CẢNH BÁO MƯA LỚN
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia: Ngày hôm nay (27/7), khu vực từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to.
Lượng mưa tính từ 07h đến 15h ngày 27/7 có nơi trên 40mm như: trạm Kỳ Đồng (Hà Tĩnh) 50.8mm, trạm Khe Sanh (Quảng Trị) 42.8mm, trạm Phương Thịnh (Đồng Tháp) 42.2mm, trạm Giang Thành (Kiên Giang) 41.6mm,…
Dự báo: chiều và đêm 27/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa 15-40mm, cục bộ có nơi trên 70mm; khu vực cao nguyên Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 50mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
Tình hình mưa đã qua: Trong 02 giờ qua (từ 14 giờ đến 16 giờ ngày 27/07), khu vực các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang và Nghệ An đã có mưa vừa, mưa to như: Bình Phú 51,2mm (Tuyên Quang); Bồng Khê 29mm, Bảo Thắng 28,2mm (Nghệ An);...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Cảnh báo mưa trong thời gian tiếp theo: Trong 03-06 giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến như sau: Lào Cai từ 10-30mm, có nơi trên 60mm; Tuyên Quang và Nghệ An từ 20-40mm, có nơi trên 80mm.
Cảnh báo nguy cơ: Trong 06 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều xã/phường.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1.5.
Cảnh báo tác động của lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Mưa lũ ở Sơn La làm 2 người chết, 4 người mất tích và thiệt hại nặng về cơ sở hạ tầng
Từ ngày 26 đến sáng 27/7, do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Bắc Bộ, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xảy ra mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La, tính đến 17 giờ ngày 27/7, mưa lũ đã làm 2 người chết là ông Lò Văn È (xã Chiềng Sơ) và bà Lý Thị Cha (xã Mường Lầm);
4 người mất tích do lũ ống, lũ quét cuốn trôi là ông Lò Văn Nọi, ông Cà Văn Mái, anh Lò Văn Thịnh (đều ở xã Chiềng Sơ) và ông Vàng Chứ Pó (xã Mường Lầm).
Mưa lũ cũng đã gây thiệt 2 nhà ở xã Mường Lầm bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn và 27 nhà ở các xã Bó Sinh, Nậm Ty phải di dời khẩn cấp; trên 110 ha lúa gieo trồng sau 10 ngày ở các xã Nậm Ty, Bó Sinh, Mường Lầm, Chiềng La, Mường Khiêng bị ngập và vùi lấp...
Ngoài ra, mưa lũ đã làm 60 trạm biến áp mất điện và trên 5.560 khách hàng mất điện; 5 cầu treo tại xã Mường Lầm bị thiệt hại; 2 điểm sạt lở tại tuyến đường xã Mường Lầm - xã Đứa Mòn; sạt tyến đường Quốc lộ 102 xã Bó Sinh; trên địa bàn xã Huổi Một và xã Sốp Cộp từ Km95 - km113 Quốc lộ 4G bị sạt lở trên toàn tuyến...
Trước tình hình thiên tai, ngày 27/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã triển khai các Đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ban, ngành xuống xã trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục thiệt hại do mưa lũ; đồng thời, thăm hỏi động viên các gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các xã với phương châm 4 tại chỗ phân công các thành viên trong Ban Chỉ huy xã trực tiếp đến hiện trường những địa bàn xảy ra thiên tai để chỉ đạo tìm kiếm người mất tích, sơ tán dân, di dời bảo vệ các công trình, bố trí tạm thời nơi ở an toàn cho nhân dân; chỉ đạo triển khai khắc phục thiệt hại, nhất là việc thăm hỏi thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các gia đình có người bị nạn; sửa chữa nhà bị hư hỏng; xử lý thông tuyến các điểm giao thông bị ách tắc; dọn dẹp vệ sinh môi trường; rà soát, thống kê thiệt hại; ổn định đời sống, sản xuất của người dân.
Nghệ An bác thông tin đập hồ Thủy điện Bản Vẽ bị vỡ
Theo TTXVN, liên quan đến thông tin Đập hồ Thủy điện Bản Vẽ ( miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An) bị vỡ, chiều ngày 27/7, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã chính thức bác bỏ thông tin này; đồng thời khẳng định đây là thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.
Trước đó, chiều ngày 27/7, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về việc hồ thủy điện Bản Vẽ bị vỡ. Thông tin này nhanh chóng lan truyền, khiến dư luận hoang. Một số người dân ở dưới hạ lưu sông Lam lo lắng, chạy lên đồi Khe Chi để phòng tránh lũ dâng.
Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An khẳng định thông tin đập Thủy điện Bản Vẽ bị vỡ là sai lệch, không đúng sự thật.
Đồng thời ông Thành cũng cung cấp một số ảnh trực tiếp về Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, các hạng mục đập, lòng hồ và việc vận hành ở nhà máy Thủy điện này hoạt động diễn ra trong ngày bình thường.
Cơ quan chức năng cũng yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật truy tìm người đã tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận để xử lý nghiêm minh.
Thủy điện Bản Vẽ, công suất thiết kế 320MW, là thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ nằm trên địa bàn xã Yên Na. Hồ thủy điện Bản Vẽ có chiều dài đập theo đỉnh 509m, chiều cao đập lớn nhất 137m, mực nước bình thường 200m, dung tích hồ chứa 1,8 tỷ m3, diện tích lưu vực hồ chứa 8.700 km2.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất tại Sơn La; chủ động ứng phó mưa lũ thời gian tới
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 123/CĐ-TTg ngày 27/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất tại tỉnh Sơn La và chủ động ứng phó mưa lũ trong thời gian tới.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh); Tổng Giám đốc: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.
Công điện nêu: Theo tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (từ báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La), đêm ngày 26, rạng sáng ngày 27 tháng 7 năm 2025 trên địa bàn các xã Sông Mã, Sốp Cộp, Huổi Một, Chiềng Sơ đã xảy ra mưa lớn, gây lũ quét, sạt lở đất làm ít nhất 02 người chết, 04 người mất tích.
Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và các cơ quan chức năng của địa phương đã khẩn trương triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị tử vong, mất tích, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của Nhân dân vùng bị thiên tai.
Để tập trung khắc phục nhanh hậu quả lũ quét, sạt lở đất tại tỉnh Sơn La, đồng thời chủ động ứng phó với mưa lũ trong thời gian tới, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tập trung chỉ đạo, hỗ trợ Nhân dân khắc phục nhanh hậu quả lũ quét, sạt lở đất nêu trên, đồng thời chủ động triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở có thể tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.
Huy động lực lượng tập trung tìm kiếm những người còn mất tích
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La trực tiếp chỉ đạo, huy động lực lượng tập trung tìm kiếm những người còn mất tích (trong đó đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn); cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị tử vong, mất tích theo quy định; hỗ trợ gia đình lo hậu sự chu đáo cho những người bị tử vong theo phong tục của địa phương; huy động lực lượng, vật tư, phương tiện khắc phục nhanh các tuyến đường bị sạt lở, bảo đảm an toàn giao thông; bằng mọi biện pháp phải tiếp cận cho được các khu vực bị lũ quét, sạt lở, kịp thời hỗ trợ người dân, kiên quyết không để người dân thiếu đói.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, nhất là các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An,… chỉ đạo chính quyền cấp xã, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở và cơ quan chức năng chủ động rà soát, kiểm tra, phát hiện sớm những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, đặc biệt là khi xảy ra mưa lớn.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng quân đội, công an đóng trên địa bàn chủ động phối hợp với các lực lượng tại chỗ của tỉnh Sơn La tiếp tục tập trung tìm kiếm những người còn mất tích, hỗ trợ Nhân dân khắc phục nhanh hậu quả lũ quét, sạt lở đất.
Đồng thời chỉ đạo huy động các phương tiện, thiết bị cần thiết (kể cả thiết bị bay không người lái) hỗ trợ địa phương rà soát, phát hiện sớm các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để kịp thời cảnh báo, sơ tán người dân.
Kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức theo dõi, dự báo, thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, thiên tai, nhất là mưa lớn, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng và người dân biết chủ động phòng, tránh.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát, cập nhật phương án và chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời, bảo đảm an toàn tính mạng cho Nhân dân.
Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, đôn đốc triển khai công tác phòng, chống thiên tai thuộc lĩnh vực quản lý, kịp thời khôi phục công trình hạ tầng bị hư hỏng do thiên tai, nhất là các công trình bảo đảm giao thông, điện, nước, sóng viễn thông, y tế, giáo dục.
Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia theo dõi sát tình hình, chủ động phối hợp, điều phối, hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La khẩn trương triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tổng Giám đốc: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam chỉ đạo tăng cường truyền thông, cung cấp kịp thời, chính xác thông tin về tình hình thiên tai, công tác chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng để Nhân dân biết, chủ động ứng phó hạn chế thiệt hại; đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn cho người dân kỹ năng nhận biết nguy cơ xảy ra thiên tai và ứng phó với thiên tai, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.
Chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất
Ngày 25/7/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm ký ban hành công văn số 12083/UBND-NNMT về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Thực hiện Công văn số 4751/BNNMT-ĐĐ ngày 24/7/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; để chủ động ứng phó với thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các xã, phường, Giám đốc các Công ty: Khai thác công trình thủy lợi, Điện lực Thanh Hóa và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương chi đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 23/7/2025 về việc tập trung khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ; theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và thông tin kịp thời, đầy đủ cho người dân để chủ động phòng tránh.
2. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy những nơi bị tắc, nghẽn và tổ chức di dời/sơ tán người dân đến nơi an toàn, nhất là các khu vực đã xảy ra mưa lớn.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoạc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua nếu không bảo đảm an toàn;
Không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
4. Kiểm tra, rà soát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình xung yếu, các công trình đang thi công dở dang; nhất là các vị trí đê điều đã bị sự cố, hồ chứa nhỏ đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết hồ chứa và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
5. Chủ động triển khai các phương án tiêu nước, chống ngập bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư.
6. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
7. Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường thời lượng đưa tin, bài về diễn biến của mưa lớn đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh.
8. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Chủ động ứng phó với mưa lớn
Tối 24/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành văn bản số 4751/BNNMT-ĐĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Theo đó, trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và một số tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn, lũ, ngập lụt.
Dự báo từ tối 24/7 đến đêm 25/7, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, khu đô thị, khu công nghiệp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên khẩn trương huy động nguồn lực khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua;
Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và thông tin kịp thời, đầy đủ cho các cấp chính quyền cơ sở và người dân để chủ động phòng tránh;
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy những nơi bị tắc, nghẽn; tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn, nhất là những khu vực đã xảy ra mưa lớn những ngày vừa qua.
Các tỉnh, thành phố tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở;
Kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua nếu không bảo đảm an toàn, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan;
Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; iểm tra, rà soát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình xung yếu, các công trình đang thi công, nhất là các vị trí đê điều đã bị sự cố, hồ chứa nhỏ đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết hồ chứa và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Các địa phương chủ động biện pháp tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu;
Chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương tăng cường thông tin về diễn biến của mưa lớn đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh.
Đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Bộ Công an chỉ đạo chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất
Ngày 23/7/2025, Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA có Công điện số 09/CĐ-BCĐ gửi Công an các đơn vị, địa phương về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất
Công điện gửi: Thủ trưởng các đơn vị: Cục An ninh kinh tế; Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Kế hoạch và tài chính; Cục Quản lý xây dựng và doanh trại; Cục Trang bị và kho vận; Cục Viễn thông và cơ yếu; Cục Công nghệ thông tin; Cục Y tế; Cục Truyền thông Công an nhân dân;
Ban Chỉ huy ƯPT Công an các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Dự báo: Từ ngày 24/7 đến ngày 25/7, ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến 60-120mm, cục bộ có nơi trên 200mm, cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn (>90mm/3h).
Thực hiện nghiêm Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 22/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với mưa lũ trên lưu vực sông Cả; để chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, an toàn công trình đê điều, hồ đập thủy lợi, Ban chỉ đạo ƯPT/BCA yêu cầu Ban chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện ngay một số nhiệm vụ sau:
1. Tập trung: (1) Thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả các Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an về triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và mưa, lũ sau bão;
(2) Bám sát, kỹ, chủ động nắm chắc tình hình về diễn biến của mưa lớn; (3) Chủ động tất cả kế hoạch, phương án bảo đảm tốt công tác an ninh, trật tự tại cơ sở để kịp thời ứng phó, không để bị động, bất ngờ;
(4) Cần tổ chức dày dặn, phong phú công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân về tình hình, diễn biến, kỹ năng ứng phó với các tình huống sự cố, thiên tai, cứu nạn, cứu hộ nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra; phản ánh chân thực hình ảnh, hoạt động công tác bảo đảm an ninh trật tự, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai của lực lượng Công an nhân dân;
(5) Bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ và an toàn về các lực lượng, trụ sở, cơ sở giam giữ, tài liệu, trang thiết bị làm việc của lực lượng Công an nhân dân.
2. Lập sơ đồ tác chiến, ứng phó các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố công trình, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu tổ chức bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư trang thiết bị sẵn sàng hỗ trợ địa phương và Nhân dân ứng phó mưa lũ, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu; hướng dẫn, phân luồng, cắm biển cảnh báo, phối hợp khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, cấm cứng người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; phối hợp triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình có dự án trọng điểm, quan trọng liên quan an ninh quốc gia, an toàn của người dân khi xả lũ đối với vùng hạ lưu.
3. Ban chỉ huy ƯPT Công an tỉnh Nghệ An: (1)Triển khai ngay lực lượng, phương tiện phối hợp thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ kéo dài, phòng chống hộ đê, xử lý các sự cố “ngay từ giờ đầu”, không để bị động, bất ngờ, nhất là đập thủy điện Bản Vẽ;
(2) Tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), rà soát, kiểm tra các khu vực nguy hiểm, mất an toàn để có phương án sơ tán, di dời, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tính mạng cho người dân, kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân);
(3) Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và Nhà nước, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm lợi dụng thiên tai để hoạt động tại các khu vực sơ tán dân cư đi và đến.
4. Các đơn vị chức năng của Bộ (K02, C07, C08, C10, H01, H02, H03, H04, H05, H06) sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, cơ số thuốc men, y tế, kinh phí để kịp thời chi viện cho các địa phương trong trường hợp cần thiết; có phương án bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành trong ứng phó với thiên tai, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, triển khai các phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, dịch tễ, phòng, chống dịch bệnh, tai nạn thương tích trong và sau thiên tai.
5. Tổ chức nghiêm công tác thường trực, ứng trực, dự bị sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai; thực hiện nghiêm chế độ trực ban, kịp thời thông tin, báo cáo về Ban Chỉ đạo theo quy định (qua Văn phòng Bộ, SĐT: 069.2299150, 0782401006 hoặc 0979087633).
Bão số 4 không có khả năng quay trở lại Biển Đông
Tối 23/7, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão (COMAY), trở thành cơn bão số 04 trên Biển Đông.
Sáng sớm 25/7 bão số 4 đã đổ bộ vào khu vực phía Tây đảo Lu Dông (Phi líp pin).
Hồi 13 giờ ngày 25/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 121,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc đảo Lu Dông (Phi líp pin).
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11; di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc với tốc độ khoảng 20-25 km/h.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 4 tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Bắc và không có khả năng quay trở lại Biển Đông.
Mô tả cấp gió bão và mức độ ảnh hưởng
Ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Công diện số 4711/CĐ- BNNMT ngày 23/7/2025 gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk; Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Công Thương, Ngoại giao, Khoa học và Công nghệvề việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk:
Theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến áp thấp nhiệt đới; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Vùng nguy hiểm trong 12 giờ tới: Từ 16,0-19,5 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 116,5 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai)./.