Ngày 8/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã tạm giữ đối tượng Trần Quốc Khánh (SN 1997, quê tỉnh Hậu Giang) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, Khánh cùng một đối tượng chưa rõ lai lịch đã cấu kết với nhau để lừa các chủ vựa nông sản, trái cây nhằm chiếm đoạt tài sản. Nhóm này lên mạng xã hội và thìm hiểu nhiều người bán trái cây, thương lượng giá rồi đặt mua với số lượng lớn.
Đối tượng Khánh bị tạm giữ (ảnh CA).
Khi chủ hàng đồng ý thì Khánh gửi địa chỉ cho giao hàng tới Tp.Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Chủ xe hàng chở nông sản, trái cây đến địa điểm giao, Khánh yêu cầu cho xuống khoảng 2/3 số hàng. Số còn lại, Khánh bắt tài xế và chủ hàng chở đến một địa điểm khác. Lúc này, Khánh đi xe máy dẫn đường và hứa sẽ thanh toán toàn bộ tiền sau khi giao xong. Chủ hàng tin tưởng đồng ý.
Trong quá trình dẫn đường, Khánh cố tình đi lòng vòng nhằm kéo dài thời gian để đồng bọn đến lấy số hàng đã giao trước đó. Sau khi đồng bọn lấy được hàng, Khánh cũng nhanh chóng tẩu thoát. Khi chủ hàng quay lại điểm giao hàng ban đầu thì phát hiện toàn bộ số hàng hóa đã biến mất.
Qua làm việc, Khánh khai nhận trong tháng 4/2025, nhóm đối tượng này đã thực hiện 2 vụ lừa đảo, chiếm đoạt khoảng 1,5 tấn thanh long và 1 tấn mít, sau đó mang đi bán lấy tiền chia nhau tiêu xài.
Cơ quan Công an khuyến cáo người dân, đặc biệt là các chủ vựa nông sản, trái cây, cần nâng cao cảnh giác khi thực hiện các giao dịch mua bán trực tuyến với người lạ. Đồng thời thông báo, ai từng là nạn nhân của nhóm đối tượng trên, đề nghị liên hệ Công an tỉnh Bình Dương để trình báo và cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra.
Luật sư Lê Thị Bích Hằng, đoàn Luật sư Tp.HCM cho biết, Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội có hành vi áp dụng các hình thức, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Các khung hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự quy định; Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.