Người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác để tránh bị lừa đảo (Ảnh minh họa: INTERNET)
Mất tiền vì chủ quan, mất cảnh giác
Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển, nhiều người chọn lựa mua hàng online. Hình thức mua sắm này vừa tiện lợi, nhanh chóng, vừa không phải mất thời gian đi lại. Chỉ cần đặt mua hàng trực tuyến, không lâu sau sẽ có người giao đến tận nơi theo yêu cầu.
Tuy nhiên, cũng từ việc mua hàng online, các đối tượng xấu đã lợi dụng và sử dụng các mánh khóe, chiêu trò để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một trong những chiêu trò đang nổi lên gần đây là các đối tượng giả danh nhân viên giao hàng (shipper) nhằm chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng thông qua hình thức yêu cầu chuyển khoản trước cho những đơn hàng không có thật.
Thủ đoạn thường bắt đầu bằng một cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Đối tượng tự xưng là nhân viên giao hàng của một đơn vị vận chuyển hoặc sàn thương mại điện tử, thông báo đang giao một gói hàng cho khách. Để tạo lòng tin, kẻ gian thường đưa ra những thông tin tương đối trùng khớp như họ tên, địa chỉ của người nhận. Tuy nhiên, những dữ liệu có thể đã bị thu thập từ các nguồn không chính thống.
Sau đó, kẻ gian yêu cầu người nhận chuyển khoản trước để nhận hàng, viện lý do đơn hàng thuộc hình thức “trả trước”, người gửi không thanh toán phí vận chuyển hoặc đơn hàng phải xác nhận qua ngân hàng. Nhiều người vì thấy giá trị đơn hàng thấp, thường là vài trăm ngàn đồng, lại đang bận rộn nên không kiểm tra kỹ thông tin, đã nhanh chóng chuyển tiền mà không mảy may nghi ngờ.
Một thủ đoạn khác là gọi điện thoại vào thời điểm người nhận không có mặt tại nhà hay nơi làm việc. Đối tượng thông báo để gói hàng tại cổng hoặc gửi cho bảo vệ rồi thúc giục khách hàng chuyển khoản ngay để hoàn tất thủ tục giao hàng. Khi nạn nhân làm theo và bị chiếm đoạt tiền thì đối tượng lừa đảo lập tức chặn số điện thoại, cắt đứt mọi liên lạc.
Mới đây, chị H.A.N. (40 tuổi, ngụ TP.Tân An, tỉnh Long An), nhân viên của một công ty tư nhân, là nạn nhân của hình thức lừa đảo này. Vào chiều ngày 26/4/2025, trong lúc đi thu công nợ và không có mặt tại văn phòng, chị nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là shipper. Người này thông báo đang giao cho chị một gói hàng. Thường xuyên đặt mua hàng online nên chị N. chỉ kiểm tra sơ bộ. Dù cảm thấy không rõ ràng nhưng do giá trị đơn hàng chỉ hơn 300.000 đồng, lại thấy người gọi nói chuyện chuyên nghiệp nên chị không ngần ngại mà chuyển khoản ngay. Tuy nhiên, khi quay về công ty, chị không thấy bất kỳ gói hàng nào, gọi lại thì số điện thoại đã bị khóa.
Sự việc trên cho thấy thủ đoạn lừa đảo tuy không quá tinh vi nhưng lại rất hiệu quả với những người thường xuyên mua hàng online, đặc biệt là những người bận rộn hoặc tin tưởng quá mức vào hình thức giao hàng này. Các đối tượng lợi dụng niềm tin và sự chủ quan của người tiêu dùng để dễ dàng chiếm đoạt tài sản.
Tăng cường cảnh báo, khuyến cáo để người dân nắm biết
Để phòng tránh bị lừa đảo, gần đây, Công an tỉnh khuyến cáo người dân cảnh giác, kiểm tra kỹ thông tin đơn hàng trước khi thực hiện bất kỳ thanh toán nào. Nếu không nhớ rõ đã đặt hàng thì tuyệt đối không nhận và không chuyển tiền. Hãy xác minh đơn hàng qua ứng dụng mua sắm hoặc liên hệ trực tiếp với người bán. Chỉ nên thanh toán khi đã kiểm tra hàng hoặc sử dụng phương thức giao hàng có đảm bảo từ các nền tảng thương mại điện tử uy tín.
Ngoài ra, người dân không nên chuyển tiền vào số tài khoản cá nhân lạ, không quét mã QR từ các nguồn không rõ ràng và tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho người lạ qua điện thoại.
Công an tỉnh cũng đề nghị người dân khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất; đồng thời, lưu giữ các bằng chứng như tin nhắn, hình ảnh, ghi âm cuộc gọi, sao kê chuyển tiền,... để phục vụ công tác điều tra.
Theo Công an tỉnh, việc tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo các phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có chiêu thức giả danh nhân viên giao hàng được thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức. Ngoài phổ biến, tuyên truyền trực tiếp còn thực hiện qua các kênh thông tin báo chí, truyền thanh, đăng tải trên trang web của các ngành. Đặc biệt, việc tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo được tăng cường trên mạng xã hội để người dân nhận biết, chủ động phòng ngừa.
Theo chị Nguyễn Thị Lan Hương (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức), qua khuyến cáo, cảnh báo kịp thời từ các cơ quan chức năng, bản thân nêu cao tinh thần cảnh giác. Không những vậy, chị còn thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo người thân và bạn bè biết để phòng tránh.
"Trong môi trường số ngày càng phát triển, việc mua hàng online là điều tất nhiên. Tuy nhiên, để ngăn chặn và phát hiện các hành vi lừa đảo thì các cấp, các ngành, công an cần tiếp tục tăng cường khuyến cáo, cảnh báo. Đặc biệt, mỗi người dân cần tự trang bị kỹ năng nhận diện rủi ro và nâng cao cảnh giác, góp phần bảo vệ tài sản của chính mình và cộng đồng" - chị Hương chia sẻ./.
Lam Hồng