Phiên chợ vùng cao là một trong những nơi bà con các DTTS hay tập trung uống rượu. Ảnh: Quốc Phong
Tiếng chuông cảnh tỉnh
Không chỉ ở các thành phố, mà ở các vùng nông thôn và miền núi nước ta hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân giữ thói quen uống rượu, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Đây cũng là thời điểm “củ mật” để các chủ đầu nậu trà trộn các loại rượu giả, kém chất lượng để tung ra thị trường. Đã có không ít trường hợp ngộ độc rượu vì uống phải loại rượu không đảm bảo an toàn.
Hiện nay, rượu trên thị trường đa dạng về chủng loại và chất lượng, trong đó có rất nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha không công bố tiêu chuẩn sản phẩm... đang được lưu hành tự do trên thị trường. Đồng thời, cùng với ý thức chủ quan của người tiêu dùng đã dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu ngày càng có xu hướng gia tăng. Ngoài ngộ độc do rượu trắng, rượu có hàm lượng methanol cao, còn có các tác nhân là rượu ngâm thuốc lá, rượu ngâm cây rừng độc.
Đơn cử, chiều 31/7, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Long An tiếp nhận và cấp cứu 8 trường hợp gồm: L.V.T (52 tuổi), N.H.S (44 tuổi), P.C.T (46 tuổi), L.K.T (31 tuổi), T.V.V (56 tuổi), B.M.C (46 tuổi), L.T.H (49 tuổi) và B.M.T, cùng trú tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, nhập viện trong tình trạng nôn ói, đau đầu, cảm giác khó thở..., nghi ngộ độc rượu. Theo người nhà bệnh nhân, 8 người này đã uống khoảng 2 lít rượu ngâm thuốc của người bạn tặng, khoảng 1 giờ sau thì xảy ra triệu chứng trên nên đưa đi bệnh viện.
Tương tự, ngày 12/8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhân nam cùng trú tại huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn trong trạng thái co giật, hôn mê sâu và ngừng thở. Theo lời kể của người nhà, trước khi vào viện, 2 bệnh nhân có sử dụng rượu ngâm rễ cây hồi. Sau khi uống rượu, 2 bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện kích thích, co giật, gọi hỏi không trả lời kèm tím tái toàn thân. Gia đình đã đưa 2 bệnh nhân tới bệnh viện.
Mới đây nhất, chiều tối 21/12, Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu tiếp nhận 4 người gồm: K.Sai (24 tuổi), K.Sưng (32 tuổi), N.A.V (54 tuổi) và N.N.V (24 tuổi), cùng tạm trú tại một khu trọ ở đường 30 Tháng 4, phường 11, thành phố Vũng Tàu nhập viện cấp cứu trong tình trạng ban đầu nghi ngộ độc rượu. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, xử lý cho 4 người. Trong đó, 1 bệnh nhân có tình trạng nặng, ngưng tim, ngưng thở, sau đó được xử lý kịp thời để tim, mạch đập trở lại.
Được biết, đêm 19/12, 4 người này cùng ăn và uống rượu tại một quán bánh canh cá lóc cách không xa nơi ở trọ. Rượu được họ mua ở một tiệm tạp hóa khác gần đó mang tới quán. Ngay trong tối 21/12, sau khi có thông tin 4 người nhập viện, phường 11 cùng Phòng Y tế thành phố Vũng Tàu và các đơn vị chức năng khác đã phối hợp để xác minh thông tin về nguồn gốc rượu mà các bệnh nhân đã sử dụng trước đó. Chủ tiệm tạp hóa cho biết, số rượu trên được nhập từ một cơ sở nấu rượu trên địa bàn tỉnh khác về để bán lại kiếm lời.
Những vụ việc ngộ độc rượu xảy ra ở một số tỉnh, thành trong cả nước thời gian vừa qua là lời cảnh báo đối với tình trạng lạm dụng rượu tự pha, rượu ngâm các loại thảo mộc hoặc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nhận biết ngộ độc rượu
Ngộ độc rượu dễ bị nhầm là say rượu vì cùng triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, nôn ói. Một biểu hiện dễ nhận biết là người bệnh bị mờ mắt, chứng tỏ có tổn thương thần kinh. Khi phát hiện bất thường phải đưa người ngộ độc vào bệnh viện ngay, không nên chủ quan để chậm trễ sẽ rất khó điều trị.
Rượu không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người vùng cao. Ảnh: Quốc Phong
Ngộ độc rượu đã thực sự trở thành nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng ở Việt Nam. Nguyên nhân là do tình trạng buôn bán, sử dụng rượu tự pha, rượu ngâm các loại cây, con theo kinh nghiệm cá nhân không bảo đảm an toàn thực phẩm; rượu ngâm nhầm với những cây độc hoặc do rượu được sản xuất từ nguồn nguyên liệu bị nghiêm cấm là cồn methanol vì lợi nhuận.
Rượu có 2 loại, một loại thông thường có chứa ethanol (C2H5OH) dùng trong thực phẩm, được chế biến từ ngũ cốc, hoa quả lên men; tuy được dùng để pha chế đồ uống giải khát nhưng bản thân ethanol cũng là chất có thể gây độc hại cho con người khi lạm dụng. Một dạng khác của rượu có chứa methanol (CH3OH), một sản phẩm là dung môi pha chế trong công nghiệp, có nhiều công dụng như dung môi, làm sơn. Chất này rất độc với cơ thể, tuyệt đối không sử dụng để uống, chỉ cần một lượng nhỏ cũng có thể gây mù mắt, nếu nhiều có thể gây tử vong.
Một tập tục nên loại bỏ
Từ xa xưa, đồng bào các DTTS và miền núi đã có thói quen uống rượu. Vui cũng uống rượu, buồn cũng uống rượu, từ việc ma chay, hiếu hỷ, phiên chợ, lễ hội, ngay cả khi kết thúc buổi lên nương, ra đồng của bà con đều dùng đến rượu. Có thể nói, rượu từ lâu đã trở thành người bạn đồng hành, uống rượu là thói quen không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân vùng cao.
Thực tế, tỷ lệ sử dụng rượu ở cả nam và nữ của bà con đồng bào DTTS chiếm đến 80%, cao hơn mức trung bình cả nước. Tỷ lệ trẻ hóa người uống rượu, nghiện rượu cũng không ngừng tăng lên theo cấp số nhân. Thói quen uống rượu bừa bãi không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình, làm tổn thương người thân, ảnh hưởng trật tự bản làng do chửi bới, đánh, cãi nhau, mà còn gây ra những căn bệnh liên quan đến rượu và những cái chết thương tâm do bệnh tật, tai nạn giao thông.
Làm thế nào để người dân hiểu được tác hại của rượu? Làm thế nào để họ loại bỏ đi những phong tục có hại cho sức khỏe này? Hiện nay, từ ý thức, thói quen, tập quán sử dụng thực phẩm của bà con DTTS, cũng như công tác quản lý chất lượng thực phẩm, nhất là các loại rượu tự nấu của ngành chức năng còn nhiều hạn chế, dẫn tới nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tập thể ở vùng đồng bảo DTTS vẫn còn cao. Và mặc dù công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh, song do nhận thức của người dân còn hạn chế; thêm vào đó, rượu đã trở thành thói quen sinh hoạt, ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên vẫn xảy ra những cái chết đau lòng vì rượu.
Trước những tác hại từ rượu gây ra, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc, mạnh tay hơn nữa với các hành vi buôn bán rượu lậu, rượu giả, rượu kém chất lượng. Ngoài bị xử phạt hành chính, khi xem xét về mức độ, tính chất, hành vi, hậu quả của việc bán rượu giả, thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm" được quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức của họ, trong đó có vai trò quan trọng của già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo... trong tuyên truyền, vận động. Có như vậy, ngộ độc rượu mới được quan tâm đúng mức, ngăn chặn kịp thời, tránh xảy ra những hệ lụy, rủi ro, hay những cái chết oan uổng vì rượu.
Quốc Phong