Khi kỳ nghỉ hè bước vào giai đoạn cuối, nhu cầu đi du lịch vẫn còn cao, đặc biệt với nhóm khách tranh thủ đặt tour, khách sạn phút chót hoặc săn vé máy bay giá rẻ cho dịp cuối tuần.
Cũng trong thời điểm này, các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội có xu hướng gia tăng, nhắm vào tâm lý nóng vội, thiếu kiểm tra thông tin của người tiêu dùng.
Nhiều người đã bị chiếm đoạt tài sản qua các hình thức như mạo danh doanh nghiệp lữ hành, giả lập fanpage khách sạn uy tín hay gửi mã đặt phòng giả.
Tại Hạ Long, một số doanh nghiệp ghi nhận tình trạng bị giả mạo tên tuổi để thực hiện hành vi lừa đảo khách du lịch. Đối tượng lừa đảo thường lập fanpage giống hệt trang chính thống, sao chép nội dung bài đăng, hình ảnh, thậm chí cả quy trình đặt phòng và thanh toán.
Thủ đoạn lừa đảo đặt phòng.
Các fanpage này sau đó chạy quảng cáo Facebook với nội dung hấp dẫn, đăng tải những hình ảnh sang trọng và mức giá “cực tốt”, đánh vào tâm lý ham rẻ của người dùng. Một khi khách hàng liên hệ, chúng sẽ nhanh chóng chốt đơn, yêu cầu chuyển khoản cọc trước hoặc thanh toán toàn bộ để "giữ phòng giá ưu đãi".
Ngay sau khi hoàn tất giao dịch, kịch bản tiếp theo được dàn dựng rất tinh vi. Các đối tượng thông báo rằng phòng đã hết, nhưng tiền đang bị "giữ lại" trong hệ thống, và hướng dẫn nạn nhân liên hệ với "kế toán" để làm thủ tục hoàn tiền.
Khi khách hàng gọi, chúng yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, hoặc gửi đường link thanh toán qua cổng trung gian như VnPay, tạo cảm giác đây là quy trình hợp lệ. Trong lúc nóng ruột vì muốn lấy lại tiền, không ít người tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn, dẫn đến mất thêm tiền hoặc bị chiếm đoạt dữ liệu tài chính.
Chỉ đến khi nghi ngờ hoặc không thể liên lạc lại với "bên đặt phòng", nạn nhân mới tìm cách gọi tới số hotline chính thức của khách sạn để xác minh, nhưng khi ấy thường đã quá muộn.
Thủ đoạn lừa đảo đặt phòng
Đại diện Paradise Vietnam, một doanh nghiệp chuyên về du thuyền và nghỉ dưỡng tại Hạ Long cho biết: "Chúng tôi nhận thấy tình trạng mạo danh ngày càng phức tạp. Ngay từ đầu mùa hè, đơn vị đã đăng tải nhiều bài cảnh báo, công khai toàn bộ thông tin số tài khoản và tên chủ tài khoản chính thức để khách hàng dễ dàng đối chiếu. Tuy nhiên, các hình thức giả mạo ngày càng biến hóa, nên rất cần sự tỉnh táo từ phía người tiêu dùng cũng như sự phối hợp xử lý của cơ quan chức năng."
Theo cảnh báo từ Bộ Công an, các chiêu trò lừa đảo thường xoay quanh ba thủ đoạn chủ yếu: sử dụng fanpage có tích xanh để tạo lòng tin, đăng chương trình du lịch giá rẻ sao cho gần giống cơ sở chính thống, và yêu cầu khách chuyển khoản đặt cọc trước 50%, sau đó gửi mã đặt phòng giả rồi lẩn tránh liên hệ. Một số đối tượng còn mua lại các tài khoản Facebook có tích xanh từ trước, rồi đổi tên thành tên khu nghỉ dưỡng nổi tiếng để lừa đảo.
Các dấu hiệu giúp nhận diện những fanpage lừa đảo gồm: lượt tương tác bài viết bất thường (nhiều lượt thích nhưng không có bình luận thật), phần thông tin "Giới thiệu" không minh bạch (quản lý từ nước ngoài hoặc mới lập gần đây), số điện thoại liên hệ không trùng khớp với thông tin công bố trên website chính thức. Đặc biệt, người dân cần kiểm tra phần "Tính minh bạch của Trang" – một mục có thể xem được địa điểm người quản lý trang và lịch sử đổi tên fanpage.
Với du khách có nhu cầu đặt tour, vé máy bay, khách sạn vào phút chót, các chuyên gia khuyến cáo nên cẩn trọng khi thấy các quảng cáo "giá rẻ bất ngờ" trên mạng xã hội. Dấu tích xanh hiện không còn là yếu tố đảm bảo an toàn, bởi đã có tình trạng mua bán hoặc thuê dịch vụ tạo tick xanh để lừa đảo. Người dân cần kiểm tra kỹ thông tin qua nhiều kênh – từ website chính thức, hotline công bố công khai, đến các kênh phản hồi của khách hàng trước đó.
Nếu đơn vị có văn phòng tại Hà Nội, TP.HCM hoặc nơi bạn sinh sống, hãy ưu tiên đến trực tiếp để thanh toán và nhận xác nhận đặt chỗ. Trong trường hợp bắt buộc phải thanh toán online, cần so sánh kỹ tên tài khoản ngân hàng có khớp với tên công ty hay không. Nếu phát hiện điểm khác thường, hãy dừng giao dịch và kiểm tra lại.
Ngoài ra, du khách tuyệt đối không nên bấm vào các đường link lạ được gửi qua tin nhắn để tránh bị chiếm quyền điều khiển thiết bị hoặc lộ thông tin cá nhân. Sau khi chuyển khoản, nên gọi xác nhận lại với đơn vị cung cấp dịch vụ qua số điện thoại chính thức, kiểm tra mã đặt phòng trên hệ thống hoặc liên hệ trực tiếp với nơi lưu trú để xác thực.
Trong trường hợp bị lừa đảo, người dân cần giữ lại bằng chứng giao dịch và trình báo ngay với công an địa phương để được hỗ trợ, đồng thời giúp ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra với người khác.
Du lịch nên là khoảng thời gian để tận hưởng, không phải để rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo. Sự cẩn trọng, tỉnh táo và kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn là những "lá chắn" quan trọng nhất bảo vệ túi tiền và trải nghiệm của bạn.
An Ngọc/Bnews/vnanet.vn