Cảnh báo ngộ độc khi tự chế biến thảo dược chứa độc tố

Cảnh báo ngộ độc khi tự chế biến thảo dược chứa độc tố
8 giờ trướcBài gốc
Bệnh nhân là một phụ nữ 50 tuổi, trú tại xã Vân Bán, nhập viện cách đây ít hôm trong tình trạng mệt lả, buồn nôn, nôn nhiều, tê lưỡi và tê bì tay chân. Theo người nhà, trước đó khoảng một giờ, bệnh nhân ăn cháo tự nấu có cho thêm hai củ ấu tẩu với mục đích “bổ gân cốt”. Sau khi ăn, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng lạ và nhanh chóng được đưa đến cơ sở y tế.
Kết quả điện tâm đồ ghi nhận bệnh nhân có rối loạn nhịp tim do ngoại tâm thu nhĩ – một biến chứng thường gặp trong các trường hợp ngộ độc Aconitin, độc tố chính có trong củ ấu tẩu. Các bác sĩ đã lập tức truyền dịch, rửa dạ dày, sử dụng thuốc chống loạn nhịp tim và theo dõi sát các chỉ số sinh tồn. Nhờ được xử trí kịp thời, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và dần hồi phục sức khỏe trong ngày.
Theo BS Nguyễn Huy Long – Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực và Thận nhân tạo (Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê), ấu tẩu (còn gọi là ô đầu, phụ tử) là vị thuốc thường được sử dụng trong y học cổ truyền, nhưng có độc tính rất cao nếu không được chế biến đúng cách.
“Hoạt chất Aconitin có trong củ ấu tẩu tác động trực tiếp lên hệ thần kinh và tim mạch. Chỉ cần một lượng nhỏ chưa qua chế biến cũng có thể gây rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, liệt cơ và thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời” – BS Long nhấn mạnh.
Thực tế, nhiều người dân vẫn quan niệm sai lầm rằng “củ ấu tẩu ngâm rượu bổ xương khớp”, “ăn cháo ấu tẩu để khỏe gân cốt”… mà không biết rằng, chỉ một sai sót nhỏ trong chế biến – như không luộc kỹ, không khử độc, hoặc dùng sai liều lượng – cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
BS Long khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên tự ý chế biến hoặc sử dụng củ ấu tẩu nếu không hiểu rõ cách loại bỏ độc tố. Việc ăn hoặc uống trực tiếp các chế phẩm có chứa ấu tẩu, đặc biệt là rượu ngâm, có thể gây ngộ độc cấp tính với nguy cơ tử vong rất cao. Với những sản phẩm như rượu ấu tẩu dùng để xoa bóp ngoài da, cần được dán nhãn cảnh báo rõ ràng, bảo quản ở nơi an toàn và tuyệt đối để xa tầm tay trẻ em nhằm tránh nhầm lẫn khi sử dụng.
Từ trường hợp bệnh nhân nữ ở Phú Thọ, các bác sĩ nhấn mạnh: ấu tẩu là “con dao hai lưỡi” trong y học cổ truyền. Dù có giá trị nhất định về mặt dược lý, nhưng chỉ nên được sử dụng dưới sự hướng dẫn và giám sát của người có chuyên môn. Mọi hành vi tự ý dùng thảo dược, đặc biệt là những loại có độc tính cao, đều tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe – thậm chí đe dọa tính mạng.
Dương Toàn
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/canh-bao-ngo-doc-khi-tu-che-bien-thao-duoc-chua-doc-to-10309812.html