Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "tiền giả", hàng loạt các tài khoản cá nhân và hội nhóm liên quan đến hoạt động liên quan đến “tiền giả” sẽ xuất hiện. Các thông tin bình luận phía dưới phần lớn là người bán nhắn nhủ sẽ báo giá riêng tư vào tài khoản cá nhân của khách hàng. Được biết, người bán thường để lại thông tin mập mờ trên bài đăng và khuyến khích khách hàng nhắn tin trực tiếp để được báo giá. Ngoài ra, ngay khi người mua truy cập vào trang cá nhân của người bán, họ sẽ lập tức nhận được tin nhắn riêng giới thiệu về dịch vụ bán tiền giả.
Các bài viết và clip quảng cáo rao bán tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau, ví dụ như 1 triệu đồng mua được 10 triệu đồng, có tài khoản rao bán 1 triệu đồng được 14 triệu đồng không phải đặt cọc trước và được kiểm tra hàng. Đặc biệt, người mua càng đặt số lượng lớn, tỷ lệ quy đổi sẽ càng ưu đãi. Việc thanh toán không yêu cầu đặt cọc trước; khách hàng nhận hàng qua bưu điện, kiểm tra, thanh toán trực tiếp cho nhân viên bưu điện hoặc người giao tới và được kiểm tra trước khi nhận hàng. Đáng chú ý, các tin nhắn từ các tài khoản là học sinh, sinh viên và người trẻ tuổi chiếm phần đa.
Để có thể phòng tránh được thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nên lựa chọn các cơ sở uy tín để thực hiện giao dịch đổi tiền phục vụ cho dịp lễ Tết Nguyên Đán sắp tới. Không tham gia vào giao dịch tiền tệ không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội hoặc qua các nền tảng không chính thức.
Trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, hãy xác minh kỹ càng danh tính đối tác, nguồn gốc giao dịch, cũng như các thông tin liên quan. Không tin vào những lời hứa hẹn quá tốt để trở thành sự thật. Sử dụng các kênh giao dịch chính thức và có giấy tờ hợp pháp. Cảnh giác với các yêu cầu chuyển tiền trước. Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay với cơ quan Công an để có thể hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Xuân Tùng