Ảnh: Cục An toàn thông tin
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, trên không gian mạng tiếp tục xuất hiện thủ đoạn lừa đảo bằng mã QR thông qua tin nhắn, thư điện tử (email) hoặc các bài đăng trên mạng xã hội. Hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, khó lường và gia tăng ở mức báo động.
Các tổ chức nước ngoài, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Anh Quốc (NCSC) và Ủy ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ (FTC) cũng đã khuyến cáo về các hình thức lừa đảo này.
Một trong những thủ đoạn lừa đảo mà các đối tượng sử dụng là giả mạo ngân hàng hoặc công ty tài chính, gửi tin nhắn, email yêu cầu cập nhật hoặc xác nhận thông tin cá nhân để gia tăng tính bảo mật cho tài khoản. Kèm theo tin nhắn là mã QR dẫn tới trang web giả mạo, được lập ra với mục đích đánh cắp thông tin của người dùng.
Bên cạnh đó, mã QR giả mạo được gửi thông qua các nền tảng mạng xã hội, xuất hiện kèm theo các bài quảng cáo sản phẩm với mức giá vô cùng ưu đãi, số lượng có hạn, thôi thúc nạn nhân quét mã dẫn tới các trang web hoặc ứng dụng có chứa mã độc, giúp kẻ lừa đảo có thể chiếm quyền điều khiển thiết bị.
Thủ đoạn lừa đảo này được sử dụng rộng rãi bởi mã QR có thể dễ dàng che dấu các đường dẫn, địa chỉ trang web lừa đảo, khiến cho người dùng cũng như hệ thống bảo mật của các nền tảng kỹ thuật số gặp khó khăn trong việc phát hiện.
Vì vậy, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi nhận tin nhắn, email hoặc các bài đăng chứa mã QR.
Người dân cần cẩn trọng xác minh thông tin cá nhân, đơn vị hoặc tổ chức cung cấp mã QR thông qua số điện thoại hoặc các trang thông tin uy tín.
Đồng thời, người dùng kiểm tra kỹ tên miền và địa chỉ trang web sau khi quét mã, lập tức thoát khỏi trang web nếu phát hiện có ký tự lạ, không có các chứng chỉ tín nhiệm mạng hoặc không khớp với tên miền chính thống. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dùng cần nhanh chóng báo với lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Châu Anh