Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu thảo luận tại Phiên họp. Ảnh: VPQH
Quy định rõ hơn trách nhiệm cho người đại diện vốn nhà nước và kiểm soát viên
Tham gia thảo luận về Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ) đánh giá, Dự thảo Luật lần này đã tiếp thu cơ bản các ý kiến của các ĐBQH và có những sửa đổi căn bản so với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13), bám sát nguyên tắc không can thiệp trực tiếp và can thiệp sâu vào quyền chủ động của doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, Dự thảo Luật đã bám sát nguyên tắc phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp, mở rộng các quyền tự quyết của doanh nghiệp trong quá trình triển khai; bám sát nguyên tắc chuyển từ quản lý sang giám sát, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để tạo sự chủ động hơn cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong quá trình điều hành, quản lý và đầu tư.
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu nêu rõ, khoản 3, Điều 39 quy định: “Người đại diện phần vốn nhà nước có trách nhiệm báo cáo kịp thời cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động thua lỗ, không đảm bảo khả năng thanh toán”.
Theo đại biểu, với quy định này, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ báo cáo khi doanh nghiệp đó đã thua lỗ. Cho rằng “việc này giống như chuyện chúng ta chữa cháy mà không phòng cháy”, đại biểu đề nghị, để nâng cao trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp nên quy định rõ hơn, yêu cầu người đại diện chủ sở hữu vốn cần phải có những cảnh báo và báo cáo sớm từ trước khi xảy ra thua lỗ, gây thất thoát vốn và tài sản của nhà nước, đối với các dự án đầu tư hoặc là đối với các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh khác của doanh nghiệp.
Ngoài trách nhiệm phải báo cáo kịp thời, người đại diện chủ sở hữu vốn cần đề xuất các biện pháp can thiệp cho phù hợp và khi có nguy cơ thì phải báo cáo ngay để cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra.
ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng
Đại biểu cũng đề xuất cần quy định trách nhiệm của kiểm soát viên tương tự như trách nhiệm của người đại diện vốn tại doanh nghiệp - phải có báo cáo và xử lý khi có những nguy cơ dẫn đến thất thoát, thua lỗ trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
“Hiện nay vẫn chỉ là những báo cáo mang tính chất định kỳ hằng năm, cuối năm thì không bảo đảm tính kịp thời. Việc quy định trách nhiệm cho người đại diện vốn nhà nước và kiểm soát viên giúp giám sát tốt hơn; thay vì quản lý bằng mệnh lệnh thì chuyển sang giám sát và hậu kiểm trong quá trình doanh nghiệp nhà nước hoạt động” - đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm.
Đại biểu Phan Đức Hiếu phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH
Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, về trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp, khi tham gia quyết định một vấn đề của doanh nghiệp thì có quyết định từ cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện vốn, cơ quan tại doanh nghiệp, chủ tịch công ty và hội đồng thành viên. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chỉ quy định trách nhiệm riêng của hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp thì không hợp lý.
“Đây là trách nhiệm chung và trách nhiệm riêng của tất cả các cơ quan có liên quan chứ không phải chủ tịch công ty và hội đồng thành viên quyết định tất cả. Vì vậy, Dự thảo Luật cần xác định rõ cơ chế, xác định trách nhiệm của từng cơ quan, từng cá nhân liên quan đến việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì mới ổn” - đại biểu Phan Đức Hiếu nói.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cũng nhấn mạnh, mục đích quan trọng nhất của doanh nghiệp nhà nước đó là bảo toàn, phát triển vốn và đóng thuế mang lại nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung một khoản vào Điều 26 Dự thảo Luật, đó là không áp dụng tiêu chí bảo toàn và phát triển vốn đối với một số doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ chính trị xã hội do Đảng, Nhà nước giao.
“Trong một số nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quan trọng, nếu chúng ta áp dụng nguyên tắc để đánh giá, bảo toàn vốn, đánh giá doanh nghiệp rất khó” - đại biểu nêu lý do.
Thực hiện thanh, kiểm tra theo quy định về thanh tra, kiểm toán
Liên quan đến quy định về giám sát, kiểm tra việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các ĐBQH đề nghị cần phân định rõ người, rõ công việc thực hiện, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, tránh thất thoát vốn nhà nước.
Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, theo Luật Thanh tra đang được sửa đổi thì sẽ không còn thanh tra chuyên ngành, thanh tra Bộ, do đó, công tác kiểm tra rất quan trọng. Đại biểu đề nghị quy định rõ ràng trong Luật về công tác kiểm tra của chủ quản lý sở hữu nhà nước trên lĩnh vực này.
Giải trình làm rõ ý kiến ĐBQH về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, cùng với việc phân cấp, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, Dự thảo Luật bổ sung quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra các nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đồn thời, Dự thảo Luật bổ sung quy định Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc quản lý bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp, chịu trách nhiệm giải trình các nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo yêu cầu. Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty không được tiếp tục làm người đại diện chủ sở hữu trực tiếp khi thực hiện không đúng các nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hoặc trong trường hợp có dấu hiệu bất thường, có nguy cơ ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Bộ trưởng cũng khẳng định, công tác thanh kiểm tra vẫn được triển khai thực hiện theo các quy định về thanh tra, kiểm toán. “Quy định như Dự thảo Luật vừa để đảm bảo theo hướng tăng cường hậu kiểm, đảm bảo tính tự chủ cho các doanh nghiệp” - Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, theo quy định của Luật và sau này khi Nghị định của Chính phủ ban hành thì nhiệm vụ đối với người đại diện vốn tham gia là Chủ tịch hội đồng thành viên cũng rất nặng nề.
Hàng năm, Nhà nước sẽ giao các kế hoạch, các chỉ tiêu kế hoạch và căn cứ chỉ tiêu kế hoạch đó thì có khen thưởng và có những chế tài nếu không hoàn thành nhiệm vụ. “Tất cả những việc này đều phải có những thước đo để đánh giá, chứ không phải là cứ có lãi có nghĩa đấy là thành tích” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đ. KHOA