Cảnh giác 'bẫy' lừa đảo trực tuyến mùa thi tốt nghiệp THPT 2025

Cảnh giác 'bẫy' lừa đảo trực tuyến mùa thi tốt nghiệp THPT 2025
8 giờ trướcBài gốc
Trong những ngày gần đây, trên không gian mạng xuất hiện vô số thông tin không chính thống, lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội không kiểm duyệt, các website giả mạo, thậm chí là những cuộc gọi điện thoại tự xưng danh "cán bộ tuyển sinh" với giọng điệu đầy hứa hẹn.
Những chiêu trò lừa đảo tuyển sinh thường gặp
Nhiều trường đại học và cơ quan chức năng đã lên tiếng cảnh báo về các chiêu trò gian lận, hứa hẹn "chắc suất" vào các trường top, "chạy điểm", gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế và tinh thần cho các gia đình.
Các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, lợi dụng tâm lý muốn con em có được kết quả tốt nhất và vào được trường mong muốn. Dưới đây là những "bẫy" lừa đảo điển hình mà thí sinh và phụ huynh cần đặc biệt cảnh giác:
Cam kết "trúng tủ", "chạy điểm" vào trường "hot": Đây là chiêu trò quen thuộc nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy. Các đối tượng tự xưng có mối quan hệ "đặc biệt" với các trường top, hứa hẹn "lo lót", "chạy điểm" để thí sinh chắc chắn đỗ vào các ngành, trường có điểm chuẩn cao ngất ngưởng. Đổi lại, kẻ gian yêu cầu phụ huynh chuyển một khoản tiền "bảo đảm" không hề nhỏ.
Thông báo trúng tuyển sớm giả mạo: Lợi dụng tâm lý nóng lòng muốn biết kết quả, kẻ gian sẽ gửi tin nhắn SMS, email, hoặc thậm chí gọi điện thông báo thí sinh đã trúng tuyển vào trường đại học nào đó khi chưa có kết quả chính thức từ Bộ GD&ĐT hay các trường. Sau đó, kẻ gian yêu cầu đóng các khoản phí nhập học "ưu đãi" trong thời gian ngắn để "giữ chỗ". Thí sinh và phụ huynh cần tuyệt đối tỉnh táo, mọi thông báo trúng tuyển chính thức đều phải được công bố công khai trên website chính thức của trường và theo đúng lịch trình của Bộ GD&ĐT.
Nhiều trường đại học đã phát đi cảnh báo về tình trạng lừa đảo tuyển sinh gia tăng trong giai đoạn này. Ảnh minh họa
Mở các lớp luyện thi "đặc biệt" với cam kết ảo: Các đối tượng quảng cáo rầm rộ các lớp luyện thi "cấp tốc", luyện thi "trúng tủ" với những lời hứa hẹn "có cánh" như giúp thí sinh đạt điểm tuyệt đối và đỗ vào trường mơ ước. Tuy nhiên, chất lượng các lớp học này thường không đảm bảo, thậm chí không có thật, và mục đích chính là thu học phí bất chính. Hãy lựa chọn các trung tâm luyện thi uy tín, có giấy phép hoạt động rõ ràng và kiểm chứng thông tin cẩn thận.
Giả mạo thông tin về học bổng "khủng": Kẻ gian tung tin về các chương trình học bổng giá trị cao không có thật, đánh vào tâm lý muốn giảm gánh nặng tài chính của phụ huynh và thí sinh. Các đối tượng thường yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân chi tiết hoặc đóng một khoản phí "xét duyệt hồ sơ" không hoàn lại. Mọi thông tin về học bổng chính thức đều được công bố trên website của trường và các tổ chức uy tín. Hãy kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc thông tin trước khi cung cấp bất kỳ dữ liệu cá nhân hay tài chính nào.
Nhiều trường đại học đã phát đi thông báo cảnh báo về tình trạng lừa đảo tuyển sinh gia tăng trong giai đoạn này. Đại diện các trường khẳng định mọi thông tin tuyển sinh chính thức, bao gồm chỉ tiêu, phương thức xét tuyển, thời gian và địa điểm nộp hồ sơ, kết quả trúng tuyển đều được công bố minh bạch và duy nhất trên website chính thức và các kênh truyền thông chính thống.
Làm gì để tránh sập bẫy lừa đảo?
Để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi những "chiêu trò" lừa đảo tinh vi, các chuyên gia tuyển sinh và cơ quan chức năng đưa ra những khuyến cáo sau:
Chỉ tin tưởng vào nguồn thông tin chính thống: Luôn kiểm tra và đối chiếu thông tin tuyển sinh trên website chính thức của Bộ GD&ĐT và website tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng mà thí sinh quan tâm.
Tuyệt đối không chuyển tiền cho người lạ: Bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào tự xưng có khả năng "lo" thủ tục trúng tuyển và yêu cầu chuyển tiền đều là dấu hiệu lừa đảo.
Cảnh giác với những lời hứa hẹn "trên trời": Những lời mời chào, cam kết không có căn cứ trên mạng xã hội, từ các số điện thoại lạ, email không rõ nguồn gốc cần được đặc biệt cảnh giác. Hãy luôn đặt câu hỏi và kiểm chứng thông tin.
Bảo mật thông tin cá nhân: Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm (số CMND/CCCD, tài khoản ngân hàng, mật khẩu...) cho bất kỳ ai không rõ danh tính hoặc các trang web, ứng dụng không đáng tin cậy.
Liên hệ ngay khi có nghi ngờ: Nếu thí sinh hoặc gia đình có bất kỳ nghi ngờ nào về thông tin tuyển sinh, hãy liên hệ ngay với bộ phận tuyển sinh của trường đại học/cao đẳng đó hoặc cơ quan công an địa phương để được xác minh và hỗ trợ kịp thời.
Đỗ Vi
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/canh-giac-bay-lua-dao-truc-tuyen-mua-thi-tot-nghiep-thpt-2025-169250215174256176.htm