Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Ngày 6/1, Cục An toàn thông tin phát đi cảnh báo liên quan đến chiêu trò lừa đảo thông qua các dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội dịp cận Tết Nguyên Đán.
Ảnh: Cục An toàn thông tin.
Theo đó, chỉ cần gõ từ khóa “đổi tiền lì xì tết” trên mạng xã hội là hàng trăm bài đăng, hội nhóm hiện ra với những lời mời gọi, cam kết “tiền thật”, “tiền mới”, “giá rẻ nhất thị trường”,... Thậm chí, nhiều chủ tài khoản còn nhận “đổ buôn” tiền lẻ, tiền mới cho ai có nhu cầu hay tuyển cộng tác viên đăng bài.
Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, “dân buôn tiền” trên mạng internet còn rao bán cả tiền lì xì, tiền độc, tiền hiếm, ngoại tệ của nhiều nước. Các loại tiền này chủ yếu được chuyển trực tiếp từ nước ngoài về, với giá bán thường cao gấp nhiều lần so với mệnh giá thực tế tùy vào độ độc, lạ của loại tiền.
Tại một vài cơ sở đổi tiền mới tại Hà Nội, mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng có phí đổi là khoảng từ 5 - 6%. Với mức tiền cao hơn hoặc đổi nhiều tiền hơn thì mức phí đổi sẽ rẻ hơn một chút.
Thậm chí, còn có khái niệm “tiền lướt”, tức là tiền đã qua sử dụng thì mức phí đổi chỉ khoảng 2-3%. Tuy nhiên, những quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới trên các trang mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người đổi tiền.
Thực tế đã có nhiều nạn nhân thực hiện giao dịch đổi tiền mới nhưng khi nhận lại tiền được đổi thì không đủ như cam kết, thậm chí khi nhận lại là tiền giả. Không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ tài khoản trang mạng xã hội đã chặn liên lạc và mất tích, “bùng” tiền cọc của khách.
Thông thường những người “sập bẫy” các chiêu lừa đảo và bị đổi tiền giả đều xem như “xui”, không dám trình báo đến các cơ quan chức năng vì sợ bị truy cứu trách nhiệm về tội mua bán tiền giả.
Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, trên các hội nhóm mạng xã hội, hàng loạt các group đổi tiền lẻ, tiền mới hoạt động sôi nổi với số lượng thành viên đông đảo. Không chỉ liên tục đăng tải bài viết giới thiệu dịch vụ đổi tiền, các bình luận liên quan cũng nhộn nhịp không kém.
Các hội nhóm đổi tiền trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.
Bên cạnh những lời mời chào hết sức hấp dẫn như phí đổi thấp, cam kết tiền thật, tiền nguyên seri, các đối tượng còn sẵn sàng giao hàng tận nơi, người đổi tiền được yêu cầu kiểm tra trước khi nhận hàng.
Để cạnh tranh, mức phí dịch vụ cho việc đổi tiền cũng dao động linh hoạt tùy vào từng thời điểm. Theo đó, đối với các loại tiền mới với mệnh giá cao như 100.000 đồng, 200.000 đồng, mức phí đổi từ 3-6%. Đối với các loại tiền lẻ như 1.000 đồng, 2.000 đồng, mức phí cao hơn, từ 10-14%. Càng đổi với số lượng lớn, mức phí dịch vụ này càng được chiết khấu “phải chăng”.
Cảnh giác trước những lời mời gọi
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, việc đổi tiền hiện nay thực hiện theo Thông tư 25/2013/TT-NHNN (Quy định hoạt động thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông) của Ngân hàng Nhà nước.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng.
Theo Thông tư này, chỉ có những tổ chức được Nhà nước cho phép mới được hoạt động đổi tiền, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc nhà nước.
Luật sư Hùng nhấn mạnh, ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch, đổi tiền để thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt.
Cụ thể, việc thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt lên đến 40.000.000 đồng theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Trường hợp tổ chức có hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt gấp 2 lần, từ 40.000.000 đồng đến 80.000.0000 đồng.
Tuy nhiên, Luật sư Hùng cũng đánh giá, do nhu cầu quá lớn của người dân, các hành vi này vẫn diễn ra và chưa thể ngăn chặn được.
Việc đổi tiền lẻ trên mạng như vậy mang tính rủi ro rất cao. Nhiều đối tượng có thể lợi dụng nhu cầu của người dân thực hiện việc đổi thiếu tiền, sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc hay thậm chí là tiền giả.
Bên cạnh đó, những đối tượng đổi tiền chỉ là quen biết trên mạng, thậm chí không có tổ chức, trụ sở rõ ràng. Khi đổi trúng tiền giả thì người dân còn gặp rủi ro khi phải chứng minh nguồn gốc tiền đó từ đâu mà có...
Luật sư Hùng khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng tránh bị thiệt hại trong việc đổi tiền qua mạng. Việc giao dịch, trao đổi tiền lẻ, an toàn nhất là vào ngân hàng. Chính vì vậy, để không rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, người dân dịp Tết khi có nhu cầu nên đến các ngân hàng để thực hiện đổi tiền.
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những đối tượng không quen biết, tuyệt đối không đổi tiền qua mạng xã hội để tránh trở thành “con mồi” tiếp tay cho các hành vi lừa đảo.
Chỉ nên sử dụng các dịch vụ đổi tiền của ngân hàng, công ty tài chính hoặc các cơ sở kinh doanh có uy tín, có giấy phép hoạt động hợp pháp.
Đối với các dịch vụ trên mạng xã hội, trước khi giao dịch, hãy kiểm tra các phản hồi từ khách hàng cũ, các đánh giá hoặc các chứng chỉ pháp lý của dịch vụ; so sánh tỷ giá chênh lệch với thị trường, không tin vào những dịch vụ tỷ giá quá cao so với thị trường.
Cảnh giác với các dịch vụ yêu cầu chuyển tiền trước khi nhận hàng. Khi phát hiện các đối tượng có hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả hay các hành vi lừa đảo, trục lợi khác, cần kịp thời trình báo cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hoàng Chiến