Cảnh báo nguy cơ tử vong do ăn nấm lạ

Cảnh báo nguy cơ tử vong do ăn nấm lạ
2 ngày trướcBài gốc
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều ca ngộ độc nấm. Điển hình là trường hợp nữ bệnh nhân 57 tuổi, trú tại huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn vào rừng hái được một nắm nấm màu trắng, sau đó mang về nấu canh ăn một mình. Sáng hôm sau thì bị đau bụng, tiêu chảy nhiều lần. Gia đình đưa chị vào Bệnh viện huyện Ngân Sơn điều trị, được chẩn đoán ngộ độc nấm và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Theo lời kể của bệnh nhân, loại nấm chị hái có hình dáng giống chiếc ô, dài như ngón tay, đầu nấm hơi tròn. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị viêm gan rất nặng, suy gan cấp, được điều trị bằng thuốc giải độc và thay huyết tương.
Nấm độc bệnh nhân hái trong rừng về ăn.
Ngộ độc nặng hơn là nam bệnh nhân 37 tuổi, trú tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang khi chỉ trong thời gian ngắn sau khi ăn nấm lạ đã bị vàng da, vàng mắt. Trước đó, bệnh nhân cùng 3 người khác đi phát cây ở trong rừng, thấy nấm nên hái về nấu súp ăn tối. Sáng hôm sau, anh này cùng hai người khác bị đau bụng, hoa mắt chóng mặt, nôn và tiêu chảy. Cả 3 được đưa vào bệnh viện cấp cứu, hai người kia nhẹ hơn đã được xuất viện, riêng bệnh nhân nặng hơn được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Theo các bác sĩ, khi vào nhập viện, bệnh nhân có dấu hiệu của tình trạng tiền hôn mê gan, nói lẫn lộn. Kết quả xét nghiệm gan bị tổn thương rất nặng, suy gan nặng, suy thận. Các bác sĩ phải lọc máu, thay huyết tương, điều trị cấp cứu hồi sức nhiều ngày mới cứu được tính mạng. Sau khi thoát chết, nam bệnh nhân cho biết, anh có thói quen hái các loại nấm về ăn nhưng chưa bao giờ gặp phải tình trạng ngộ độc. Lần này, nam bệnh nhân hái loại nấm màu trắng mọc dưới đất, giống chiếc ô, cao khoảng 15-20cm, chân nấm to bằng ngón tay về ăn thì gặp tình trạng ngộ độc.
Theo các bác sĩ Trung tâm chống độc, không may mắn như hai bệnh nhân trên, trước đó, vào ngày 6/3, Trung tâm tiếp nhận hai vợ chồng ở Thanh Hóa bị ngộ độc do ăn nấm hái trên rừng. Tuy nhiên, hai bệnh nhân này đã không thể qua khỏi do suy đa tạng nặng.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đã có rất nhiều cảnh báo về tình trạng ngộ độc nấm do người dân ăn phải nấm độc tự hái trong rừng, quanh nhà, nhưng vẫn còn nhiều người chưa biết, hoặc chưa ý thức được sự nguy hiểm này.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), so với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Trên thế giới hiện nay có trên 10.000 loài nấm đã được xác định danh tính, trong đó có hàng trăm loài nấm độc. Những loại nấm có đủ mũ, phiến, cuống, vòng và bao gốc hầu hết là nấm độc. Một số loài có thể có hàm lượng độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng, trong môi trường đất đai, thổ nhưỡng khác nhau. Vì vậy, có thể gặp trường hợp ăn cùng một loại nấm nhưng có lúc bị ngộ độc, có lúc không. Đối với nấm có họ hàng gần nhau thường khó phân biệt theo hình dạng, màu sắc bên ngoài, ngay cả đối với các nhà chuyên môn.
Giám đốc Trung tâm chống độc cảnh báo, tính nguy hiểm của các nấm gây ngộ độc muộn là trông hấp dẫn, khi phát hiện ra thì chất độc đã hấp thụ hết vào cơ thể, ngộ độc gan rất nặng, ồ ạt, thậm chí ở nhiều cơ quan khác. Tỷ lệ tử vong tới 50% kể cả khi áp dụng các biện pháp cấp cứu, hồi sức, giải độc tích cực.
Để phòng tránh ngộ độc nấm, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo người dân không hái các nấm mọc hoang dại về ăn, có lẽ chỉ trừ mộc nhĩ. Các cơ quan chức năng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức và các cá nhân cần tăng cường tuyên truyền, chia sẻ về các thông tin an toàn đến với người dân, tránh để xảy ra các trường hợp ngộ độc và tử vong đáng tiếc.
Trần Hằng
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/xa-hoi/canh-bao-nguy-co-tu-vong-do-an-nam-la-i765057/