuyên gia cảnh báo, dấu tick xanh trên Facebook vốn là biểu tượng của sự uy tín, nhưng với những lỗ hổng hiện hành, nó không còn là bằng chứng duy nhất xác nhận tính chính chủ của một trang. Người dùng cần luôn tỉnh táo, kiểm tra kỹ các thông tin minh bạch, lượt tương tác và các liên kết ngoài trước khi quyết định giao dịch hay chia sẻ thông tin cá nhân. Việc chủ động tìm hiểu và nhận biết những dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp bạn tránh được nguy cơ trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi trên mạng xã hội.
Tài khoản facebook có tick xanh cũng không đáng tin
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ công ty NCS, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho rằng, quy định xác thực tài khoản mạng xã hội của người dùng bằng số điện thoại có ý nghĩa quan trọng vì như hiện nay, trên không gian mạng có rất nhiều đối tượng ẩn danh. Trong khi đó, hiện nay số điện thoại của người dùng đã được xác thực, liên kết với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại sẽ giúp cơ quan chức năng xác định rõ được ai là ai trên không gian mạng.
"Thậm chí trong một số vụ việc có thể giúp cơ quan chức năng điều tra, truy vết, đấu tranh, từ đó có thể thu hồi được dòng tiền cho các nạn nhân đã bị lừa đảo. Bên cạnh đó, khi tài khoản được gắn với thông tin xác thực, người dùng sẽ cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ và bình luận, vì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cộng đồng về những gì họ công bố trên mạng", ông Vũ Ngọc Sơn nói.
Việc có thể sở hữu dấu tick xanh xác minh tài khoản thông qua khoản trả phí hàng tháng đồng nghĩa với việc bất kỳ người dùng Facebook nào cũng có thể sở hữu dấu tick xanh xác minh tài khoản, thay vì chỉ những người nổi tiếng hoặc các thương hiệu lớn như trước đây.
Để kiểm tra mức độ tin cậy của một trang Facebook, người dùng có thể xem các thông tin về tính minh bạch của trang Facebook này. Để thực hiện điều này, bạn truy cập vào trang Facebook muốn kiểm tra thông tin, nhấn vào mục "Giới thiệu". Tại giao diện hiện ra, bạn nhấn vào mục "Tính minh bạch của trang" và nhấn nút "Xem tất cả".
Tại hộp thoại hiện ra, bạn sẽ thấy rõ thông tin chi tiết về trang Facebook, bao gồm ngày lập trang, những lần đổi tên trang và danh sách các quản trị viên của trang Facebook.
Nếu một trang Facebook mới được thành lập hoặc thường xuyên đổi tên trang, mà tên gọi không liên quan đến nhau, rất có thể đây là một trang Facebook được lập ra với mục đích lừa đảo.
Sở dĩ có điều này vì tin tặc có thể tấn công và chiếm đoạt một trang Facebook có lượng người theo dõi lớn, sau đó đổi tên trang và gắn dấu tick xanh để thực hiện hành vi lừa đảo. Ngoài ra, dựa vào thông tin quản trị viên của trang Facebook, bạn cũng có thể đoán được đó có phải là trang giả mạo hay không.
Nếu một trang Facebook thường cung cấp thông tin về Việt Nam hoặc mang tên một người nổi tiếng tại Việt Nam, nhưng lại có danh sách quản trị viên ở nước ngoài thì gần như chắc chắn đây cũng sẽ là trang Facebook giả mạo nhằm lừa người dùng truy cập vào các trang web có chứa mã độc.
Một điều người dùng cần kiểm tra kỹ đó là lượt tương tác với các bài viết trên trang Facebook. Nhiều người thường chủ quan khi thấy các bài đăng giới thiệu sản phẩm, chào bán dịch vụ… có lượt tương tác cao hoặc nhiều bình luận khen ngợi, hưởng ứng… nên tin tưởng vào nội dung của bài viết.
Tuy nhiên, các trang Facebook giả mạo thường sử dụng các công cụ để tăng lượt tương tác ảo, bao gồm số lượng người nhấn "Thích" hoặc các bình luận trên bài viết.
Để kiểm tra xem lượt tương tác trên trang Facebook có phải là giả hay không, bạn mở danh sách các tài khoản đã tương tác với bài viết và truy cập vào trang cá nhân của những tài khoản này. Bạn có thể dễ dàng nhận ra chủ yếu những tài khoản tương tác đều là tài khoản giả mạo, mới được lập hoặc hầu như không hoạt động trên Facebook.
Tô Hội