Người dùng cần thận trọng với các nền tảng AI miễn phí
Một chiến dịch tấn công tinh vi đang lợi dụng làn sóng AI để phát tán phần mềm độc hại.
Cụ thể, tin tặc tạo ra các trang web giả mạo nền tảng tạo video bằng AI, dụ người dùng nhưng thực chất cài cắm mã độc Noodlophile Stealer chưa từng được ghi nhận trước đó và trojan truy cập từ xa XWorm.
Chiến dịch bắt đầu bằng việc quảng bá các trang web giả dạng công cụ AI thông qua nhóm Facebook giả mạo hoặc bài viết có tính lan truyền cao (hơn 62.000 lượt xem).
Nạn nhân được mời tải lên ảnh hoặc video để nhận lại “video do AI tạo ra”. Tuy nhiên, file đó thực chất là một file nén ZIP, bên trong chứa một file thực thi độc hại có tên là: Video Dream MachineAI.mp4.exe.
Tên file được đặt một cách cố ý đánh lừa người dùng, khiến nạn nhân tưởng rằng đây là một file video .mp4, nhưng thực chất là một chương trình 32-bit viết bằng C++ có khả năng chạy mã độc khi mở.
WhiteHat.vn cho biết, Noodlophile Stealer là một loại mã độc đánh cắp thông tin mới được phát hiện, có khả năng thu thập các dữ liệu nhạy cảm như tài khoản đăng nhập và cookie trình duyệt, ví tiền điện tử, token phiên đăng nhập, và các tệp tin quan trọng trên máy nạn nhân.
Đặc biệt, mã độc này giao tiếp với kẻ tấn công thông qua một bot Telegram, giúp ẩn danh và truyền dữ liệu ra ngoài một cách lén lút. Theo báo cáo, ở giai đoạn cuối của cuộc tấn công, Noodlophile Stealer đã được phát hiện sử dụng Telegram bot làm kênh điều khiển và thu thập dữ liệu đánh cắp, làm tăng đáng kể độ khó phát hiện và khả năng che giấu.
Trước thực trạng trên, WhiteHat.vn khuyến cáo người dùng cần cảnh giác cao độ khi truy cập các nền tảng “AI miễn phí” không rõ nguồn gốc, đặc biệt là những trang yêu cầu tải về tệp thực thi (.exe) sau khi xử lý nội dung. Đây có thể là chiêu trò giả mạo tinh vi nhằm phát tán mã độc và đánh cắp dữ liệu cá nhân hoặc tài khoản nhạy cảm.
V.H