Cảnh báo nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở miền Trung

Cảnh báo nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở miền Trung
4 giờ trướcBài gốc
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 16 giờ ngày 19/9, bão số 4 suy yếu thành ATNĐ trên đất liền khu vực tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 10. Dự báo trong những giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15-20km/h. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, ATNĐ trên khu vực đất liền Trung Lào, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 6, giật cấp 8. Đến 10 giờ ngày 20/9, ATNĐ tiếp tục suy yếu và tan dần trên đất liền.
Mặc dù đã suy yếu, nhưng bão số 4 vẫn gây ra một đợt mưa rất lớn cho đất liền khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Trong ngày 19/9, ở khu vực Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã có mưa to, có nơi mưa rất to: Tà Long (Quảng Trị) 292mm; Mai Hóa (Quảng Trị) 204mm; Hòa Thanh (Quảng Bình) 195mm...
Mưa lớn gây sạt lở đất đá xuống nhà dân tại xã Trà Vân
Cơ quan khí tượng cảnh báo, trong 3-6 giờ tới, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến ở Thanh Hóa, Nghệ An, phía bắc Thừa Thiên - Huế từ 30-60mm, có nơi trên 100mm; Hà Tĩnh đến Quảng Trị mưa phổ biến 50-120mm, có nơi trên 150mm; Kon Tum lượng mưa 10-40mm, có nơi trên 50mm. Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Cơ quan khí tượng cảnh báo, các địa phương tiếp tục bám sát thông tin dự báo về lũ, bản đồ nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Trong những giờ tới tiếp theo, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại hơn 70 quận/huyện/thị xã thuộc 10 tỉnh, thành phố ở miền Trung. Lúc 16 giờ ngày 19/9, trang luquetsatlo.nchmf.gov.vn của cơ quan khí tượng cảnh báo có 350 xã, phường ở 10 tỉnh, TP miền Trung, Tây Nguyên nguy cơ sạt lở đất. Cấp độ rủi ro thiên tai do sạt lở đất, lũ quét ở Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế là cấp hai trên thang ba cấp, các tỉnh còn lại ở cấp một.
Cụ thể, tại Thanh Hóa gồm các huyện: Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân. Tỉnh Nghệ An gồm các huyện: Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Tương Dương. Tỉnh Hà Tĩnh gồm: Cẩm Xuyên, Can Lộc, Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Nghi Xuân, Thạch Hà, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh, Vũ Quang. Tỉnh Quảng Bình gồm: Bố Trạch, Lệ Thủy, Minh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hóa. Tại TP.Đà Nẵng nguy cơ sạt lở, lũ quét ở mức rất cao tại Hòa Vang, Liên Chiểu, Sơn Trà; tỉnh Thừa Thiên - Huế có các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, TP Huế, Hương Thủy, Hương Trà. Tỉnh Quảng Trị có Cam Lộ, Đa Krông, Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa, Triệu Phong, Vĩnh Linh. Tỉnh Quảng Nam là Bắc Trà My, Đại Lộc, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Nông Sơn, Núi Thành, Phú Ninh, Phước Sơn, Quế Sơn, Tây Giang, Thăng Bình, Tiên Phước. Tỉnh Quảng Ngãi có các huyện Ba Tơ, Bình Sơn, Mộ Đức, Sơn Hà, Sơn Tây, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Tư Nghĩa, Đức Phổ; Tỉnh Kon Tum có Đắk Glei, Đắk Hà, Đắl Tô, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông cũng đối diện nguy cơ sạt lở đất.
Đường đi tại huyện Nam Trà My bị sạt lở
Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông suối khu vực miền núi, lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh có sức tàn phá lớn, thường đi kèm sạt lở đất đá. Tại cuộc họp ứng phó bão số 4, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng như Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) nhấn mạnh, rút kinh nghiệm từ bão Yagi, các tỉnh cần rà soát tất cả điểm có nguy cơ sạt lở, thông báo nhanh nhất đến từng hộ dân khi xuất hiện tình huống báo động và chuẩn bị nơi an toàn để người dân di chuyển đến.
Tại Quảng Nam, trong ngày 18/9 trên địa bàn huyện mưa lớn, nước sông dâng cao chảy xiết và xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Ngay trong đêm 18/9 và ngày 19/9, UBND huyện đã chỉ đạo các xã tiến hành sơ tán khẩn cấp 51 hộ dân với 164 nhân khẩu ở các điểm dân cư có nguy cơ sạt lở cao về nơi trú ẩn an toàn. Cụ thể, xã Trà Mai đã sơ tán 8 hộ với hơn 20 nhân khẩu khu dân cư Tăk Ven về trú ẩn tại khu trung tâm lễ hội sâm Ngọc Linh. Một số hộ dân dọc đường ĐH10 khu trung tâm hành chính Tắc Pỏ được sơ tán về Trường PTDT bán trú - THCS Trà Mai. Tại xã Trà Leng đã di dời 3 hộ/10 nhân khẩu ngay trong đêm 18/9. Tại xã Trà Nam, tính đến 21 giờ ngày 18/9, đã có 13 hộ/35 nhân khẩu được sơ tán đến nơi an toàn, phần lớn trong số này là người già và trẻ em. Ông Đoàn Ngọc Hoài - Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: Toàn xã có khoảng 9 điểm nguy cơ cao, với khoảng 194 hộ/gần 800 nhân khẩu cần được sơ tán, mỗi điểm đều cử lực lượng túc trực, nắm bắt tình hình. Dự báo đêm 19/9 và những ngày tiếp theo tiếp tục có mưa lớn, do đó chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, khi cần thiết sẽ tiến hành sơ tán dân kịp thời trong đêm.
Các hộ dân ở xã Trà Nam được di dời khẩn cấp trong đêm để bảo đảm an toàn
Còn tại các xã Trà Vân, Trà Dơn, Trà Don cũng tiến hành sơ tán nhiều hộ dân ngay trong đêm 18/9 để đảm bảo an toàn tính mạng. Mưa lớn cũng đã gây sạt lở điểm trường Răng Chuỗi thôn 1 xã Trà Tập, khu dân cư Măng Xoan - Tu Chân thuộc thôn 4 xã Trà Cang; sạt lở taluy âm tuyến đường DH3 xã Trà Cang, ĐH1 từ Trà Dơn đi Trà Leng, tuyến đường từ Trà Mai đi Trà Vân - Trà Vinh... Tại xã Trà Cang, ngày 19/9, lực lượng chức năng đã tổ chức sơ tán 19 hộ dân/93 nhân khẩu đến đến nơi ở tạm, xen ghép tại các hộ khác trong khu vực thôn 5, đồng thời di đời nhà cửa các hộ dân đến nơi khác để hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản cho người dân.
Hiện tại UBND huyện Nam Trà My đã chỉ đạo cơ quan chức năng bảo đảm lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ di dời khẩn cấp, đồng thời yêu cầu các xã tiếp tục kiểm tra bám sát tình hình thực tế và sẵn sàng triển khai di dời các hộ dân đến nơi an toàn nếu thấy nguy cơ sạt lở. Cùng với đó địa phương cũng đề nghị các doanh nghiệp đưa phương tiện máy móc giải phóng các điểm sạt lở giao thông nhằm bảo đảm cho việc đi lại thuận tiện.
NHÓM PV
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/doi-song/canh-bao-nguy-co-lu-quet-va-sat-lo-dat-o-mien-trung_167535.html