Cảnh giác dịch bệnh mới nổi, tái nổi

Cảnh giác dịch bệnh mới nổi, tái nổi
20 ngày trướcBài gốc
Diễn biến bất thường, khó dự báo
Theo TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hầu hết bệnh mới nổi đều bắt đầu từ động vật rồi lây cho người (chiếm hơn 70%). Xu thế xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi tập trung vào các bệnh do virus, giun sán, nấm… và tập trung vào 4 nhóm bệnh chính: từ động vật hoang dã truyền sang cho con người (như HIV, Mpox, zika…); từ động vật hoang dã, sau đó lây cho vật nuôi trong gia đình và truyền sang người (như bệnh cúm, cúm A, viêm não Nhật Bản B, dại…); từ các véc-tơ truyền (muỗi, ve…); các căn nguyên gây bệnh nhiễm trùng, bệnh truyền nhiễm kháng thuốc, đặc biệt là vi khuẩn kháng lại kháng sinh.
Nhân viên một trung tâm tiêm chủng tư vấn người dân tiêm vaccine phòng bệnh
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay ghi nhận 20.469 trường hợp nghi sởi, trong đó 4.918 trường hợp dương tính và 5 trường hợp tử vong. Nhiều bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, bạch hầu, cúm mùa… và một số dịch bệnh mới xuất hiện ở Việt Nam cũng có xu hướng gia tăng. Cụ thể, trong năm 2024, cả nước ghi nhận 73 ca mắc đậu mùa khỉ (Mpox), chủ yếu tập trung tại TPHCM và các tỉnh miền Nam; 12 ca mắc bệnh than tại Điện Biên và Sơn La. Số ca mắc cúm mùa cũng có sự gia tăng nhanh, cả nước đã ghi nhận 264.830 trường hợp mắc cúm mùa được báo cáo, với 8 ca tử vong tại Bình Định, Hà Nội, Khánh Hòa và Phú Yên.
“Nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao cùng với diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là các điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thêm vào đó, một bộ phận người dân chủ quan, không tiêm chủng hoặc phản đối tiêm vaccine cũng đang làm gia tăng thách thức trong việc kiểm soát dịch bệnh”, TS Nguyễn Lương Tâm cảnh báo.
WHO công bố kết quả xét nghiệm bệnh lạ tại Congo
Ngày 15-12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định: sốt rét có thể là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh lạ tại Congo. Tính đến ngày 11-12, tại khu vực Panzi, tỉnh Kwango, Congo đã ghi nhận 406 trường hợp mắc căn bệnh này, 31 trường hợp tử vong. Các trường hợp mắc chủ yếu là trẻ em, và tất cả trường hợp nặng đều bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Ban đầu, các chuyên gia của WHO cho rằng căn bệnh chưa được xác định này rất có thể là bệnh cũ, như viêm phổi cấp tính, cúm, Covid-19, sởi, sốt rét, sốt xuất huyết hay chikungunya (một loại bệnh sốt cấp tính lây truyền do muỗi vằn truyền bệnh). Các triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, đau đầu, ho, khó thở và thiếu máu, rất giống các bệnh đường hô hấp thông thường.
Trong khi đó, vào tháng 9-2024, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, một căn bệnh bí ẩn tấn công 7 ngôi làng thuộc huyện Kutch, bang Gujarat, khiến 16 người tử vong, trong đó có 6 trẻ em. Triệu chứng bệnh gần giống với cảm cúm. Người mắc bệnh bị cảm lạnh, ho, viêm phổi, sốt và khó thở. Kết quả điều tra lâm sàng ban đầu cho thấy ít nhất 10 người bệnh tử vong do tình trạng viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp hoặc suy hô hấp nghiêm trọng. Hai người chết do nhồi máu cơ tim, một người bị đột quỵ não. Giới chuyên gia nghi ngờ đợt bùng phát liên quan đến những trận mưa lớn ở huyện Kutch. Từ sau đại dịch Covid-19, Ấn Độ đã đối phó ít nhất hai đợt dịch bùng phát do bệnh sốt bí ẩn, khiến hàng chục người tử vong, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân mầm bệnh.
* Trước thông tin phòng thí nghiệm ở Australia gặp sự cố thất lạc 323 ống chứa virus nguy hiểm làm dấy lên nỗi lo dịch bệnh có thể lây lan ra ngoài môi trường và gây nguy hại sức khỏe cho người dân, PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM, khẳng định, việc lo ngại là không cần thiết. Bởi khi các lọ chứa virus bị thất lạc ra bên ngoài, virus sẽ bị phá hủy do nhiệt độ môi trường. Bên cạnh đó, các loại virus trong ống nghiệm bị thất lạc là virus chưa có đột biến, chưa được biến đổi nên không khác gì virus trong tự nhiên.
THANH HẰNG
Ngăn chặn và phòng ngừa từ sớm, từ xa
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, để tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Y tế dự phòng chủ trì xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2024/TT-BYT ngày 13-6-2024 của Bộ Y tế về ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc; trong đó bổ sung vaccine phòng bệnh phế cầu, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng theo Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15-8-2022 của Chính phủ. Đồng thời đôn đốc các đơn vị đầu mối khẩn trương xây dựng quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng; xây dựng kế hoạch công tác phòng chống dịch bệnh năm 2025…
Nhân viên y tế Viện Pasteur TPHCM phân tích mẫu dịch bệnh
Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý khám, chữa bệnh chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám chữa bệnh, lưu ý bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao; tiếp tục cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh phù hợp với công tác phòng chống dịch bệnh.
Ngành y tế sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động trong công tác giám sát trường hợp bệnh, giám sát tác nhân gây bệnh và xử lý triệt để ổ dịch với các bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết...), các bệnh dự phòng bằng vaccine (sởi, ho gà, bạch hầu), bệnh viêm phổi nặng do virus và các bệnh lây qua đường hô hấp (cúm mùa, cúm gia cầm độc lực cao...). Đồng thời giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong.
Tại TPHCM, trước số ca mắc bệnh viêm phổi nặng do virus có xu hướng tăng cao, diễn tiến khó lường, ngành y tế thành phố đã có văn bản khẩn đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố khuyến cáo người dân đến khám, điều trị phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang. Tiếp tục thực hiện chỉ đạo về công tác phòng chống bệnh cúm gia cầm trên người và tăng cường công tác phòng chống cúm gia cầm lây sang người. Bên cạnh đó, chủ động giám sát trường hợp nghi ngờ viêm phổi nặng do virus trên địa bàn thành phố đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Ông LÊ ĐỨC LUẬN, Thứ trưởng Bộ Y tế:
Ngành y tế không thể đơn phương kiểm soát dịch bệnh
Ngành y tế không thể đơn phương kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh có yếu tố liên ngành như bệnh lây truyền từ động vật sang người và các vấn đề như kháng kháng sinh, an toàn thực phẩm, vấn đề sức khỏe do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu… Bộ Y tế cam kết sẽ tiếp tục tham gia một cách tích cực, thúc đẩy và triển khai một cách hiệu quả hơn nữa các hoạt động phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người và các vấn đề sức khỏe khác; đồng thời mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới hoạt động phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.
- PGS-TS NGUYỄN VŨ TRUNG, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM:
Sử dụng AI hỗ trợ phòng chống bệnh truyền nhiễm
Chúng ta có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phòng chống bệnh truyền nhiễm. Cụ thể, thông qua các nền tảng điện toán đám mây, AI có thể xử lý một lượng dữ liệu khổng lồ theo thời gian thực. Ngành y tế có thể sử dụng nó để xử lý các thông tin về lâm sàng, xét nghiệm, giúp các nhà quản lý, chuyên gia đưa ra quyết định chính xác dựa trên các bằng chứng. Song song đó, AI có thể theo dõi và phát hiện các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm, truy vết, giải trình tự gene, xét nghiệm PCR... nhanh chóng và chính xác. Tuy nhiên, AI không thể thay thế hoàn toàn con người. Có những quyết định của nó chính xác đến 90% nhưng chỉ để tham khảo, cuối cùng vẫn phụ thuộc vào con người đưa ra hướng đi chính xác.
- TS ANGELA PRATT, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO):
WHO cam kết hỗ trợ Việt Nam kiểm soát bệnh truyền nhiễm
Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi như sốt xuất huyết, bệnh lây truyền từ động vật sang người. Không ngoại lệ, Việt Nam đang đối mặt thách thức lớn trong kiểm soát các dịch bệnh này. Việc ứng phó đòi hỏi hệ thống y tế linh hoạt, đi kèm chính sách và nguồn lực phù hợp. Mặc dù Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ nhưng hệ thống y tế còn nhiều lỗ hổng, đặc biệt trong dự báo, giám sát và ứng phó bệnh truyền nhiễm quy mô lớn. Để vượt qua thách thức này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế và ngành liên quan. WHO cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong cải thiện hệ thống y tế, xây dựng các giải pháp phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm hiệu quả hơn trong tương lai.
THÀNH AN
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/canh-giac-dich-benh-moi-noi-tai-noi-post773404.html