Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo tuyển sinh
Hiện nay, nắm bắt được nhu cầu du học của học sinh và sinh viên, nhiều đối tượng đã lập ra các trang web giả, thông báo giả để tuyển sinh du học nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn lợi dụng tâm lý lo lắng của phụ huynh, đưa ra các cơ hội tuyển sinh hấp dẫn để lừa phụ huynh chuyển tiền; kẻ gian còn giả mạo cán bộ tuyển sinh gọi điện thông báo trúng tuyển, yêu cầu đóng tiền giữ chỗ...
Rất nhiều chiêu thức mạo danh đã được tạo ra để nhằm mục tiêu cuối cùng là chiếm đoạt tài sản. Theo đó, các đối tượng bằng nhiều cách thức tiếp cận, tư vấn, dụ dỗ... đã chiếm được tiền đặt cọc hoặc tiền lệ phí của phụ huynh.
Theo các chuyên gia, những chiêu trò lừa đảo tuyển sinh hiện nay đều tập trung vào các đối tượng phụ huynh, học sinh và được rao trên mạng xã hội, các hội nhóm internet là rất phổ biến. Thậm chí, kẻ gian còn có thể giả mạo nhà trường với các văn bản có dấu đầy đủ, làm giả chữ ký của hiệu trưởng, giấy báo nhập học... khiến nhiều người tin tưởng và chuyển tiền. Nhiều phụ huyn, học sinh đã bị lừa, phải chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo lên đến hàng trăm triệu đồng...
Gợi ý để tránh trở thành nạn nhân của các chiêu thức lừa đảo
Để nhận biết dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu ý: người gọi liên lạc không chính thống (điện thoại, mạng xã hội) yêu cầu nộp tiền gấp; cung cấp tài khoản cá nhân để chuyển tiền; hoặc yêu cầu phải "đặt cọc giữ chỗ" một cách gấp gáp... thì cần kiểm tra, xác minh với nguồn thông tin chính thống, để tránh bị sập bẫy.
Các cơ quan chức năng khuyến cáo, nếu muốn tham gia các chương trình du học trao đổi hoặc hoạt động của các cơ sở đào tạo, phụ huynh và các bạn sinh viên cần kiểm tra thông tin trên trang web của trường (trong đó, cần kiểm tra kỹ địa chỉ website) hoặc liên hệ trực tiếp với các đơn vị tiếp nhận chính thức như phòng Công tác sinh viên/bộ phận hành chính/tài chính để xác nhận thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Tuyệt đối không chuyển tiền cho các cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng không rõ nguồn gốc. Không truy cập vào các liên kết hoặc các tệp đính kèm trong tin nhắn, email, hoặc những bài đăng đáng ngờ trên mạng xã hội.
Phụ huynh và học sinh cần chú ý cảnh giác với mọi yêu cầu nộp tiền vào tài khoản cá nhân: Các khoản phí chính thức thường được nộp vào tài khoản mang tên trường đại học, không phải tài khoản cá nhân. Trước khi nhập thông tin cá nhân hoặc nộp phí trực tuyến, đảm bảo rằng bạn đang truy cập đúng trang web chính thức của trường.
Nếu thấy dấu hiệu khả nghi, cần tham khảo ý kiến từ người có kinh nghiệm, các cơ quan chức năng hoặc chính đơn vị chủ quản của thông tin. Việc nâng cao cảnh giác và kiểm tra kỹ lưỡng thông tin sẽ giúp mọi người có thể tránh được những rủi ro không đáng có trong quá trình tham gia các hoạt động tuyển sinh trực tuyến, một trong những hoạt động đang rất "nóng" hiện nay.
Quang Minh