Cảnh báo 'nóng' của Liên minh châu Âu về nông sản xuất khẩu

Cảnh báo 'nóng' của Liên minh châu Âu về nông sản xuất khẩu
2 ngày trướcBài gốc
Gian hàng trưng bày nông sản xuất khẩu tại Triển lãm quốc tế về Công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa quả Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 3-2025. Ảnh:B.Nguyên
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào EU tăng nhanh, nếu không kịp làm tốt từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, nông sản sẽ gặp khó khăn. Bởi vì, EU ngày càng siết chặt về chất lượng và chính sách có nhiều thay đổi.
Yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn
Thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 4 năm gần đây, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU tăng chưa tới 50%, nhưng số cảnh báo tăng gần 300%. Cụ thể năm 2020, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào EU đạt hơn 2,9 tỷ USD và tăng lên hơn 4,2 tỷ USD vào năm 2024. Số trường hợp nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị cảnh báo tăng nhanh. Năm 2020, bị 40 cảnh báo trong các lĩnh vực thực vật, thủy sản và chăn nuôi; năm 2023 tăng lên 67 cảnh báo và năm 2024 là 114 cảnh báo. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2025, Việt Nam tiếp tục bị 16 cảnh báo.
Các cảnh báo chủ yếu là dư lượng hóa chất thuốc bảo vệ thực, ô nhiễm vi sinh vật và độc tố vi nấm, dư lượng kim loại nặng. Cảnh báo trong lĩnh vực thủy sản là dư lượng kháng sinh trong sản phẩm. Ngoài ra, còn một số cảnh báo khác liên quan đến chất phụ gia thực phẩm, chất gây ô nhiễm môi trường…
Theo ông Nguyễn Văn Mười, Phó tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các chuỗi cung ứng, các vùng nguyên liệu cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, vận chuyển nông sản xuất khẩu nhằm đảm bảo các quy định về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận xét xu hướng của các nước là tăng các biện pháp kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với nông sản, thực phẩm, thủy sản. Theo đó, các nông sản xuất khẩu vào EU phải đảm bảo an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc và các sản phẩm phải được khai thác hợp lý. Ví dụ, vào cuối năm 2017, Ủy ban châu Âu rút “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này với lý do những nỗ lực của Việt Nam vẫn chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp. EU đang áp dụng hàng loạt các giải pháp để giảm khí thải carbon và ưu tiên các sản phẩm xanh.
Phải thay đổi từ gốc sản xuất
Để nông sản đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào EU, có hàng loạt vấn đề cần khắc phục từ khâu sản xuất an toàn đến đóng gói, sơ chế, chế biến... đều phải tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt.
Với lĩnh vực thực vật, cảnh báo của EU về dư lượng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 56,7% trên tổng số cảnh báo). Nguyên nhân chính là trong canh tác cây trồng tại Việt Nam còn lạm dụng việc sử dụng phân bón, thuốc hóa học, nhất là sử dụng không theo quy trình và không đúng quy định. Ông Nguyễn Văn Mười, Phó tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dẫn chứng: “Với cây sầu riêng trong giai đoạn làm trái, nhà cung cấp phân bón khuyến cáo nông dân chỉ sử dụng 2kg lân/cây sầu riêng nhưng khi tôi về nhà vườn hỏi nông dân thì biết họ thường sử dựng từ 5-6kg/cây. Tình trạng này cũng khá phổ biến khi họ sử dụng các loại phân, thuốc hóa học khác. Chính vì vậy, khi kiểm tra nông sản thường bị vi phạm về dư lượng. Một thực trạng trong ngành thủy sản là lạm dụng kháng sinh, tự ý sử dụng không đúng loại kháng sinh hoặc sử dụng không đúng liều lượng và thiếu hiểu biết về vi khuẩn gây hại trong quá trình nuôi trồng. Ngoài ra, môi trường nuôi còn bị ô nhiễm bởi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…”.
Hợp tác xã Rau Tân Yên (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) đi tiên phong xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất an toàn đạt chuẩn VietGAP. Nhiều năm liền, hợp tác xã xuất khẩu các loại rau, trái với sản lượng lớn. Giám đốc Hợp tác xã Rau Tân Yên An Tú Anh chia sẻ, thực trạng hiện nay, nhiều loại rau, trái đang bán với “giá rẻ như cho” vì nguồn cung lớn hơn nhu cầu tiêu thụ. Trong khi đó, đơn vị xuất khẩu rất khó khăn tìm được nguồn hàng với sản lượng lớn, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu. Vì hiện nay, không chỉ những thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ mới đặt tiêu chuẩn cao về nông sản mà các thị trường vốn dễ tính cũng đặt ra hàng rào kỹ thuật khắt khe hơn. Hợp tác xã phải lặn lội đi nhiều tỉnh, thành để tìm vùng nguyên liệu an toàn nhưng khi đưa mẫu đi kiểm tra đều không đạt tiêu chuẩn. Khó nhất không chỉ là bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật mà rủi ro nông sản bị nhiễm thuốc diệt cỏ rất lớn vì qua quá trình sử dụng tràn lan và lâu dài, nguồn đất, nguồn nước cũng bị ô nhiễm hóa chất này.
Tiến sĩ Đoàn Hữu Tiến, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao thiết bị kỹ thuật (Viện Cây ăn quả miền Nam), so sánh diện tích các loại cây ăn trái, nhất là các cây ăn trái xuất khẩu, đang tăng rất nhanh. Tuy trái cây Việt Nam đã xuất khẩu đi hàng chục nước, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: Nhật Bản, EU, nhưng đến nay, xuất khẩu trái chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc. Đặc biệt hiện nay, nhiều thị trường khó tính đang siết chặt về hàng rào kỹ thuật với nhiều thay đổi về chính sách với nông sản nhập khẩu. Nhiều tồn tại ở khâu sản xuất khiến trái cây Việt Nam khó đáp ứng được những thị trường xuất khẩu khó tính như: việc áp dụng quy trình kỹ thuật không đồng bộ, chất lượng trái không đồng đều, khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trái cây. Diện tích cây ăn trái đạt chứng nhận GAP và được cấp mã số vùng trồng còn khiêm tốn. Nhiều nông dân thực hiện rất tốt quy trình sản xuất an toàn khi làm chứng nhận nhưng khi có rồi thì lại lơ là, không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình này. Đây cũng chính là nguyên nhân xảy ra hiện tượng chất lượng sản phẩm không đảm bảo. Điều quan trọng nhất với người sản xuất là phải trung thực, phải tuân thủ nghiêm ngặt về quy trình sản xuất, phải có nhật ký canh tác. Ở đây, cần sự minh bạch về quy trình sản xuất với người tiêu dùng.
Bình Nguyên
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202503/canh-bao-nong-cua-lien-minh-chau-au-ve-nong-san-xuat-khau-3e24841/