Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi bị tai nạn xe đạp điện nghiêm trọng được cứu sống kịp thời. Ảnh: H.Dung
Trong số đó, tai nạn xe đạp, xe đạp điện chiếm đa số. Độ tuổi bị tai nạn dao động từ 12-16.
Những tai nạn nguy hiểm đến tính mạng
Đến nay, sau khi con gái B.V. (12 tuổi) đã được phẫu thuật, điều trị thành công và xuất viện, gia đình chị Lê Thị Trúc Linh (ngụ xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) mới có thể thở phào.
Chị Linh kể, khoảng 2 tháng trước, con gái chị đang đi xe đạp thì bất ngờ bị té xuống đường, đập ngực xuống đất và gãy tay. Lúc đó, gia đình chỉ để ý đến việc con gái gãy tay và đưa con đến bệnh viện bó bột mà không biết cú đập ngực xuống đường có thể khiến con gái rơi vào tình trạng nguy kịch sau này.
Cha bé V., anh Trần Thanh Bình, kể lại thấy con gái kêu đau ngực, khó thở, gia đình đã cấp tốc đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tràn dịch màng ngoài tim, có chèn ép tim cấp. Bé V. sau đó được chọc dịch màng ngoài tim nhưng dịch tái lập rất nhanh sau khi đã hút hết dịch cũ. Đây là tình trạng tổn thương tim rất nghiêm trọng.
Theo các bác sĩ, những tai nạn thương tích mà trẻ em thường gặp như: tai nạn giao thông, bỏng, đuối nước, điện giật, té ngã, bị động vật cắn, ngộ độc thực phẩm, ngộ độc hóa chất, tai nạn do máy móc, do bạo lực…
“Nghe bác sĩ nói con bị bệnh nặng, cả nhà tôi “chết đứng chết ngồi”, ai cũng lo lắng, chạy hết lên bệnh viện vì sợ con không qua khỏi” - anh Bình nhớ lại.
Bé V. sau đó được chuyển qua Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và khẩn trương được đưa vào phòng mổ.
TS-BS Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho hay bệnh nhân bị vỡ thành động mạch chủ, là tổn thương rất nghiêm trọng, nếu không được xử lý kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao. Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa 2 bệnh viện, các khoa, phòng và trình độ tay nghề cao, các bác sĩ đã thực hiện thành công ca phẫu thuật, cứu sống bệnh nhân.
Một trường hợp khác bị tai nạn xe đạp điện rất nghiêm trọng là bệnh nhi T.A., 13 tuổi, ngụ xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch).
Em A. kể, em cùng bạn đi xe đạp điện từ trường về nhà. Đến khi sang đường, do khuất tầm nhìn và thiếu quan sát nên đã va chạm với xe tải. Bạn của A. bị hất văng vài mét, còn A. bị kéo lê trên đường vài chục mét dẫn đến đa chấn thương nghiêm trọng. Trong đó có nhiều vết thương vùng mặt, lóc da cơ cẳng chân trái, chấn thương sọ não. A. được người đi đường đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, da niêm nhợt, huyết áp tụt, giập phổi.
Cẩn trọng khi giao xe đạp điện, xe máy cho trẻ em
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Khương, Phụ trách khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết tai nạn thương tích ở trẻ gặp quanh năm, nhưng nhiều nhất vào các dịp nghỉ Tết, nghỉ hè, nghỉ lễ, khi trẻ di chuyển, đi lại, tiếp xúc nhiều.
Trong số đó, tai nạn xe đạp, xe đạp điện, xe máy khá phổ biến. Nhiều gia đình vì những lý do khác nhau mà giao xe đạp điện, xe máy phân khối lớn cho con đi học khi con chưa đủ tuổi. Với những trẻ từ
12-16 tuổi, nhu cầu thể hiện bản thân rất cao nên nhiều em vì thiếu kiến thức hoặc cố tình không đội mũ bảo hiểm, lái xe chạy lạng lách, đánh võng, không tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Vì vậy, tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi và thường để lại hậu quả rất nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
“Phụ huynh không nên giao xe đạp điện, xe máy cho con khi con chưa đủ điều kiện và nhận thức, kiến thức để sử dụng. Cần đặt vấn đề an toàn sức khỏe, tính mạng của trẻ lên hàng đầu để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Với những trường hợp đã đủ tuổi điều khiển phương tiện, cần dạy cho trẻ biết cách tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ, chú ý quan sát khi điều khiển xe trên đường, đội mũ bảo hiểm, chạy xe đúng làn đường, đúng tốc độ quy định” - bác sĩ Khương khuyến cáo.
Các bác sĩ lưu ý người dân khi gặp các trường hợp bị tai nạn thương tích cần sơ cứu đúng cách để giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch, sau đó chuyển bệnh nhân bằng phương tiện an toàn đến bệnh viện hoặc gọi điện đến đường dây nóng cấp cứu của các bệnh viện để được hỗ trợ cấp cứu kịp thời. Tránh tình trạng di chuyển bệnh nhân hoặc sơ cứu không đúng cách có thể ảnh hưởng đến khả năng sống và hồi phục của bệnh nhân sau này.
Hạnh Dung