Nhiều tuyến đường tại TP Thái Nguyên ngập lụt do mưa lớn kéo dài hồi tháng 6/2025. (Nguồn: VGP)
Trong các ngày 13 và 14/7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã phát đi nhiều cảnh báo khẩn cấp về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và lốc xoáy tại nhiều khu vực trên cả nước, đặc biệt là khu vực Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên và vùng biển phía Nam. Diễn biến phức tạp của thời tiết đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về phòng ngừa rủi ro, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Mưa giông bao trùm Hà Nội, nguy cơ lốc xoáy và gió giật mạnh
Tại Thủ đô Hà Nội, vào chiều 13/7, vùng mây đối lưu đã hình thành trên khu vực xã An Khánh, nhanh chóng mở rộng vào khu vực nội thành. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo từ 16h30 đến 19h30 cùng ngày, mưa giông sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các quận huyện khác. Trong cơn giông, nhiều khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như sấm sét, lốc xoáy và gió giật mạnh.
Trưởng phòng Dự báo thời tiết Nguyễn Văn Hưởng cho biết: “Hiện tượng giông, lốc, sét, gió giật mạnh tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân. Khi có thông tin cảnh báo mưa giông, người dân cần tránh trú ở những nơi an toàn trong các công trình kiên cố”.
Bắc Bộ và nhiều khu vực miền Trung, Nam Bộ mưa lớn, có khả năng xảy ra lũ quét
Cùng thời điểm, khu vực Bắc Bộ ghi nhận mưa rào và giông rải rác, có nơi mưa to, lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, cục bộ trên 50mm. Đáng chú ý, một số địa phương ghi nhận lượng mưa lớn như trạm Làng Chếu 2 (Sơn La) đạt 67,8mm, trạm Hồ Khe Tiên (Thanh Hóa) 36,2mm, trạm Pô Kô (Quảng Ngãi) 44,4mm và trạm Phú Thành (An Giang) 38,4mm.
Ở khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng xuất hiện mưa rào và giông trên diện rộng, nhiều nơi có mưa to với lượng mưa lên đến trên 60mm. Trong các đợt mưa này, khả năng cao xảy ra lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Riêng tại các tỉnh Sơn La, Khánh Hòa và Lâm Đồng, mưa kéo dài từ chiều đến tối 13/7 khiến tổng lượng mưa tích lũy đạt từ 20-40mm, có nơi trên 80mm. Một loạt địa bàn có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất như: Tà Xùa, Mai Sơn, Mường La (Sơn La); Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Mỹ Sơn (Khánh Hòa); Lạc Dương, Quảng Hòa, Tà Đùng (Lâm Đồng).
Theo mô hình độ ẩm đất, nhiều khu vực tại ba tỉnh trên đã đạt đến mức bão hòa (trên 85%), làm gia tăng đáng kể nguy cơ sạt lở. Cảnh báo rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất được đặt ở cấp 1 – mức cảnh báo sớm nhưng cần đặc biệt lưu ý.
Các địa phương khẩn trương ứng phó với thiên tai
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã yêu cầu các địa phương chịu ảnh hưởng theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, sạt lở và ngập úng, đồng thời triển khai các biện pháp phòng tránh, sơ tán người dân tại những khu vực có nguy cơ cao.
Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở được huy động để rà soát khu dân cư ven sông, vùng trũng thấp, chủ động di dời người dân khi cần thiết. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt, nhất là tại các điểm ngập sâu, nước chảy xiết.
Cơ quan khí tượng khuyến nghị người dân thường xuyên cập nhật bản tin thời tiết từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (nchmf.gov.vn), các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh và truyền thông đại chúng chính thống.
Nguy cơ rủi ro trên biển
Không chỉ trên đất liền, khu vực biển cũng đối mặt với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Khu vực giữa và Nam Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa, cùng vùng biển từ Lâm Đồng đến Cà Mau, từ Cà Mau đến An Giang và vịnh Thái Lan đang có mưa rào và giông rải rác. Dự báo trong đêm 13/7 và ngày 14/7, tại các khu vực này tiếp tục có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật mạnh và sóng cao trên 2m.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong các khu vực trên đều có nguy cơ bị ảnh hưởng. Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển thông báo cho chủ tàu, thuyền trưởng chủ động điều chỉnh lịch trình, tránh trú kịp thời, đồng thời duy trì liên lạc liên tục để xử lý các tình huống khẩn cấp.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất, lốc xoáy đang có xu hướng xuất hiện với tần suất và cường độ cao hơn. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường hệ thống cảnh báo sớm, phối hợp giữa các cơ quan chức năng và sự chủ động của người dân đóng vai trò quyết định để giảm thiểu thiệt hại.
Cơ quan khí tượng thủy văn nhấn mạnh: “Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng người dân, gây tắc nghẽn giao thông và phá hủy các công trình kinh tế - xã hội”. Do đó, các địa phương cần xây dựng phương án phòng chống thiên tai chi tiết, theo dõi sát diễn biến thời tiết và triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời.
(theo TTXVN)
Chu Văn