Theo bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP. Hồ Chí Minh) kỳ nghỉ lễ dài đang đến gần, cùng với không khí rộn ràng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025). Nhiều gia đình đã háo hức lên kế hoạch đưa các bé đi chơi, về quê, hoặc hòa mình vào không khí sôi động của các sự kiện trọng đại – đặc biệt là lễ diễu binh đầy cảm xúc tại các tuyến đường trung tâm TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, giữa tiết trời nắng nóng gay gắt vào những ngày ngày này, cơ thể còn non nớt của trẻ lại dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Việc vui chơi ngoài trời quá lâu, đứng xem sự kiện giữa đám đông hay đơn giản là di chuyển dưới nắng, đều có thể khiến trẻ rơi vào tình trạng say nắng – say nóng mà người lớn không kịp nhận ra.
Phụ huynh cần nhận diện sớm các dấu hiệu cảnh báo say nắng, say nóng ở trẻ khi tham dự Lễ diễu binh. Ảnh minh họa
Vì vậy, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố lưu ý, phụ huynh cách nhận diện sớm các dấu hiệu cảnh báo say nắng, say nóng ở trẻ bao gồm:
- Dấu hiệu nhẹ: Trẻ mệt mỏi, khát nước, chóng mặt, tim đập nhanh, thở gấp, chuột rút – đây là thời điểm "vàng" để can thiệp sớm.
- Dấu hiệu nặng: Trẻ đau đầu dữ dội, buồn nôn, yếu liệt nửa người, co giật, ngất xỉu, hôn mê, trụy tim mạch – nếu không cấp cứu kịp thời, có thể đe dọa tính mạng.
Bên cạnh đó, khi trẻ có dấu hiệu say nắng/say nóng, phụ huynh cần:
-Đưa trẻ vào nơi mát, thoáng gió
-Nới lỏng quần áo, lau mát cơ thể bằng khăn ướt hoặc dội nước mát rồi lau khô
-Đắp khăn ướt vào nách – bẹn – cổ để hạ nhiệt
-Cho trẻ uống nước mát từng ngụm nhỏ, ưu tiên oresol để bù nước và điện giải
-Tránh tụ tập quá đông quanh bé để không gây ngột ngạt
- Đặc biệt, nếu trẻ có dấu hiệu nguy kịch như mất ý thức, co giật, khó thở cần gọi 115 ngay lập tức. Đồng thời, tiếp tục làm mát cơ thể trong quá trình vận chuyển đến bệnh viện.
Xuân Quý